LTS: Mới đây, tài liệu tập huấn theo Thông tư 22 do PGS.TS. Nguyễn Công Khanh biên soạn bị phát hiện có nhiều từ sai lỗi chính tả.
Tác giả Tùng Sơn đã gửi bài viết chia sẻ phản ánh những lỗi này. Theo tác giả, các sai sót này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các giáo viên sử dụng tài liệu của ông.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Khi thông tư 22/2016/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực (06/11/2016), PGS.TS. Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng giáo dục và kiểm tra, Đại học Sư phạm Hà Nội đã biên soạn tập tài liệu để tập huấn cho các giáo viên.
Với cách sử dụng từ một cách dễ dãi như trong bài giảng, không hiểu Phó Giáo sư cố ý chơi chữ hay ông có cách hiểu nào khác?
* Tại sao lại dùng từ “bắt trước”?
Khi thuyết giảng về thông tư 22/2016 cho các giáo viên tiểu học, PGS.TS Nguyễn Công Khanh đã soạn bài để trình chiếu trên Powerpoint.
Để làm rõ nội dung “Trẻ em học bằng cách nào”, tại slide 3, ông viết “Trẻ con hay bắt trước”.
PGS.TS Nguyễn Công Khanh viết sai chính tả từ "bắt chước" thành "bắt trước". (Ảnh: Tùng Sơn) |
Tôi thật băn khoăn, tại sao PGS.TS Nguyễn Công Khanh lại dùng “bắt trước” chứ không phải là “bắt chước”?
Trong cuốn từ điển của Trung tâm từ điển học xuất bản năm 2010, GS. Hoàng Phê giải nghĩa: “bắt chước: làm theo kiểu của người khác một cách máy móc… (VD) bắt chước giọng miền Nam”.
Tôi tìm trong cuốn từ điển này không thấy có từ “bắt trước”. Chứng tỏ, GS. Hoàng Phê cho rằng tiếng Việt không tồn tại hai cách nói của từ này.
Tiếp theo đến cuốn “Từ điển tiếng Việt” của Nhà xuất bản từ điển bách khoa do nhóm Ngọc-Xuân-Quỳnh biên soạn cũng giải nghĩa tương tự: “bắt chước: làm theo kiểu của người khác một cách máy móc: khỉ thường hay bắt chước”.
Sử dụng tiếng lóng và ngôn ngữ "chat" trong học sinh sao cho phù hợp |
Nhà thơ Hàn Mặc Tử có bài thơ “Bắt chước” rất quen thuộc với người yêu thơ.
Mấy câu cuối bài, thi sĩ họ Hàn viết: “Trăng lại đầm mình xuống nước – Trăng nước đều lặng nhìn nhau – Đôi ta bắt chước thì sao?”
Ở quê tôi, dân gian hay nói chệch đi thành “bắt chiếc” (VD: Mày đừng có bắt chiếc tao đấy) chứ cũng không nói ngọng thành “bắt trước”.
Có thể là kiên định với “bắt trước” nên trong chuyên đề “Đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh phổ thông…” đăng trên báo điện tử “Quảng Trị” ngày 24/11/2014.
PGS.TS. Nguyễn Công Khanh đã viết “… những dạng bài tập GV cho trước… học sinh chỉ việc thay số trong bài toán mẫu, bắt trước câu văn mẫu …”
*Tại sao lại viết “chín mùi”?
Vẫn trong bài giảng này, PGS.TS. Nguyễn Công Khanh trình chiếu ở slide 5 cụm từ “Sự chín mùi sinh học” để minh họa bằng sơ đồ về “Sự phát triển năng lực nhận thức của HS…”.
PGS.TS Nguyễn Công Khanh lại tiếp tục sai chính tả. (Ảnh: Tùng Sơn) |
Ngay từ thời học phổ thông và sau này đi học chính trị, tôi đã được nghe các thầy giáo giảng về Khởi nghĩa Tháng 8/1945 là “…chúng ta đã khởi nghĩa khi thời cơ đã chín muồi…”
Bài “Cách mạng tháng Tám và bài học thời cơ” đăng ngày 02/9/2015 trên trang thông tin điện tử của Ban Nội chính Trung ương, tác giả viết: “Thời cơ của tổng khởi nghĩa giành chính quyền chỉ xuất hiện khi mà tình thế cách mạng đã chín muồi”.
Trong bài thơ “Hái theo mùa”, Chế Lan Viên viết: “Tiếng chim chói người ở cổ - Chỉ chờ cho sắc đỏ chín muồi”
Khi ru con, các bà mẹ thường hát: “Em buồn ngủ buồn nghê – Con tằm chín đỏ, con dê chín muồi – Con tằm chín để mà nuôi – Con dê chín muồi làm thịt mà ăn”.
Trong từ điển tiếng Việt, GS. Hoàng Phê viết: “chín muồi: rất chín, đạt đến độ ăn ngon nhất. (VD) Chuối chín muồi".
Tóm lại, chỉ có “chín muồi” là một từ, chỉ sự phát triển đầy đủ nhất, chứ không có “chín mùi” là tổ hợp từ ý nói ít hơn mười mùi. Vậy mà PGS.TS. Nguyễn Công Khanh cứ trình chiếu vô tư “Chín mùi sinh học”.
*Lại nữa, Phó Giáo sư viết “giầu” chứ không phải “giàu”
Vẫn trên slide 3, phía cuối trang, Phó giáo sư gõ “HS hứng thú, tích cực khám phá, liên tục trải nghiệm, giầu tương tác”.
PGS.TS Nguyễn Công Khanh chưa viết chuẩn tiếng Việt trong các slide chia sẻ, giới thiệu với cộng đồng. (Ảnh: Tùng Sơn) |
“Giầu” là phát âm của người dân một số tỉnh Bắc Bộ. Nhưng khi viết, học không viết “giầu” mà viết “giàu”.
Cũng giống như hiện tượng chủi/chổi, ủi/ổi nhưng khi viết thì viết là “chổi” và “ổi”.
Có người coi đây là hiện tượng phát âm lệch chuẩn. Nhưng viết và trình chiếu là “giầu tương tác” của Phó giáo sư thì chắc không thể là “lệch chuẩn”?
Điều 3, Hiến pháp 2014 của nước ta có ghi “…thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh,…”
Dẫn điều này ra, cũng là để muốn nói rằng “giàu” là cách nói chuẩn. Biết rằng đây đó, một số địa phương vẫn nói “giầu”, như Hải Dương chẳng hạn.
Nhưng chính những người phát âm “giầu” đó lại luôn hiểu rằng “giàu” mới đúng và nhiều người trong số ấy đang hàng ngày luyện nói để góp phần làm cho tiếng Việt ngày càng giàu và đẹp hơn.
Ngày 5/11 vừa qua, tại hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” ở Hà nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tiếng Việt hiện nay đang bị sử dụng thiếu chuẩn mực và dễ dãi.
Từ những ngày đầu tháng 11 đến nay, tài liệu tập huấn về thông tư 22 của PGS.TS Nguyễn Công Khanh được chia sẻ rất nhiều trên mạng Violet và trên các trang mạng khác.
Liệu cách dùng từ không chuẩn của ông có ảnh hưởng tiêu cực tới các thầy cô giáo tiểu học hay không? Rất mong được trao đổi cùng Phó Giáo sư.