Dự thảo quyết định kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền đang trong giai đoạn Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến đóng góp.
Nhiều chuyên gia đánh giá rất cao về ý nghĩa của dự thảo lần này nếu được thông qua và áp dụng vào thực tiễn.
Là người từng có những phát biểu nóng trên nghị trường Quốc hội khóa 11, khóa 12 về những bất cập liên quan đến lạm quyền, chạy chức, chạy quyền nên khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về dự thảo này, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tỏ ra rất tâm đắc.
ông Lê Văn Cuông (ảnh nguồn báo Vietnamnet). |
Chia sẻ với phóng viên, ông Cuông nói: “Tôi rất phấn khởi khi biết Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng dự thảo quyết định kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền.
Khi là đại biểu Quốc hội, tôi đã 3 lần chất vấn hai đời Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề chạy chức chạy quyền, rất nóng bỏng trên nghị trường.
Từ đó đến nay gần 15 năm rồi, vấn đề lạm quyền, chạy chức, chạy quyền càng phức tạp”.
Phân tích về sự cần thiết phải có một quy định cụ thể, chi tiết về lĩnh vực này ông Cuông cho rằng, từ trước đến nay ta hay đề cập vai trò của người đứng đầu rất quan trọng trong công tác cán bộ.
Vẽ cái vòng quyền lực cho lãnh đạo vào đó để quản lý, ai vượt ra thì xử lý |
Sở dĩ vừa qua một bộ phận cán bộ lãnh đạo vi phạm, lộng quyền làm trái quy định gây bức xúc trong dư luận cũng do vấn đề quản lý quyền lực chưa tốt.
“Trong khi chúng ta đề cao vai trò của người đứng đầu nhưng các quy định xử lý họ khi để xảy ra sự việc thì còn chung chung. Thực ra là chưa có thiết chế quản lý quyền lực” – ông Cuông đánh giá.
Để kiểm soát quyền lực, ông Cuông quan điểm rằng, quyền lực của lãnh đạo là của nhân dân ủy quyền cho chứ không phải quyền của người đứng đầu nghiễm nhiên mà có. Quyền lực được trao đến đâu thì chỉ được sử dụng đến đó.
Trên thực tế, các vi phạm, thất thoát, tiêu cực, tham nhũng của một số lãnh đạo là do lạm quyền cho nên vấn đề đặt ra phải có cơ chế kiểm soát quyền lực tốt nhất. Ví như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đề cập, phải nhốt quyền lực trong cái lồng pháp chế.
Theo ông Lê Văn Cuông, nếu như văn bản này được ban hành và thực hiện thì sẽ giải quyết một cách tương đối căn cơ vấn đề lạm quyền, chạy chức, chạy quyền.
Văn bản này ban hành sẽ có tác dụng ngăn chặn, răn đe các trường hợp lạm quyền, chạy chức, chạy quyền. Khi vi phạm sẽ được phát hiện được kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Cũng theo ông Cuông: “Vấn đề chạy chức, chạy quyền, lạm quyền hết sức phức tạp, tinh vi nên khi ban hành chưa phải đã tạo ra sự chuyển biến tức thì được.
Nhưng có quy định này sẽ có tác dụng để người thực hiện căn cứ vào đây thực hiện nghiêm túc. Nhân dân căn cứ vào đây để giám sát.
Người nào lạm quyền, chạy chức, chạy quyền sẽ dễ nhận diện cho đúng và có căn cứ để xử lý.
Tôi cho rằng dự thảo là rất kịp thời cùng một loạt những biện pháp như vừa qua có Nghị quyết trung ương về nêu gương. Tất cả những quy định đó sẽ góp phần kiểm soát được các tồn tại tiêu cực trong lãnh đạo và công tác cán bộ lâu nay”.
Lợi dụng tập thể để hợp thức hóa ý kiến cá nhân là rất nguy hiểm! |
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng, việc kiểm soát quyền lực là mấu chốt trong công tác cán bộ. Nhưng mà làm sao kiểm soát được quyền lực thì đó là chuyện vô cùng khó.
Muốn kiểm soát quyền lực theo bà Bùi Thị An thì cần minh bạch mọi chuyện. Quy định chức năng nhiệm vụ của lãnh đạo được làm cái gì thì phải rõ ràng.
Lãnh đạo thì được quyết cái gì trừ những cái bí mật quốc phòng còn lại phải minh bạch hết. Chỉ có minh bạch thì nhân dân mới giám sát được tất cả mọi khâu.
Chức năng đến đâu, nhiệm vụ đến đâu, được làm cái gì, một năm người phụ trách đã ký bao nhiêu văn bản, bao nhiều quyết định cần thiết phải minh bạch để quy trách nhiệm đến cùng.
“Chỉ khi nào truy trách nhiệm đến cùng thì họ mới sợ. Phải nhốt quyền lực vào cái lồng và kiểm soát. Chỉ có một cách là cần cụ thể đưa ra các tiêu chí nhiệm vụ rõ ràng và phải minh bạch tất cả mọi khâu” – bà An nhấn mạnh.