LTS: Tại hai kỳ họp Quốc hội vừa qua, trong các phiên thảo luận hay chất vấn và trả lời chất vấn về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như thành viên Chính phủ đã đề cập đến triết lý giáo dục và đặt ra câu hỏi:
Triết lý giáo dục là gì? Ở Việt Nam có triết lý giáo dục không? Có phải vì không có triết lý giáo dục mà chúng ta lúng túng trong cải cách giáo dục không?
Trước băn khoăn này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Tổ chức Giáo Dục Emile Việt) và cũng là người nghiên cứu nhiều về giáo dục các nước hiện đại như Pháp, Phần Lan.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này.
Phóng viên: Không ít người nhầm lẫn giữa mục tiêu giáo dục với triết lý giáo dục, từ đó đưa ra nội dung được cho là triết lý giáo dục Việt Nam cũng rất khác nhau. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung: Vâng, một trong những nguyên nhân của những hiểu nhầm và tranh cãi triền miên liên quan đến câu chuyện triết lý giáo dục là chúng ta không tìm hiểu khái niệm trước, không nhất trí với nhau về những nét cơ bản trong định nghĩa khái niệm và không khởi đi từ những nền tảng chung đó.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung, một nền giáo dục chất lượng là nhằm đạt đến mục tiêu đào tạo những người trẻ nhân bản, khai phóng, tự chủ và trách nhiệm. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Một từ ngữ thường có nhiều nghĩa tùy theo lĩnh vực, các nghĩa lại biến đổi theo thời gian và không gian vùng miền.
Vậy nên, một trong những khâu đầu tiên trong tranh luận là hãy cùng nhau xác định nội hàm của khái niệm chính của chủ đề, và chắc chắn rằng các bên cùng có chung một cách hiểu, một cách nhìn nhận trước khi biện luận và phát triển chủ đề đó.
Vậy nên, theo tôi câu hỏi trước hết cần đặt ra là khái niệm “triết lý giáo dục”, cụm từ này muốn nói điều gì?
Thưa ông, như vậy triết lý giáo dục là gì và nó có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của một nền giáo dục?
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung: Nói đến “triết lý giáo dục” là nói đến triết và giáo dục.
Triết là môn nghệ thuật về tư duy, về lý luận (art de raisonner) về cách truy vấn các vấn đề. Nhà triết học phân tích, xếp loại, truy vấn, đặt vấn đề với mọi thứ dựa trên cơ sở lý tính, sự chặt chẽ của phép logic.
Triết học là mẹ của các khoa học vì khoa học nào cũng cần sự chặt chẽ, biện chứng, lý tính và tinh thần truy vấn. Giáo dục cũng là khoa học, ngành có đối tượng là con người nên lại càng cần sự soi sáng của triết học.
Kant nói một câu rất nổi tiếng là “chúng ta không học triết học, mà học về cách triết lý”.
“Triết lý” ở đây là một động từ (philosopher). Trong câu chuyện đang trao đổi ở đây, chúng ta cũng không bàn về triết học trong giáo dục, mà nói về cách thức và trình độ triết lý trong giáo dục.
Từ cách nhìn này, chúng ta có thể hiểu triết lý giáo dục không phải là một học thuyết triết học, không phải là một tầm nhìn, một câu châm ngôn, hay những mô tả mục tiêu trong giáo dục, mà là nghệ thuật lý luận, là mức độ triết lý, trình độ đặt vấn đề với những thứ này và các thứ khác trong giáo dục.
Theo Olivier Reboul, triết gia được nhắc đến trong chủ đề này hiện nay tại Pháp, thì “triết lý giáo dục” là cách “truy vấn tất cả những gì chúng ta biết và chúng ta tin là biết trong giáo dục”.
Ông nhấn mạnh đến ba chiều kích là: Tính toàn bộ, nghĩa là không có khía cạnh nào trong giáo dục thoát ra khỏi sự truy vấn của triết học;
Tính triệt để, sự truy vấn phải đi tới cùng, tới nguồn cội, không thể có chuyện bàn đến cách giảng dạy thế nào mà không đặt câu hỏi trên các mục tiêu của việc giảng dạy đó là gì;
Tính thực tế cuộc sống, sự truy vấn không chỉ dừng lại ở những tri thức, nội dung được giảng dạy, mà còn trên sản phẩm được đào tạo, liệu học sinh sau khi ra trường sẽ thế nào trong sự tương quan với xã hội và thế giới công việc?
Như vậy, sự truy vấn là cần thiết trên tất cả mọi khâu của giáo dục, đặc biệt đối với mục tiêu giáo dục quốc gia, vì nó đóng vai như ngọn hải đăng dẫn đường cho toàn bộ hệ thống.
Nếu nó không được hình thành trên những suy tư mang hàm lượng lý tính cao, không hợp thời và hợp lòng người thì sẽ tạo sự khủng hoảng cho giáo dục quốc gia.
Việt Nam đã có triết lý giáo dục chưa, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung: Chúng ta có rồi và chưa có!
Có rồi, vì phàm đã làm điều gì thì người ta cũng ít nhiều dựa trên một lý lẽ nào đó hoặc nói ra hoặc không nói ra.
Trước đổi mới thì đào tạo con người theo chuẩn mực “hồng và chuyên”, đó cũng là một hình thức triết lý giáo dục, dựa trên nền tảng của mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống.
