Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra điểm yếu nói trên tại buổi làm việc của đoàn công tác Chính phủ với Đại học Đà Nẵng ngày 24/2.
Tự chủ phải xuyên suốt từ Trường xuống Khoa, đến từng Bộ môn
Cũng tại đây, làm việc với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi: “Nếu tôi trao quyền tự chủ đại học toàn diện cho trường thì sẽ như thế nào?”.
Ông Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tự chủ đại học là lộ trình bắt buộc đối với các trường trong thời gian đến. Nhà trường đang làm đề án tự chủ vào năm 2018.
“Khi tự chủ, có một vấn đề băn khoăn đối với khối trường kỹ thuật là quá trình đào tạo về khoa học công nghệ cần nhiều trang thiết bị thực hành, nghiên cứu rất tốn kém” ông Hùng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đến thăm khu thực hành của Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ảnh: AN |
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, không phải là trường tự chủ rồi thì ngân sách không tiếp tục cấp. Mà chỉ cắt giảm một số phần, còn ngân sách nhà nước vẫn tiếp tục quan tâm.
Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, riêng về học thuật thì nhiều trường chưa tự chủ được. Bằng chứng là các phòng tổ chức, phòng đào tạo quyền năng còn quá to.
Thủ tướng: "Giáo dục và đào tạo ở Việt Nam đã có sự chuyển mình, đã có lối ra" (GDVN) - Thủ tướng đề nghị Đại học Đà Nẵng nên xung phong đi đầu trong lĩnh vực tự chủ, tự trị đại học để góp phần vào sự chuyển mình của nền giáo dục nước nhà. |
“Khoa quyền năng to hơn Bộ môn. Các giáo sư bên dưới không đủ quyền về chuyên môn. Đó là cái chưa tự chủ về chuyên môn, mình mới tự chủ về cái vỏ thôi”.
Ông Đam phân tích tiếp, Trường Đại học Bách khoa trực thuộc Đại học Đà Nẵng. Nếu là tự chủ thì không chỉ Đại học Đà Nẵng tự chủ với các cơ quan bên ngoài mà ngay các trường thành viên trong đại học Đà Nẵng phải như phương Tây, phải thực hiện tự chủ.
Tự chủ phải xuống đến trường, rồi xuống đến khoa, đến từng bộ môn. Phải có tự chủ xuyên suốt như vậy, chứ còn tự chủ tiền thì các anh đừng ngại - Phó thủ tướng nói.
Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác Chính phủ và Đại học Đà Nẵng thì vấn đề tự chủ đại học một lần nữa được đưa ra mổ xẻ, phân tích.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thì vấn đề tự chủ đại học lâu nay vẫn chưa được hiểu đúng bản chất của nó.
Các nước châu Âu như ở Đức, ngân sách người ta vẫn hỗ trợ 80 – 90% đấy chứ, nhưng vẫn là tự chủ đại học. Thực ra nó là tự trị.
“Chúng ta mới làm mô hình này. Trước đây, vận động mãi mới ra mười mấy trường. Nhưng chỉ tự chủ một chút xíu thôi, mà tôi nói vui là chỉ ngoài vỏ”.
Ông Đam nói tiếp, bây giờ phải bắt tay vào làm đi (tự chủ đại học), ngay từ đại học Đà Nẵng.
“Bây giờ giao toàn quyền tự chủ cho Đại Đà Nẵng, không có nghĩa là không có ngân sách nhà nước về đầu tư, về chi thường xuyên.
Tôi đề nghị thay vì mình nói là tự chủ có lộ trình thì mình tự chủ ngay lập tức về mọi mặt. Kèm theo đó là cắt giảm ngân sách nhà nước, đổi mới quy trình cấp phát, hỗ trợ”.
Nhiều đại biểu và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ủng hộ quan điểm này và cho rằng ngân sách nhà nước sẽ không cắt nhưng các trường phải tăng tính tự chủ lên.
Phó thủ tướng cũng chỉ ra một thực trạng là hiện ngân sách dành cho các trường đại học công lập bị cào bằng.
Ví dụ mỗi một trường được 10 tỷ đồng, anh đào tạo không tốt cũng 10 tỷ, anh tốt cũng được nhận mức ấy.
“Bây giờ phải đổi khác đi. Vẫn giữ mức ngân sách chi như vậy nhưng đổi cách cấp. Theo đó, chỉ cấp nhiều cho các trường tuyển sinh được, nếu trường nào không tuyển sinh được thì không cấp” ông Đam phân tích tiếp.
Phó Thủ tướng đề nghị, tự chủ thì hãy làm đúng thực sự tự chủ. Trên tinh thần là tự chủ ngay, thay vì lộ trình tự chủ thì là lộ trình cắt giảm ngân sách nhà nước.
Ông Đam cũng ủng hộ việc Đại học Đà Nẵng thành lập thêm một số trường mới như: Đại học Việt-Anh, Đại học Sư phạm kỹ thuật.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng đặt ra điều kiện là các trường này phải cam đoan thực hiện cơ chế tự chủ.
