Thủ khoa Bách khoa và bí quyết “4 chữ hãy”

04/11/2018 08:53
Thùy Linh
(GDVN) - Sinh viên Bách khoa thường có thói quen học nhóm trước khi thi, Hoàng nhận được rất nhiều lợi ích từ đó, không chỉ là cho bài thi mà còn nhiều kỹ năng khác.

Là gương mặt được cộng đồng sinh viên Bách khoa Hà Nội trầm trồ với bảng thành tích học tập “khủng”, tôi tìm gặp Nguyễn Hữu Hoàng – thủ khoa hệ đào tạo kỹ sư (Đại học Bách khoa Hà Nội) với điểm trung bình tích lũy đạt 3.81 để lắng nghe thủ khoa đã “chạy” thế nào để về đích với kết quả xuất sắc như vậy.

Chia sẻ với tôi, Nguyễn Hữu Hoàng nói: “Em cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi kết thúc chặng đường 5 năm Bách khoa được trở thành một trong những thủ khoa của trường.

Em cũng cảm thấy mình thật may mắn khi được cháy hết mình, phấn đấu hết mình, nỗ lực hết mình cùng bạn bè, thầy cô của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông trong suốt hành trình đó”.

Nguyễn Hữu Hoàng – thủ khoa hệ đào tạo kỹ sư (Đại học Bách khoa Hà Nội) với điểm trung bình tích lũy đạt 3.81 (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nguyễn Hữu Hoàng – thủ khoa hệ đào tạo kỹ sư (Đại học Bách khoa Hà Nội) với điểm trung bình tích lũy đạt 3.81 (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tôi đề cập, nếu ví cuộc đời là một chuyến tàu, có lý do nào khiến Hoàng chọn Bách Khoa Hà Nội là điểm xuất phát cho chuyến tàu đó thì Hoàng kể, em có thế mạnh về môn Toán và lại rất thích lĩnh vực công nghệ nên đã có định hướng sẽ chọn các trường đại học công nghệ để theo học.

Hơn nữa, anh trai của em là sinh viên của trường Bách khoa nên cứ có thời gian là anh trai lại kể trường đẹp lắm, Bách khoa học khó lắm….

Cứ như thế chẳng biết từ khi nào, Bách khoa trở thành lựa chọn duy nhất của em khi đăng ký xét tuyển đại học.

Thủ khoa Bách khoa và bí quyết “4 chữ hãy” ảnh 2Thủ khoa sư phạm tự tin có nhiều lựa chọn công việc khi ra trường

Để đạt được thành tích học tập “khủng”, Hoàng kể: “Bí quyết của em chỉ là, nghe giảng đầy đủ, hoàn thành các bài tập được giao và học nhóm khi ôn thi cuối kỳ là các yếu tố cần nhớ đầu tiên khi bước chân vào môi trường đại học.

Bởi lẽ, nghe giảng đầy đủ sẽ giúp nhớ kỹ kiến thức nền tảng, giải các bài tập giúp nhớ và phát triển tư duy đối với môn học và học nhóm, tranh luận giúp ôn lại kiến thức và làm sáng tỏ nhiều vấn đề khúc mắc”.

Chia sẻ thêm, Hoàng nói, thường thì sinh viên Bách khoa có thói quen học nhóm trước khi thi, cá nhân em nhận được rất nhiều lợi ích từ đó, không chỉ là cho bài thi mà còn nhiều kỹ năng khác như trình bày, phản biện, nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh.

Song song với học tập là thực hiện một nếp sống sinh hoạt đều đặn, có lẽ vì sức khỏe yếu từ nhỏ nên mọi việc em làm đều có giờ giấc và được sắp xếp có khoa học. Việc này đảm bảo sức khỏe cho quá trình học cũng như khả năng tiếp thu bài giảng.

Dành lời khuyên tới các em sinh viên khóa sau, Hoàng nói tới “4 chữ hãy”.Đó là:

Hãy rèn luyện thói quen học tập làm việc đúng đắn: Lên đại học môi trường thay đổi, nhiều bạn xa nhà đi học, việc giảng dạy và học tập mang tính tự giác cao hơn, khối lượng kiến thức cũng nhiều hơn, vì vậy phải tự rèn luyện cho mình thói quen học tập và làm việc đúng đắn, các em sẽ dần bớt cảm giác bị choáng ngợp khi mới vào đại học, dần ổn định và thói quen này luôn có ích cho hành trình sau này.

Hãy tập trung vào những điều quan trọng: Mỗi giai đoạn lại có những vai trò khác nhau, học đại học là quá trình tích lũy kiến thức, sau đó mang ra áp dụng trong cuộc sống, vậy nên, hãy tập trung vào việc học lúc này.

Hãy giữ gìn sức khỏe: sinh viên thường hay thức khuya, có lúc do mải xem phim, chơi game, có lúc lại do bài tập lớn hay đồ án đến hạn phải cố làm. Đây không phải là thói quen tốt và không nên để diễn ra thường xuyên, việc thức đêm cũng ảnh hưởng tới giờ học.

Hãy trau dồi đạo đức, giúp đỡ người khác tùy theo sức mình: Đại học Bách khoa Hà Nội có rất nhiều sân chơi cho các em thỏa sức trau dồi đạo đức và thiện nguyện: Tham gia hoạt động thanh niên tình nguyện, tiết kiệm một cốc trà đá vào mỗi sáng thứ Năm…


 

Thùy Linh