Ông Nguyễn Văn Luệ không thể vô can trong vụ "đánh úp" giáo viên

23/09/2018 07:03
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Phải hủy quyết định điều động, thuyên chuyển giáo viên trái quy định và xử lý kỷ luật cán bộ có vi phạm.

Huyện Hậu Lộc thừa nhận điều chuyển giáo viên sai quy định

Các căn cứ để khẳng định huyện Hậu Lộc điều động, thuyên chuyển giáo viên có dấu hiệu trái luật đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã chỉ rõ tại các bài viết Giáo viên uất nghẹn, bật khóc vì bị huyện Hậu Lộc...đánh úpHậu Lộc điều chuyển giáo viên bằng miệng, chả theo quy định nào cả”Huyện Hậu Lộc có cán bộ cố chấp, không công tâm khi điều chuyển giáo viên.

Trước đó trong cuộc phỏng vấn nhanh của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam với ông Nguyễn Văn Ấp, vị Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc khẳng định, việc điều động, thuyên chuyển cô T.T.P. từ trường trung học cơ sở Hoa Lộc về thế chỗ thầy L.V.T. tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc là sai quy định.

"Muốn sắp xếp đội ngũ cho phù hợp phải điều chuyển từ nơi thừa đến nơi thiếu, điều từ nơi thiếu ít đến nơi thiếu nhiều. Trong khi đó, trường Hoa Lộc đang ổn định thì điều đi làm gì?

Điều đến nơi thừa (trường trung học cơ sở Ngư Lộc) để ngồi chơi à? Tôi sẽ làm việc thêm với Ủy ban huyện về vấn đề này", ông Nguyễn Văn Ấp, Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc cho biết.

Trường trung học cơ sở Ngư Lộc, nơi thầy L.V.T. từng công tác. Ảnh của Quốc Toản.
Trường trung học cơ sở Ngư Lộc, nơi thầy L.V.T. từng công tác. Ảnh của Quốc Toản.

Ông Ấp một lần nữa giữ vững quan điểm của mình về vụ điều động thuyên chuyển giáo viên nói trên trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 21/9.

"Tôi đã nắm kỹ thông tin phản ánh của Báo về vụ việc nêu trên. Việc điều động, thuyên chuyển giáo viên sai thì phải xử lý (hủy quyết định điều động thuyên chuyển) chứ không thể để như vậy được.

Tới đây trong buổi họp Thường vụ Huyện ủy, tôi sẽ có chỉ đạo tổng thể về việc này. Quan điểm của lãnh đạo huyện là việc sai đến đâu xử lý đến đó", ông Ấp cho hay.

Khi được hỏi về phương án xử lý đối với trường hợp điều động, thuyên chuyển trái quy định đã được vị Bí thư khẳng định ở trên, ông Ấp cho rằng: "Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc".

Đồng quan điểm trên, bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc cho biết, việc điều động, thuyên chuyển cô P. là sai quy định.

Ông Nguyễn Văn Luệ không thể vô can trong vụ "đánh úp" giáo viên ảnh 2"Hậu Lộc điều chuyển giáo viên bằng miệng, chả theo quy định nào cả”

"Tôi rất buồn vì sự việc đã xảy ra. Huyện đang giao cho cơ quan chuyên môn rà soát, trình phương án xử lý vụ việc", bà Hà cho biết.

Đến nay, đã quá hạn trả lời công dân về những khiếu nại liên quan tới việc điều động thuyên chuyển cô L.T.P. và thầy L.V.T., nhưng Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Trong một diễn biến khá bất ngờ có liên quan tới vụ việc, hôm 21/9, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy L.V.T. cho biết, sau khi gửi đơn khiếu nại về việc huyện điều động, thuyên chuyển giáo viên có dấu hiệu trái luật, có hai người tự xưng là Công an tới trường trung học cơ sở Hoa Lộc và đề nghị làm việc với thầy.

"Họ tự xưng là cán bộ công an huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, phụ trách lĩnh vực an ninh văn hóa, đến trường trung học cơ sở Hoa Lộc làm việc sau khi tiếp nhận được nội dung báo phản ánh về đơn khiếu nại của tôi.

Họ hỏi tôi cụ thể về sự việc báo chí phản ánh để báo cáo với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Họ còn nói vụ việc có ảnh hưởng tới an ninh, chính trị của huyện, rồi đặt câu hỏi "anh (chỉ thầy T.) gửi đơn khiếu nại tới báo hay như thế nào? tại sao lại gửi đơn khi huyện đang giải quyết vụ việc?

Trong buổi làm việc đó cũng không có bất cứ một văn bản nào được lập ra để ghi nhận ý kiến các bên xung quanh vụ việc này.

