Phụ huynh khốn khổ vì lạm thu
Lạm thu tại các trường học đã trở thành vấn nạn tại nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước. Ngoài những khoản thu theo quy định, nhiều phụ huynh phải “cõng” thêm nhiều khoản thu vô lý do nhà trường hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra tổ chức thu.
Dù bức xúc nhưng phụ huynh vẫn phải đóng những khoản tiền từ... trên trời rơi xuống.
Đây cũng là thực trạng đang diễn ra tại trường Trung học phổ thông Hậu Lộc 4 (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Mặc dù từ đầu năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng lạm thu ở các trường học trong cả nước, thế nhưng cơ sở giáo dục này vẫn tồn tại tình trạng thu vô tội vạ, buộc phụ huynh đóng góp theo kiểu tự nguyện đủ loại tiền.
Cổng trường Trung học phổ thông Hậu Lộc 4. Anh: XUÂN DU. |
Theo đó, trong đơn phản ánh gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một số phụ huynh trường Trung học phổ thông Hậu Lộc 4 phàn nàn vì cứ mở mắt ra là phải lo tiền đóng cho nhà trường.
Tài liệu phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có được cho thấy, ngoài những khoản thu theo quy định của nhà nước năm học 2017-2018, phụ huynh còn phải oằn mình nộp những khoản tiền vô lý khác “núp” dưới những khoản thu được gọi là “tự nguyện”.
Cụ thể, vào thời điểm cuối năm học, phụ huynh phải nộp tiền bồi cho dưỡng giáo viên coi thi tốt nghiệp (80 nghìn đồng/học sinh); tiền mua quà lưu niệm cho nhà trường (145 nghìn đồng/học sinh), mà thực chất đây là khoản thu áp đặt, có tính bắt buộc.
Các khoản tiền này đều do Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra phổ biến và thu tiền.
Đáng chú ý là, các khoản đóng góp theo quy định và cái gọi là “khoản thu tự nguyện” đều không được lập phiếu thu, có dấu hiệu thiếu minh bạch.
Trước thực trạng trên, một số phụ huynh tỏ vẻ bức xúc: “Kinh phí cho giáo viên coi thi tốt nghiệp là do nhà nước chi trả. Tại sao họ lại còn bắt phụ huynh đóng góp để bồi dưỡng giáo viên?
Số tiền này được sử dụng vào việc cụ thể gì? Dù chi khoản tiền này như thế nào thì đây là những khoản thu hoàn toàn trái quy định.
Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương |
Chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ những khoản thu mập mờ này”, một phụ huynh (giấu tên) có con học lớp 12 đề nghị.
Riêng khoản đóng góp của phụ huynh để mua máy photocopy trị giá gần 60 triệu đồng được thực hiện theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu”.
Theo đó, để có thiết bị phục vụ cho công tác dạy, học, một số phụ huynh thuộc Ban đại diện cha mẹ học sinh đã chủ động "cầm đèn chạy trước ô tô", tự bỏ tiền mua quà lưu niệm cho nhà trường, trước khi phổ biến, triển khai thu tiền tới toàn thể cha mẹ học sinh khối 12.
Một số phụ huynh cho biết, đây là những khoản thu vô lý, chưa được sự thống nhất của phụ huynh, nhưng nhiều người bắt buộc phải đóng tiền vì sợ rằng, nếu không đóng góp thì rất có thể các thầy cô gây khó dễ cho con em mình.
“Đã gọi là quà lưu niệm thì phải dựa trên sự tự nguyện, chân thành của phụ huynh, học sinh.
Nhưng thực chất đây là khoản tiền bắt buộc phụ huynh đóp góp mua thiết bị cho nhà trường dưới danh nghĩa là quà lưu niệm.
Nếu nhà trường không “gợi ý” mua máy photocoppy, thì làm sao Ban đại diện cha mẹ học sinh biết nhà trường đang thiếu thiết bị này mà mua? Đây là khoản thu áp đặt, trái quy định cần được làm rõ.
Phụ huynh chúng tôi biết đó là những khoản thu vô lý, nhưng không còn lựa chọn nào khác.
Nếu phản ứng thì liệu con em mình có được yên thân để học hành hay không?
Nếu không nộp có khi con mình bị làm khó ấy chứ”, một phụ huynh khác chia sẻ.
Được biết, khối 12 trường Trung học phổ thông Hậu Lộc 4 hiện có hơn 400 học sinh.
Như vậy, nhẩm tính số tiền phụ huynh học sinh phải đóng hai khoản tiền được cho là bất hợp lý nêu trên lên tới nhiều triệu đồng.
Hiện tại, nhiều phụ huynh đã nộp một trong số các khoản tiền nêu trên.
Học thêm, ôn thi tốt nghiệp vô tội vạ?
Ngoài ra, theo phản ánh của một số học sinh theo học tại trường Trung học phổ thông Hậu Lộc 4, từ đầu năm học 2017-2018, học sinh rơi vào tình trạng quá tải khi phải học thêm 6 buổi/tuần (học vào buổi chiều). Mức đóng tiền học thêm là 15 nghìn đồng/học sinh.