“Đừng có cột việc thành lập trường này với việc xin được bao nhiêu triệu đô la? Nó độc lập với nhau.
Các anh thấy rằng đang làm khoa tốt hơn thì các anh làm khoa, nếu thấy lên trường tốt hơn thì xin lên trường.
Nếu thuộc Bộ thì Bộ quyết, thuộc Thủ tướng quyết thì Thủ tướng sẽ quyết, thế mới đúng tinh thần Bộ tự chủ” ông Đam chia sẻ.
Cũng theo Phó thủ tướng thì các trường muốn mở ngành gì, như thế nào? thì Bộ GD&ĐT nên tin tưởng và giao cho trường tự quyết.
Đừng khống chế là phải có đủ bao nhiều giáo viên, bao nhiêu tiến sĩ, giáo sư mới được mở ngành mới. Nhà trường phải vì uy tín, thương hiệu của mình mà tự làm tốt.
“Tôi rất kỳ vọng Thủ tướng sẽ quyết những vấn đề quan trọng không chỉ cho trường này mà nó mở ra một hướng mà tới đây các trường khác cũng sẽ làm.
Tôi đề nghị phải tự chủ ngay và tự chủ triệt để. Thay vì nói là lộ trình tự chủ thì phải nói là lộ trình cắt giảm ngân sách nhà nước. Tự chủ ngay lập tức” ông Đam nói.
Trường đại học được coi như đơn vị cung cấp dịch vụ công
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, gần đây, có sự quyết tâm rất cao của lãnh đạo các trường đại học để làm thế nào đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.
Cách đây ba tháng, cũng tại Đà Nẵng đã có một “hội nghị diên hồng” giữa các hiệu trưởng nhằm bàn làm thế nào để đổi mới giáo dục đại học.
Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. |
“Trong hội nghị này chúng tôi có sự thống nhất rằng, có nhiều việc phải đổi mới nhưng trước hết là phải đẩy mạnh tự chủ đại học.
Đây vừa là nhu cầu tự thân nhưng cũng là cơ hội để các trường thoát ra khỏi sự kìm kẹp, ràng buộc. Đi kèm với nó là đổi mới sang quản trị đại học chứ không phải là quản lý” ông Nhạ cho hay.
Bởi nhiều trường công lập vẫn còn tư duy là quản lý đại học, vẫn còn trông chờ, vẫn còn bị động. Nhưng khi sang quản trị thì khác. Các trường đại học phải coi như là một đơn vị cung cấp dịch vụ công.
Bản thân những người lãnh đạo Trường phải nghĩ rằng, nhà nước chỉ là khách hàng. Còn suốt ngày chỉ đẩy quả bóng xin đầu tư thì chưa đúng.
Phải làm sao tăng tính cạnh tranh giữa các trường, mà nhà nước là khách hàng lớn. Ngoài ra, còn nhiều khách hàng khác mà các trường cần tận dụng để bổ sung vào nguồn tài chính.
Có rất nhiều việc phải làm nhưng vấn đề xuyên suốt và trọng tâm là thực hiện quyết liệt cái tiến trình tự chủ đại học – Bộ trưởng Nhạ phát biểu.
Tự chủ đại học là vấn đề không mới ở nhiều trường đại học trên thế giới. Nhưng ở nước ta thì còn rất mới nên từ nhận thức đến quan điểm, hành động còn rất nhiều vấn đề.
“Nói tự chủ đại học trong điều kiện chúng ta hiện nay thì nhiều hiệu trưởng còn chưa hiểu đầy đủ, dẫn đến quan điểm, hành động còn do dự, lúng túng, níu kéo và trông đợi, chưa có sự bứt phá”.
Bộ trưởng Nhạ cũng lấy dẫn chứng như thời kỳ đổi mới doanh nghiệp lớn là phải chấp nhận những va chạm, những khó khăn. Còn nếu cứ sợ thì không thể làm được.
Về đường hướng phát triển Đại học Đà Nẵng thì Bộ trưởng Nhạ yêu cầu phải đổi mới mô hình quản trị.
“Ở tầm Đại học đà nẵng thì tập trung vào chiến lược quy hoạch, định hướng, nhưng toàn bộ quá trình thực thi và quyết định trên cơ sở hướng đã vạch ra ấy thì các trường thành viên thực hiện.
Như vậy, đảm bảo được môi trường tốt cho các trường thành viên tự chủ và chấp nhận cạnh tranh.
Chứ không phải biến trường thành khoa, thì các ông Hiệu trưởng không phát huy được vai trò của mình.
Vai trò của cấp trên ở Ban giám đốc là cấp chiến lược, vĩ mô, điều phối. Nếu như tập trung vào ở trên mà các trường chỉ thực hiện nhiệm vụ phân bổ thì không được”.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, khi vai trò của các giáo sư, các nhà khoa học có uy tín họ được quyết định các vấn đề lớn mà bộ phận phục vụ giúp và thực hiện (nếu không trái luật) thì đấy mới là tự chủ.
Phải tiếp cận theo hướng ấy, chứ nếu chỉ tự chủ về hành chính không thì không ăn thua.