Thi quốc gia 2016: Mỗi phòng thi tối đa 40 em, có 1 tháng để nộp nguyện vọng

23/03/2016 06:56
Linh Hương
(GDVN) - Năm nay, mỗi phòng thi có tối đa 40 thí sinh, phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang.

Dự thảo hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia 2016 mà Bộ GD&ĐT công bố có những thông tin đáng chú ý sau: 

Thời hạn đăng ký dự thi

Từ ngày 1/4 đến 30/4, các điểm đăng ký dự thi thu hồ sơ của thí sinh gồm hai Phiếu đăng ký dự thi, bản photocopy 2 mặt chứng minh nhân dân trên một mặt giấy A4, hai ảnh 4x6 và một phong bì thư ghi rõ họ tên địa chỉ nhận của thí sinh để trong túi đựng hồ sơ theo mẫu.

Ngày 30/4, thí sinh không được đổi cụm thi và các thông tin về môn thi đã đăng ký.

Từ ngày 1/4 đến 30/5, các đơn vị đăng ký dự thi thu Phiếu đăng ký công nhận tốt nghiệp THPT và hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT kèm theo.

Thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016: Mỗi phòng thi tối đa 40 thí sinh (Ảnh: news.zing.vn)
Thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016: Mỗi phòng thi tối đa 40 thí sinh (Ảnh: news.zing.vn)

Khi làm thủ tục dự thi, thí sinh phải có chứng minh nhân dân. Các sở GD&ĐT, trường phổ thông hướng dẫn để học sinh có chứng minh nhân dân trước khi nộp Phiếu đăng ký dự thi.

Những thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng theo hình thức trực tuyến phải đăng ký số điện thoại, email khi đăng ký dự thi.

Nộp đơn phúc khảo tại nơi Đăng ký dự thi

Năm 2016, Bộ GD&ĐT công bố rõ địa điểm nhận đơn phúc khảo của thí sinh là điểm nhận đăng ký dự thi, sở GD&ĐT tập hợp và chuyển danh sách đề nghị phúc khảo cho hội đồng thi trước 31/7, hoàn thành chấm phúc khảo và cập nhật dữ liệu lên hệ thống trước ngày 8/8.

Thí sinh có bài thi sau khi phúc khảo có điểm lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên sẽ được điều chỉnh điểm.

Trong trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản).

Mỗi phòng thi tối đa 40 thí sinh

Các thí sinh của một cụm thi sẽ được xếp theo thứ tự alphabet và tuần tự được đánh số báo danh.

Phòng thi được xếp theo môn thi, mỗi phòng thi có tối đa 40 thí sinh, riêng phòng thi cuối cùng của mỗi môn thi được xếp tối đa 45 thí sinh.

Trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang.

Cụm thi tốt nghiệp: ít nhất 50% cán bộ của trường đại học coi thi

Cụm thi do trường đại học chủ trì sẽ có ít nhất 50% cán bộ coi thi của trường chủ trì, 20% cán bộ của trường phối hợp, còn lại là giáo viên của trường THPT. Cụm thi tốt nghiệp có ít nhất 50% cán bộ làm nhiệm vụ coi thi và 50% cán bộ giám sát phòng thi từ các trường đại học, cao đẳng.

Ngoài ra, các trường đại học chủ trì cụm thi chịu trách nhiệm sao in đề thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, công bố kết quả thi, in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh, bảo quản bài thi của thí sinh và các tài liệu liên quan của một hội đồng thi, xử lý thắc mắc, khiếu nại của thí sinh.

Thí sinh tự do được lựa chọn cụm thi

Thí sinh tự do dự thi để xét công nhận tốt nghiệp được chọn địa điểm nộp hồ sơ nhưng phải dự thi tại cụm mà các sở GD&ĐT dành cho thí sinh đang học THPT của nơi đó dự thi.

Thí sinh tự do dự thi chỉ để xét tuyển đại học, cao đẳng được lựa chọn thi tại cụm thi do trường đại học chủ trì và nộp hồ sơ tại địa điểm phù hợp với điều kiện.

Lệ phí dự thi 35.000 đồng/môn thi/thí sinh

Về kinh phí tổ chức kỳ thi, các trường sử dụng từ hai nguồn: phí dự thi của thí sinh 35.000 đồng/môn thi/thí sinh.

Linh Hương