Học sinh "bội thực" về lịch học thêm 6 ngày/tuần và lịch ôn thi tốt nghiệp bắt đầu từ ngày 8/5 đến ngày 17/6. Ảnh: XUÂN DU. |
Ngoài ra, từ ngày 8/5 đến ngày 17/6, nhà trường tổ chức học ôn thi tốt nghiệp trong khoảng thời gian 39 ngày (78 buổi).
Việc tổ chức dạy ôn thi tốt nghiệp được tổ chức trong các buổi học chính khóa và học tăng ca vào buổi chiều (học ôn thi tốt nghiệp 2 ca/buổi).
“Không biết học hành thế nào mà hầu như ngày nào học sinh cũng về nhà xin tiền phụ huynh để nộp hết khoản tiền nọ đến khoản tiền kia.
Tính ra, số tiền mỗi học sinh phải nộp lên tới hơn 1,1 triệu đồng/học sinh trong đợt ôn thi tốt nghiệp này.
Tính chung cả tiền học thêm, mỗi năm phụ huynh phải nộp gần 4 triệu đồng, đó là chưa kể các khoản thu theo quy định và ngoài quy định khác.
Thậm chí có học sinh còn viết tâm thư để bày tỏ nỗi vất vả khi phải đóng tiền học cho nhà trường.
Nếu cứ tình trạng này chắc tôi phải cho con nghỉ học ở nhà vì không có tiền đóng học”, một phụ huynh (giấu tên) cho hay.
Thu sai phải trả lại cho phụ huynh
Trước những băn khoăn của phụ huynh, hôm 15/5, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trần Thị Huệ, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hậu Lộc 4 cho biết, tất cả các khoản thu nêu trên, nhà trường đều không có chủ trương, không tham gia và không đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh làm việc này.
“Đây là những khoản tiền phụ huynh tự bàn bạc, nhà trường không có chủ trương thu.
Về khoản tiền mua quà lưu niệm xuất phát từ việc phụ huynh mong muốn có một món quà để tặng nhà trường, lưu giữ lại kỷ niệm. Việc này phụ huynh tự bàn, tự thu.
Còn khoản tiền bồi dưỡng giáo viên coi thi tốt nghiệp cũng do phụ huynh tự nguyện đóng góp để mời giáo viên và hội đồng coi thi cốc nước trong những ngày nắng nóng.
Đây là tình cảm của phụ huynh đối với giáo viên coi thi”, bà Huệ cho biết.
Một trường ở Thanh Hóa bắt nộp tiền để bồi dưỡng giáo viên xét tốt nghiệp |
Khi được hỏi về những khoản thu này đúng quy định hay không bà Huệ lấp lửng: “Nói như vậy thì nó vô cùng lắm!
Thực tế đây là vấn đề tế nhị, xuất phát từ tấm lòng của phụ huynh. Nếu các anh cho nó thế nọ (đúng pháp luật) thì nó thế nọ, cho là thế kia (không đúng pháp luật) là nó thế kia”.
Nói về việc học thêm và ôn thi tốt nghiệp theo phản ánh, bà Trần Thị Huệ cho biết, tất cả được thực hiện theo đúng quy định, theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa.
Tuy nhiên, theo phản ánh của học sinh và những gì đang diễn ra thực tế tại trường học này không giống như vị hiệu trưởng đề cập.
Đề cập tới những khoản thu được gọi là "tự nguyện" nêu trên, ông Trần Văn Hậu, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh cho biết, đối với việc thu những khoản tiền này, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã tổ chức họp, báo cáo, thống nhất đề xuất với nhà trường để xin thu khoản tiền trên.
Tuy nhiên, tại Thông tư số: 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh nêu rõ:
4. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:
a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
Tiền mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Như vậy, những khoản thu dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh đã, đang thu tại trường Trung học phổ thông Hậu Lộc 4 là vi phạm
Giải đáp kỹ hơn về vấn đề này, ông Lê Sỹ Kiệm, Phó phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết:
“Nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh thu tiền để mua quà lưu niệm - mua máy photocoppy cho nhà trường là không được. Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 không cho phép thu kiểu này.
Việc thu 80 nghìn đồng/phụ huynh để bồi dưỡng giáo viên coi thi tốt nghiệp là hoàn toàn sai. Tiền này phải lấy kinh phí nhà nước, để thực hiện nhiệm vụ”, ông Kiệm cho biết.
Trước phản ánh của học sinh về việc quá tải học thêm, và việc trường tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh vào thời điểm học chính khóa, ông Kiệm giải thích cụ thể:
"Về việc dạy thêm, học thêm, đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông dạy thêm, học thêm không quá 1 buổi/môn/tuần và không quá 3 buổi/tuần.
Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm.
Bên cạnh đó, việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp chỉ được tổ chức sau khi kết thúc chương trình phổ thông (vào ngày 20/5).
Nếu tổ chức ôn thi tốt nghiệp trước và trong thời gian chương trình giảng dạy là không đúng với quy định của nhà nước...”, ông Kiệm cho biết.