Chỉ còn một ngày nữa là nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Duy Tân, cụ ông Lê Phước Thiệt (85 tuổi) được xem là học viên cao học “đặc biệt nhất” của khóa.
70 tuổi học Đại học, 85 tuổi nhận bằng Thạc sĩ
Còn nhờ cách đây hai năm, khi hay tin một cụ ông 83 tuổi là Việt kiều Mỹ đến nộp hồ sơ đăng ký đi học Thạc sĩ, nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên, xen lẫn tò mò.
Cụ ông Lê Phước Thiệt chuẩn bị nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Duy Tân ở tuổi 85. |
Ở cái tuổi ấy, đáng lẽ cụ phải nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu. Vậy mà cụ còn học lên để làm gì?
“Tôi chọn con đường học tiếp không phải vì sính bằng cấp hay học để leo cao, chức tước này nọ.
Tôi đi học chỉ để thỏa mãn niềm đam mê, để tiếp thu những thay đổi của thời đại. Trong thế giới vận động và phát triển từng giờ, từng ngày, nếu không học thì sẽ tụt hậu ngay”.
Không có tiền đến lớp, cô học trò nghèo nghỉ học đi…ở đợ |
Và cũng như chia sẻ của cụ trong ngày đầu nhập học, đó là để sau này có đứa cháu nào không chăm lo học hành, bố mẹ chúng có thể lấy tấm gương “ông nội đến tuổi đó vẫn chuyên tâm học hành” răn dạy con cháu.
Cũng bởi mang suy nghĩ này mà suốt mấy chục năm qua, chưa bao giờ cụ Thiệt để cho bộ não của mình “nghỉ hè” dài ngày.
Lật giở lại những trang “sử ký” của cuộc đời mình, cụ Thiệt chia sẻ rằng, vốn sinh ra ở vùng quê nghèo hiếu học ở Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam).
13 tuổi, cậu bé Thiệt đã từ biệt cha mẹ, khăn gói ra Đà Nẵng để học lên Trung học đệ nhất cấp (tương đương bậc trung học cơ sở ngày nay).
Con đường học vấn của cụ bị dở dang bởi khói lửa chiến tranh, rồi những năm tháng loạn li gia đình.
Những tháng ngày bươn chải mưu sinh trên đất Mỹ khiến niềm đam mê học tập của cụ bị chững lại.
Để rồi, khi bước vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, cụ mới có thời gian để nộp hồ sơ đi học tại trường Đại học California state University, East Bay (chuyên nghành kinh tế tài chính).
“70 tuổi, tôi nhận bằng Đại học. Nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ dừng lại ở đó. Tôi còn muốn học nữa”, cụ tâm sự.
Năm 2013, cụ Thiệt hồi hương với ước muốn được sống quãng đời còn lại trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, chất chứa một trời kỷ niệm.
Họ hàng, người thân tìm đến trò chuyện, đánh cờ… nhưng cụ lại không hứng thú với đam mê ấy.
Cuối năm 2016, cụ Thiệt tiếp tục học lên Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh (Đại học Duy Tân), bỏ lại những lời can ngăn, khuyên cụ ở nhà an dưỡng của 7 người con, 15 đứa cháu và 4 chắt.
2 năm học chưa bao giờ đi muộn
“Tuổi già, dễ mắc bệnh mất trí nhớ nên học tập cũng là một cách rèn luyện giúp tôi làm chậm quá trình đó”, cụ Thiệt chia sẻ.
Cứ khoảng 14h hàng ngày, cụ lại mang ba lô đi bộ ra trung tâm thị trấn đón xe bus về Đà Nẵng.
Mọi người cứ nghĩ chắc cụ đi thăm con cháu vài hôm. Sau này thấy cụ đi thường xuyên mới biết là cụ đi học.
Tinh thần học tập của cụ Thiệt là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Ảnh: TT |
Việc di chuyển gần 80km (cả đi và về) mỗi ngày, bất kể nắng mưa cũng không làm khó được ông cụ ham học.
Dù trời nắng hay mưa, dù có những lúc căn bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính tái phát khiến cụ đau ốm, mệt mỏi nhưng cụ vẫn đến lớp đều đặn, không nghỉ bất kỳ 1 tiết học nào.
Cụ cũng là gương mặt thân quen đối với tất cả nhân viên của thư viện Đại học Duy Tân khi ngày nào cũng tới đọc sách, tìm kiếm tài liệu và đến 18h vào lớp học như bao học viên khác.
Giáo sư Ngô Bảo Châu khuyên học trò cách học giỏi Toán |
Như tất cả các học viên khác, cụ Thiệt cũng tra cứu tài liệu và làm bài tập trên laptop, trao đổi với giảng viên và bạn học qua email, làm bài tập nhóm, thuyết trình...
Thậm chí, cụ còn có lợi thế hơn so với các học viên khác khi thông thạo tiếng Anh.
Nhờ tinh thần ham học hỏi, sự cần cù và nỗ lực của bản thân, cụ Lê Phước Thiệt đã hoàn thành luận văn và bảo vệ tốt nghiệp thành công, ra trường theo đúng tiến độ đào tạo.
“Trước khi làm tài tốt nghiệp, tôi có bị ngã dập phần mềm tay phải. Bác sĩ nói tôi phải phẫu thuật thì mới mong khỏe lại, cộng với căn bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính tái phát khiến sức khỏe của tôi giảm sút.
Tôi đã suy nghĩ đến chuyện dừng việc học lại nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của các giáo viên trong trường, tôi đã hoàn thành luận văn”, cụ tâm sự.