Giáo sư Ngô Bảo Châu khuyên học trò cách học giỏi Toán

26/08/2015 06:56
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 24/8, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), GS Cédric Villani (Pháp) và GS Ngô Bảo Châu đã cùng nhau “chuyển lửa" tình yêu Toán học tới các bạn Việt Nam.

Giáo sư Dương Nguyên Vũ, Giám đốc Viện John Von Neumann, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, một nhân vật nổi tiếng và được nhiều người biết đến trong giới Toán học, nghiên cứu và giảng dạy là người dẫn chương trình tọa đàm này.

Giáo sư Cédric Villani và Giáo sư Ngô Bảo Châu  là hai giáo sư có rất nhiều điểm chung: cùng nhận giải thưởng Fields toán học (tương đương với giải thưởng Nobel) vào năm 2010, cùng học một trường và học cùng khóa, cả hai đều đóng vai trò tích cực trong lĩnh vực giáo dục. 

Giáo sư Ngô Bảo Châu khuyên học trò cách học giỏi Toán ảnh 1
Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Cédric Villani tại buổi “chuyển lửa” tình yêu Toán học (Ảnh: Thùy Linh)

Sự hiện diện của hai "ngôi sao" trong làng Toán học quốc tế khiến buổi “chuyển lửa” thu hút đông đảo của các bạn trẻ, những người lớn tuổi, cùng rất nhiều những người làm toán nổi tiếng của Việt Nam tới tham dự.  

Tại buổi tọa đàm, hai nhân vật đặc biệt đã chia sẻ với các bạn trẻ kinh nghiệm thành công từ những đam mê học tập và nghiên cứu của bản thân qua những câu hỏi của khán giả. 

Bạn Ngọc Trâm, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thắc mắc:

Khi còn ở Tiểu học em là học sinh giỏi toán. Nhưng 4 năm học THCS, rồi tới 3 năm THPT, em trở nên không biết gì về Toán. 2 lần thi thử Tốt nghiệp em đều bị điểm 0 môn Toán.

Để em vượt được qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, bố mẹ đã phải mời 3 gia sư về dạy, trong đó 2 gia sư phụ đạo môn Đại số, 1 gia sư kèm môn Hình học. Em thi vào Đại học với 3 môn Văn – Sử - Địa.

Em tự đặt ra câu hỏi vì sao từ một học sinh giỏi Toán em lại trở nên kém cỏi như vậy và câu trả lời của em là với môn Văn, nếu bỏ qua một thời gian em vẫn học được. Còn môn Toán thì không thể. Các Giáo sư cho biết phải cứu vãn điều này như thế nào?
"

Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng chuyển từ cấp 1 lên cấp 2 là quá trình khó khăn. Bởi vì môn Toán thay đổi, không chỉ là các con số đơn thuần mà chuyển sang dạng thức mới.

Ở Tiểu học, môn toán là các con số 1, 2, 3, 4 thực tiễn hàng ngày. Trong khi đó ở cấp 2 bắt đầu các khái niệm trừu tượng nào là góc, nào là tam giác… Và như vậy, các em bước vào những vấn đề trừu tượng hơn. Bản thân tôi cũng đã mất rất nhiều thời gian để hiểu như thế nào là góc và làm các bài toán.

Đây chính là lúc các bạn mất đi quan hệ thân thiết với Toán
”. 

Chia sẻ thêm về cá nhân, khi học cấp 2, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã trượt lớp chuyên Toán khiến ông không muốn gặp lại giáo viên của mình. Đối diện với thách thức đó đã khiến ông yêu thích môn Toán hơn. Và đến năm lớp 11, Giáo sư nhận ra rằng, ông trưởng thành từ lòng tự ái bị thách thức. 

Dù không đưa ra giải pháp cho tình trạng học sa sút của Trâm nhưng Giáo sư cho rằng, với Toán học, nếu luyện nhiều thì sẽ quen.

Và bản thân những người làm toán chuyên nghiệp như tôi cũng phải luyện và làm quen với những khái niệm vô cùng trừu tượng. Đôi khi suy nghĩ về một điều, tôi cũng phải thay khái niệm trừu tượng bằng những con số để bớt trừu tượng đi, như vậy sẽ dễ hình dung hơn”, Giáo sư chia sẻ thêm. 

Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Cédric Villani cho rằng: "Tôi thấy rằng một môn học có rất nhiều giai đoạn khác nhau trong một quá trình đào tạo. Chúng ta có thể rất giỏi ở giai đoạn 1, nhưng đến giai đoạn 2 lại chẳng hiểu gì, và ngược lại.

Ví dụ từ chính bản thân tôi, khi tôi 17, 18 tuổi tôi rất giỏi về Đại số, thường xuyên đứng đầu lớp ở môn học này. Nhưng vài năm sau tôi không hiểu gì Đại số nữa. Điều quan trọng nhất là chúng ta cố gắng làm giỏi những điều mà chúng ta có hứng thú
".

Em Vũ Minh Hùng, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Đặng Trần Côn băn khoăn: “Trước đây cháu rất giỏi môn Toán, đứng đầu lớp. Nhưng thời gian gần đây cháu học dốt đi, chỉ còn đứng thứ 4, thứ 5 và thấy sợ Toán. Các Giáo sư có thể giải thích và bảo cháu phải làm thế nào không ạ?

Trước câu hỏi này, Giáo sư Ngô Bảo Châu động viên em Hùng: “Không bao giờ là quá muộn để học mọi thứ”. Còn Giáo sư Cédric Villani hóm hỉnh khuyên rằng: “Cháu vẫn còn thời gian để thay đổi mọi thứ. Cháu đừng băn khoăn về vấn đề đó nữa mà hãy thư giãn đi”. 

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đặt câu hỏi tới 2 vị Giáo sư: “Làm thế nào để truyền lửa cho học sinh, để các em yêu môn Toán?

Giáo sư Ngô Bảo Châu khẳng định: “Để truyền được lửa, được nhiệt huyết cho các em với môn Toán, điều chắc chắn là trước hết chúng ta phải có tình yêu đó.

Thường có sai lầm khi quan niệm rằng để học sinh thích học Toán thì toán phải dễ.

Chúng ta hãy làm ngược lại, đưa ra những vấn đề khó hơn một chút để học sinh cố gắng. Khi giải được bài toán khó, các em sẽ hài lòng, và sẽ làm tốt hơn
”. 

Giáo sư Cédric Villani cũng đồng ý rằng: “Người giáo viên trước hết phải có đam mê. Đây là yếu tố quan trọng nhất của người giáo viên. Bởi đối với một nhà giáo, khả năng và động lực quan trọng hơn kỹ năng và kiến thức của họ”. 

Một khán giả có câu hỏi: “Các ông có thể cho chúng tôi phép màu để thành công?”.

Giáo sư Cédric Villani cho biết: "Khi nói đến đào tạo, chúng ta phải luôn giữ lửa trong trái tim cũng như dành đầy đủ khả năng cho môn học đó.

Chúng ta phải luôn vận động. Khi đã giỏi lĩnh vực này, hãy chuyển sang lĩnh vực khác để không nhàm chán, luôn có bước tiến, không được hài lòng với những gì đã làm được
”.

Còn Giáo sư Ngô Bảo Châu khẳng định: “Trước tiên, mình phải chân thành, yêu quý điều mình làm thì mới thành công được. Những gì tốt đẹp không dễ dàng đạt được mà phải kiên trì. 

Điều thứ hai, khi chúng ta không tiến lên nữa, chúng ta phải lựa chọn. Không được đứng trước ngã ba đường mà không biết mình phải theo ngả nào. Nếu chúng ta quan tâm, dành tâm huyết thì mong muốn của chúng ta sẽ đạt được
”.

Cũng tại cuộc trao đổi, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, sai lầm khi học và dạy Toán trong các Nhà trường hiện nay đó là quan trọng hóa lý thuyết mà quên đi việc thảo luận, lý giải của Toán học. 

GS Cédric Villani, sinh năm 1973 tại Brive-la-Gaillarde, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Paris, là giáo sư Đại học Lyon 1 và Giám đốc Học viện Henry Poincaré. Xuất thân từ gia đình nghệ sĩ và giảng viên đại học, ông nhận được nhiều giải thưởng lớn.

GS Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972 tại Hà Nội, làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và Viện Nghiên cứu cao cấp Prince town, giáo sư Đại học Chicago và là Chủ tịch Hội đồng Khoa học tại Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán của Việt Nam. Sinh ra trong gia đình trí thức Hà Nội, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm tại Pháp, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Orsay. 

Thùy Linh