Hội thảo “Sơ kết 5 năm thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013; Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm -25 năm giáo dục vì sự nghiệp phát triển con người” diễn ra 17/11 tại Hà Nội.
Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập của Trường Trường Trung học Cơ sở & Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy, Hà Nội (1993-2018).
Trong bối cảnh kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng Giáo dục Việt Nam đang thiếu một triết lý dẫn đường thì quan điểm giáo dục vì sự phát triển con người mà đội ngũ nhà giáo và học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội theo đuổi thực sự là một gương sáng cần học tập.
Thầy Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (ảnh Trinh Phúc). |
Để thấu hiểu hơn về triết lý giáo dục vì sự phát triển con người, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thầy Hòa quan niệm, triết lý giáo dục phổ thông mà trường của thầy thực hiện trong 25 năm qua là dạy học sinh nên người.
Giải thích thêm, thầy Hòa cho rằng, dạy học sinh nên người tức là chăm lo cho từng học sinh, giúp cho mỗi trò đều tiến bộ. Nhà trường không chỉ dạy kiến thức lý thuyết mà dạy phải liên hệ với thực tế, với đời sống.
Qua trao đổi với thầy Hòa có thể thấy, giáo dục là phải hiểu được từng học trò, từng con người cụ thể để giúp cho mỗi trò đều tiến bộ và đều thành công.
Kể về hành trình đến với nghề giáo và kiên định với triết lý giáo dục vì sự nghiệp phát triển con người, thầy Hòa chia sẻ, năm nay thầy 73 tuổi.
Trong đó, thầy Hòa có 15 năm chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Từ một học sinh giỏi toàn miền Bắc và 5 lần được gặp Bác Hồ.
Từ thời phổ thông, thầy Hòa đã rất nổi tiếng nhưng cuộc chiến tranh đã biến cậu học trò 5 lần được gặp Bác Hồ thành chiến sĩ vô danh.
Giải ngũ trở về, người cựu binh này có nguyện vọng được trở thành thầy giáo nhưng vẫn không được dạy học. Phải đến năm 47 tuổi thì cậu học sinh giỏi toán miền Bắc một thời mới được đi dạy học.
“Tôi được đi dạy học thì quyết định chuyển luôn sang thành lập trường tư thục” – Thầy Hòa nói.
Lý do để thầy Hòa mở một trường tư thục có lẽ rất nhiều nhưng trong đó có lý do xuất phát từ thực trạng giáo dục nặng nề về kiến thức hàn lâm và thành tích.
Theo thầy Hòa, xã hội chúng ta đang tạo nên áp lực học tập rất lớn, sức ép học tập kiến thức lý thuyết, rồi các kỳ thi được tổ chức tầng tầng, lớp lớp, đưa học sinh đến thành tích.
Nhưng thầy Hòa luôn trăn trở rằng, với lý thuyết suông thì cuộc đời con người sau này không làm gì được.
Nếu chỉ lý thuyết mà không có kỹ năng sống, không có giá trị sống, không có quan điểm sống, không biết sống vì cái gì, sống cho ai và sống như thế nào thì sau này không thể thành công.
Chính vì quan điểm như vậy, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm của thầy Hòa luôn kiên trì quan điểm học trò học trong nhà trường phải được quan tâm dạy nên người.
Bởi theo thầy giáo này thì kiến thức trong thời đại này học sinh có thể học mọi nơi, chứ không chỉ trong nhà trường.
Còn nếu dạy học chạy theo thành tích thì chỉ quan tâm đến học sinh giỏi, học sinh có điều kiện, nhưng những học sinh có điều kiện thường chiếm một tỉ lệ vừa phải, thậm chí rất nhỏ trong toàn thể học sinh.
Thầy Hòa cũng cho rằng: “Các con sinh ra mỗi con có sự khác biệt, mỗi con có những năng lực khác nhau.
Học giỏi học toán, học văn chỉ là một trong những hàng nghìn năng lực khác nhau của con người.
Nếu giáo dục chỉ quan tâm đến một vài khả năng ấy thôi thì làm thui chột hàng trăm, hàng nghìn khả năng khác.
Nhưng một trăm, một nghìn khả năng ấy mới là cái cần cho cuộc sống”.
Quan niệm giáo dục vì con người theo thầy Hòa là tìm, phát hiện, khám phá và để học sinh tự khám phá bản thân mình.
Các thầy cô giáo khám phá bản thân học sinh để khám phá năng lực riêng biệt, nuôi dưỡng năng lực riêng biệt ấy chứ không phải học toán học văn.
Việc nuôi dưỡng năng lực riêng biệt sau này cộng với kiến thức được học thì học sinh ra đời sẽ phát huy được năng lực của bản thân để phù hợp với hàng trăm, hàng nghìn ngành nghề khác nhau.
Thầy Hòa quan niệm, con người là trí thông minh đa dạng, chứ không phải chỉ có học. Học chỉ là một khả năng thôi, con người còn có rất nhiều khả năng tuyệt vời khác.
