Nhiều khoản thu không có trong quy định
Câu chuyện lạm thu tại các cơ sở giáo dục không còn là điều mới mẻ.
Đáng chú ý, có một số lãnh đạo nhà trường từng bị khởi tố, tạm giam vì hành vi vi phạm pháp luật nói trên.
Thế nhưng, ngay cả khi cơ quan thực thi pháp luật đã áp dụng những hình phạt có tính răn đe ở mức cao nhất thì tình trạng lạm thu vẫn có xu hướng tái diễn tại một số cơ sở giáo dục.
Hay nói cách khác, chuyện lạm thu vẫn chưa có hồi kết từ năm học này qua năm học khác. Hành vi trên gây bức xúc cho nhiều phụ huynh và dư luận xã hội.
Trường trung học cơ sở Ngư Lộc. Ảnh: XUÂN QUỲNH. |
Mới đây, trong thư gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một số phụ huynh trường trung học cơ sở Ngư Lộc (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) phản ánh việc, lãnh đạo cơ sở giáo dục này bất chấp quy định, đưa ra mức thu lệ phí tốt nghiệp quá cao, tạo gánh nặng về tài chính cho phụ huynh.
Tài liệu mà phóng viên có được cho thấy, những phản ánh trên là có cơ sở.
Theo đó, thời điểm cuối năm học 2017-2018 mỗi học sinh khối 9 tại trường phải nộp số tiền 60 nghìn đồng/học sinh của cái gọi là "tiền lệ phí xét tốt nghiệp".
Ngoài khoản tiền mua phôi bằng và hoàn thiện bằng tốt nghiệp, đáng chú ý trong tổng số kinh phí nói trên có nhiều khoản tiền được cho là bất hợp lý, như: in ấn bằng tốt nghiệp, kinh phí "bồi dưỡng" cho hội đồng xét tốt nghiệp, kinh phí vận chuyển bằng tốt nghiệp; phí in giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.
Như vậy, nếu nhẩm tính, với 293 học sinh lớp 9, thì tổng số tiền mà nhà trường sẽ thu được là 17,580 triệu đồng.
Cũng theo khảo sát của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, hiện tại, có rất nhiều phụ huynh đã nộp khoản tiền nói trên.
Một số phụ huynh bức xúc với mức thu do trường trung học cơ sở này đưa ra: “Theo tôi được biết, lệ phí xét/làm bằng tốt nghiệp chỉ có 15 nghìn đồng/cái, nhưng nhà trường tự “bịa” ra các khoản phụ trợ khác để thu thêm là trái quy định.
Chúng tôi bỏ tiền ra cho con em đi học thì chúng tôi phải được biết những khoản thu đó có trong quy định hay không?
Nếu những khoản thu lệ phí xét/làm bằng tốt nghiệp nêu trên có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng mức thu thì chúng tôi đóng.
Nếu thu đúng quy định thì 60 nghìn đồng chứ 600 nghìn đồng chúng tôi cũng phải có trách nhiệm đóng tiền.
Đằng này nhà trường áp đặt mức thu quá cao rồi bắt buộc phụ huynh nộp tiền là không đúng”, một phụ huynh có con học tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc tỏ thái độ không đồng tình với các khoản thu của nhà trường.
Thu sai phải trả lại ngay
Tại công văn số 62/PGDĐT-HL của phòng Giáo dục và Đào tạo Hậu Lộc ngày 20/4/2018 về việc xét tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2017-2018 nêu rõ, kinh phí xét/cấp bằng tốt nghiệp là 15.000 đồng/cái. Ngoài ra không có kinh phí nào khác ngoài khoản thu trên.
Như vậy, việc trường trung học cơ sở Ngư Lộc đưa ra mức thu gấp 4 lần so với quy định là trái quy định?
Liên quan tới sự việc nói trên, hôm 3/5, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thái Sơn, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Ngư Lộc cho thừa nhận có việc thu 60.000 nghìn đồng/học sinh, khoản tiền xét/làm bằng tốt nghiệp.
Tuy nhiên, khi được hỏi về tính pháp lý của mức thu trên?, ông Sơn từ chối trả lời, đồng thời thời đưa ra những lý do để biện minh cho những khoản thu được cho là bất hợp lý nêu trên.
"Để xét tốt nghiệp, chúng tôi phải điều cán bộ đến để làm hồ sơ cho các em, trả công cho giáo viên, mua phôi bằng và các loại phí khác. Khoản thu này đã được phụ huynh thống nhất", ông Sơn cho biết nhưng không cung cấp được biên bản họp phụ huynh với lý do: "Có họp nhưng không cho ghi biên bản".
Trong khi đó, ông Lê Sỹ Kiệm, Phó phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết: "Không có khoản gọi là lệ phí xét tốt nghiệp. Khoản này không có trong quy định. Chỉ có một khoản gọi là mua và hoàn thiện bằng tốt nghiệp với giá 15.000 đồng/cái.
Các khoản in ấn bằng tốt nghiệp, kinh phí cho hội đồng xét tốt nghiệp, kinh phí in giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cũng không có trong quy định (không đúng quy định - PV).
Còn việc xét tốt nghiệp thì lấy kinh phí nhà nước, trong đó có tiền hoạt động nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ. Anh ăn lương nhà nước thì phải thực hiện nhiệm vụ đó", ông Kiệm cho biết.
Ở Thanh Hóa, sao cứ hay đè cổ dân ra mà thu tiền kỳ lạ thế nhỉ? |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sỹ - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc cho biết, sẽ thành lập đoàn kiểm tra, rà soát mức thu tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc theo phản ánh của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
"Chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra một số cơ sở giáo dục trên địa bàn về khoản thu trên theo phản ánh của phóng viên. Quan điểm là, nếu thu sai phải tổ chức trả lại tiền cho phụ huynh.
Nếu sau khi đoàn công tác kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng thu sai, nhưng trường vẫn cố tình thu những khoản trái quy định thì chúng tôi sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân huyện để xử lý kỷ luật", ông Sỹ cho biết.