Từ 12/4 - 20/5/2017 là thời gian Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lấy ý kiến toàn thể nhân dân về dự thảo chương trình.
Ngay sau khi đăng tải dự thảo, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến góp ý thầy cô về chương trình mới, đặc biệt, có nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục cho rằng nên lùi thời gian 1 năm triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đến ngày 28/7 vừa qua, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chính thức được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua.
Theo thời gian mà Nghị quyết 88 của Quốc hội yêu cầu, từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Sách giáo khoa mới có đưa vào giảng dạy từ năm học 2018-2019? (Ảnh minh họa: Xuân Trung) |
Như vậy, theo đúng tiến độ, chương trình mới sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học 2018-2019, có nghĩa chỉ còn 1 năm nữa, tuy nhiên tính đến thời điểm này, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra lo lắng về điều kiện, thời gian thực hiện chương trình này.
Ngày 2/8, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông khẳng định, tính đến thời điểm hiện tại, Ban soạn thảo chương trình vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ soạn thảo chương trình đúng tiến độ để kịp triển khai chương trình, sách giáo khoa từ đầu năm học 2018-2019 như quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Đã chậm tiến độ gần 2 năm, có nên gấp gáp triển khai chương trình mới? |
Tuy nhiên, sau khi kết thúc đợt lấy ý kiến nhân dân về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khuyến nghị Bộ nên xin lùi thời hạn 1 năm để có thời gian chuẩn bị tốt hơn.
Ông Thuyết cũng nhắc lại, sáng 30/5, Bộ trưởng có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Trên cơ sở phân tích ý kiến của chuyên gia và các tầng lớp nhân dân, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ cân nhắc, nếu cần thì báo cáo Chính phủ xin lùi thời hạn triển khai 1 năm.
Được biết, trong buổi làm việc đó, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý: "Tinh thần là phải bảo đảm chất lượng là trên hết. Chúng ta làm khẩn trương nhưng phải chắc chắn”.
“Theo ý kiến cá nhân tôi, việc lùi thời hạn cũng tạo điều kiện để các tổ chức cá nhân khác có đủ thời gian biên soạn sách giáo khoa, tạo ra cuộc “cạnh tranh” lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng sách giáo khoa”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Thuyết cho hay, nếu Ban chỉ đạo chương trình tiếp thu ý kiến của Ủy ban và Phó Thủ tướng thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ có tờ trình với Quốc hội vào kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới để Quốc hội xem xét, quyết định.