Sau đổi mới, mọi thứ thay đổi khá nhanh, nhưng hình như giáo dục vẫn truyền thống này níu giữ chưa thoát hẳn ra được.
Đổi mới đã hơn 30 năm mà giờ này chúng ta đang tranh cãi về triết lý về mục tiêu giáo dục quốc gia thì kể cũng lạ. Một sự lạ làm chậm cả một đất nước!
Nhưng chưa có! Vì chúng ta không có các triết gia như Kant ở Đức hay Rousseau ở Pháp, những triết gia khai sáng, lỗi lạc trực tiếp bàn đến giáo dục.
Cách đây hơn 250 năm, JJ Rosseau đã viết tác phẩm “Emile hay là giáo dục”.
Thông qua nhân vật Emile và Sophie mà ông hình dung, ông đã diễn tả triết lý của mình trên mục tiêu giáo dục, trên phương pháp giáo dục, môi trường giáo dục, trên bản chất của con trẻ, của người thầy, cũng như những kiến thức, những giá trị mà giáo dục phải truyền tải cho con trẻ.
Tư tưởng của ông có sức khai phóng và vượt thời gian, mà tôi thấy các trụ cột giáo dục của UNESCO đưa ra hiện nay, cũng như mục tiêu của các nền giáo dục phát triển bấy giờ cũng dựa trên nền tảng đó.
Chưa có, vì khi đọc mục tiêu giáo dục của các quốc gia của Pháp hay Phần Lan, tôi thấy họ định nghĩa một cách chí lý, phù hợp thời thế và có tính thuyết phục.
Tức là họ có triết lý giáo dục ở tầm mức cao. Tư tưởng ở tầm vĩ mô rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục được mọi người, thì phương thức tổ chức, giảng dạy từ trên xuống dưới cũng sẽ dễ dàng và mạch lạc.
Còn khi đọc mục tiêu giáo dục của ta thể hiện trong các văn bản, tôi thấy có nhiều mâu thuẫn, khó thuyết phục…
Nghĩa là “triết lý giáo dục” của ta yếu lý lẽ và không hợp thời, không thu hút được lòng người. Một ngọn hải đăng thiếu ánh sáng hay không có ánh sáng thì làm sao có thể làm căn cứ cho tất cả hướng tới?
Là người nghiên cứu rất cụ thể về mục tiêu của nền giáo dục nước Pháp và mẫu học sinh lý tưởng mà hệ thống giáo dục Phần Lan theo đuổi, theo ông, triết lý giáo dục mà Việt Nam nên hướng tới nên là gì?
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung: Phải có một ngọn hải đăng sáng, thu hút tâm và trí của mọi người, thuyết phục được từng tác nhân trong hệ thống giáo dục và trong xã hội. Một ngọn hải đăng phải hợp thời đại, hợp với bản chất tự nhiên của con người, hợp với một xã hội với nhiều sự khác biệt.
Theo tôi, muốn có một nền giáo dục tốt, chúng ta hãy bắt đầu từ trẻ em và đặt chúng làm trung tâm.
Các suy tư về triết học, tâm lý học, thần kinh học và giáo dục học từ Rousseau, Montessori, Jean Piaget… đến Howard Gardner bây giờ đều cho thấy: mỗi trẻ là một chủ thể duy biệt và chủ động xét về nhiều mặt: mỗi trẻ sở hữu một “bó hoa thông minh” riêng, có những đặc điểm tâm thể lý riêng, có một cách học riêng, có một hoàn cảnh gia đình và xã hội riêng.
Đã có nhóm nghiên cứu triết lý giáo dục đề tài cấp quốc gia để được đồng thuận |
Khi xem sự nhìn nhận trên là một nguyên tắc căn bản trong giáo dục, thì cần phương cách khác biệt hóa và cá nhân hóa trong giảng dạy.
Các hình thức giáo dục đồng loạt, áp đặt một chiều hoàn toàn đi ngược lại với bản chất tự nhiên của con trẻ và bản chất của xã hội.
Cần tôn trọng sự khác biệt nơi từng học sinh và dạy học sinh biết tôn trọng sự khác biệt, điều này nên là nguyên tắc tổ chức giảng dạy, nguyên tắc hoạch định các chính sách liên quan đến giáo dục, như người Phần Lan đang làm và họ đã thành công.
Một nền giáo dục mà từng đứa trẻ được chăm chút, được hướng dẫn để tự phát triển tốt nhất theo cách của mình và được tôn trọng, thì đó là một nền giáo dục chất lượng. Khi nền giáo dục làm cho mỗi cá nhân thăng tiến, thì cũng làm cho quốc gia phát triển.
Tất cả những điều trên được thiết kế để nhằm đạt đến mục tiêu giáo dục là: đào tạo những người trẻ nhân bản, khai phóng, tự chủ và trách nhiệm.
Muốn đất nước phát triển, độc lập và tự do, hội nhập tốt với thế giới, thì cũng phải đào tạo những con người tương ứng.
Lẽ dĩ nhiên, cần phải phát triển các khái niệm trong câu mà tôi thử đưa ra, và một lần nữa lại cần đến triết lý trong công việc này.
Trân trọng cảm ơn ông!