Thậm chí, nhiều học trò không giỏi toán, không giỏi văn nhưng sau này thành công. “Tôi thấm thía cuộc đời như vậy nên không coi trọng việc dạy chỉ là dạy văn hóa.
Triết lý của tôi là giáo dục quan tâm dạy học sinh làm người, phải khám phá, phát hiện tài năng bẩm sinh, tài năng nổi trội, tài năng riêng biệt của từng trò, truyền cảm hứng cho học trò để phát huy khả năng đó, để sau này các em vào đời” – thầy Hòa nhấn mạnh.
Có triết lý giáo dục tiến bộ nhưng để thành công với triết lý giáo dục trường Nguyễn Bỉnh Khiêm phải trải qua nhiều khó khăn.
Thầy Hòa chia sẻ, khó khăn đó chính là xã hội chạy theo thành tích, chạy theo điểm số, nói chuyện dạy người mơ hồ lắm, phụ huynh chưa chắc đã thích. Rồi nhiều phụ huynh không thích vào trường có đầu vào thấp, kém.
Đại biểu tiếp tục hỏi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về triết lý giáo dục Việt Nam |
Nhưng mà hai mươi năm nay trường Nguyễn Bỉnh Khiêm kiên trì theo triết lý giáo dục này đã đào tạo những học sinh đầu vào thấp, học sinh bị xã hội coi là kém cỏi (mà thực ra các em không đạt kết quả cao trong các kỳ thi) nhà trường đã phát hiện khả năng các em, bồi dưỡng khả năng riêng biệt đó, bồi dưỡng khả năng nổi trội của từng học trò rồi truyền cho các em cảm hứng để trở thành con người có ích.
Nhà trường khuyến khích các em học sinh tự tin hơn, để các em đến trường cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc sẽ giúp các em tự lực cao hơn và càng thành công cao hơn.
Với thầy Hòa, học sinh đã vào trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, có thể xã hội coi đầu vào thấp nhưng thầy Hòa chưa bao giờ coi đầu vào thấp.
Trong góc nhìn của thầy Hòa, không học sinh nào là kém cỏi, chỉ có vấn đề là mình chưa tìm hiểu, chưa phát hiện, chưa giúp các em học sinh làm bật được khả năng của các em và cuối cùng những học sinh của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm dù có điểm đầu vào chưa cao nhưng sau lại là người thành công.
Bằng ánh mắt đầy hạnh phúc, thầy Hòa kể một cách tự hào: “Bây giờ, xã hội đã ngấm điều đó, thấm nhuần quan điểm dạy người của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Học sinh đã vào trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là thay đổi, học sinh vào Nguyễn Bỉnh Khiêm là hạnh phúc, là tiến bộ.
Học sinh ra khỏi trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là thành đạt, một sự thành đạt rất bền vững”.
Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang tìm một triết lý giáo dục tiến bộ, các đại biểu Quốc hội hiện rất quan tâm tới vấn đề này, mặc dù không phải là nhà nghiên cứu sâu về lý thuyết nhưng quan điểm của thầy Hòa:
“Con người sinh ra là một thực thể duy nhất trên thế giới không ai giống ai.
Thầy Phạm Toàn mời cộng tác, để giúp học sinh hết lớp 12 biết cách tự học |
Mỗi người có một khả năng riêng biệt vô cùng đa dạng.
Nhiệm vụ của giáo dục là tìm hiểu, khám phá, phát hiện ra khả năng nỗi trội, riêng biệt của học sinh để phát huy năng lực ấy lên trở thành người có ích cho xã hội.
Nhiệm vụ của giáo dục là truyền cảm hứng để cho học sinh tự khám phá bản thân,tự nỗi lực, tự khám phá cuộc sống, đạp bằng mọi khó khăn để thành người có ích, có khát vọng thành công trong cuộc sống.
Khát vọng càng cháy bỏng thành công càng lớn hơn. Giáo dục là định hướng đào tạo con người chứ không chỉ kiến thức.
Trong thời đại ngày nay kiến thức đơn giản quá, trên internet đủ mọi thứ và có thể học tất cả mọi nơi.
Nên từ bỏ quan điểm dạy học nhồi nhét kiến thức, biến học sinh thành thư viện, biến học sinh thành từ điển bách khoa. Từ điển bách khoa chỉ dở ra và đọc được nhưng không áp dụng được thì vô bổ”.
Cuối cùng, thầy Hòa khẳng định: “Con người chúng ta đào tạo phải là con người có khả năng thực hành, vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Triết lý của chúng tôi là giáo dục hướng về con người. Giáo dục không hướng vào kiến thức, giáo dục không hướng vào thành tích.
Thành tích, kiến thức đang là phổ biến và nguy hiểm. Giáo dục phải đi vào con người. Hôm nay chúng tôi kỷ niệm 25 năm là 25 năm Nguyễn Bỉnh Khiêm giáo dục vì sự nghiệp phát triển con người chính là triết lý của chúng tôi”.