Trước đó, họ gọi điện cho tôi nhiều lần đòi gặp bằng được, nếu không gặp được ở trường thì gặp ở nhà hoặc chỗ khác", thầy T. cho biết.

Theo thầy L.V.T. việc hai cán bộ tự xưng là Công an huyện Hậu Lộc "vào cuộc" tìm hiểu vụ việc là điều bất thường bởi việc xem xét, giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong vụ việc có liên quan tới quyền lợi của thầy thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc chứ không thuộc trách nhiệm của Công an.

"Trường hợp quá hạn trả lời hoặc xử lý không thỏa đáng thì công dân có quyền khiếu nại lên cấp trên để được xem xét theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo", thầy T. cho hay.

Làm sai phải xử lý cả Chủ tịch huyện

Bình luận về sự việc trên, hôm 21/9, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mai Sỹ Diến, Phó trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, nếu việc điều động thuyên chuyển giáo viên không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Chủ tịch huyện.

Đại biểu Mai Sỹ Diến phân tích: "Trong việc điều động, thuyên chuyển giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ là hai cơ quan chuyên môn có trách nhiệm phối hợp, tham mưu về công tác cán bộ, sau đó trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ký quyết định điều động thuyên chuyển.

Nếu điều động, thuyên chuyển không đúng thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là Chủ tịch huyện, sau đó là cơ quan tham mưu", Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến nêu quan điểm.

Ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: quochoi.vn.
Ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: quochoi.vn.

Vị Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, người chịu tác động chính trong việc thực hiện các quyết định điều động, thuyên chuyển chính là giáo viên. Do đó, nếu việc điều động thuyên chuyển sai phải có hướng xử lý, khắc phục.

"Nếu cán bộ được phân công nhiệm vụ nhưng thực hiện trái quy định về điều động, thuyên chuyển giáo viên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, tâm lý, tạo dư luận không tốt, thì phải xem xét, thu hồi quyết định thuyên chuyển, điều động giáo viên.

Sau khi thu hồi quyết định điều động thuyên chuyển, thì phải xử lý người ban hành quyết định sai và người làm sai quy trình điều động thuyên chuyển.

Bên cạnh đó cần thực hiện điều động lại đối với giáo viên bị điều động, thuyên chuyển sai, về vị trí công tác cũ. Việc này căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, sau khi có kết luận rõ ràng vụ việc", Đại biểu Mai Sỹ Diến nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Văn Luệ không thể vô can trong vụ "đánh úp" giáo viên ảnh 4Huyện Hậu Lộc có cán bộ cố chấp, không công tâm khi điều chuyển giáo viên

Nhận định về nguyên nhân xảy những vi phạm trong điều động, thuyên chuyển giáo viên, trong đó có sự việc vừa xảy ra tại huyện Hậu Lộc, Đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng, vấn đề này chủ yếu xuất phát từ yếu tố chủ quan.

"Việc điều động, thuyên chuyển giáo viên không đúng quy định không phải do vô tình hay khách quan mà nguyên nhân ở đây là do chủ quan.

Những quy định về điều động, thuyên chuyển giáo viên đã được thể hiện rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nếu việc điều động liên quan tới việc chung, tuân thủ quy định của pháp luật sẽ không có ai thắc mắc.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, việc điều động, thuyên chuyển không có sự khách quan và đằng sau quyết định đó có chuyện này, chuyện khác, thì người bị điều động thuyên chuyển phản ứng.

Những chuyện này rất cần giải trình của người trong cuộc trước những vấn đề báo chí đã nêu. Nếu người trong cuộc lý giải việc điều động, thuyên chuyển không hợp lý, hợp tình thì cần xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan", Đại biểu Mai Sỹ Diến cho hay.  

Từ vụ việc nêu trên, vị Đại biểu Quốc hội cũng nhìn thấy những bất cập trong mối quan hệ giữa việc điều động thuyên chuyển giáo viên và việc thực hiện chế độ chính đối với nhà giáo.

"Tại các xã bãi ngang, giáo viên được hưởng chế độ tiền lương cao hơn so với một số khu vực khác. Khi nói đến chế độ đãi ngộ thì ai cũng muốn về (vùng bãi ngang). Có người phải "tác động" để được về. Do đó, việc chuyển công tác giáo viên thường liên quan tới lợi ích nhiều hơn và các vấn đề khác.

Điều này cũng thể hiện rõ dấu hiệu của bất cập của chính sách. Tôi tin rằng, tới đây Thường vụ Quốc hội sẽ có sự điều chỉnh vấn đề này", Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến cho biết.

QUỐC TOẢN