LTS: Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài thứ 5 trong loạt bài của ông góp ý cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Tòa soạn xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này. Văn phong cũng như nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt.
Tiếp theo bài trước, xin trình bày một số ý kiến liên quan đến hệ thống giáo dục. Ta đã có định hướng xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực học và liên thông. Nói cho rõ, cho xong câu chuyện này là rất dài, cần có nhiều thì giờ và phải có nhiều người tham gia.
Tôi chỉ xin trình bày một số ý kiến theo suy nghĩ có thể có mặt còn chủ quan của mình.
Các bộ phận của nền giáo dục quốc gia có quan hệ hữu cơ với nhau. Lớp, cấp và bậc học ở dưới và ở trên có quan hệ mật thiết với nhau, kế thừa và phát triển.
Trung học nghề nghiệp và cao đẳng có quan hệ với giáo dục phổ thông và đại học, kể cả về mặt chương trình, tổ chức phân luồng và liên thông.
Không tổ chức được phân luồng và liên thông như lâu nay thì đó là một hệ thống giáo dục kém hiệu quả, bị lãng phí nhiều công sức và chi phí.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (người ngồi hàng ghế giữa, bên trái) trong một buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: Tạp chí Tuyên Giáo. |
Vì lẽ ấy, tính hệ thống trong giáo dục là một yêu cầu khách quan và nghiêm túc. Tính hệ thống ấy đòi hỏi sự thống nhất về đầu mối quản lý nhà nước và quản lý sự nghiệp giáo dục.
Tính hệ thống bị “chặt khúc”
Hiện nay hệ thống giáo dục của ta bị cắt ra thành ba khúc. Khúc đầu và khúc cuối do một Bộ quản lý, còn khúc giữa lại do một Bộ khác quản lý.
Tôi không hiểu với cơ sở khoa học nào mà ta phải làm vậy. Tại sao lại phải cắt khúc kiểu ấy, vì lý do nào thúc đẩy?
"Đổi mới giáo dục và món nợ với cha ông" |
Cơ quan nào lo thiết kế việc liên thông và phân luồng giữa các khúc ấy, nhất là liên thông giữa trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học?
Có ý kiến giải thích cho tôi là Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý công việc liên thông và phân luồng đó.
Tôi lại không hiểu tại sao Chính phủ với chức năng lo việc quản lý vĩ mô về mặt nhà nước, hành pháp lại phải đi làm một công việc sự nghiệp có tính “chuyên môn” ấy? Và như thế thì cần gì các Bộ nữa?
Nếu làm vậy thì giống như phân công một ông “thực thi pháp luật” đi làm công việc của “kiến trúc sư”- tôi xin tạm thời diễn đạt như vậy để dễ hình dung, mặc dù vẫn biết sự ví von như vậy là khập khiễng.
Ngày trước ở nước ta có lúc phân thành 2 khúc do hai bộ khác nhau quản lý.
Bộ Giáo dục quản lý phần giáo dục phổ thông.
Bộ Đại học quản lý phần đào tạo cao đẳng và đại học.
Thà rằng làm như vậy, còn có một vài lý do, dễ xử lý liên thông giữa trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.
Cách đây mấy năm, có ý kiến đề nghị giao cho Bộ Giáo dục tập trung quản lý giáo dục phổ thông, còn một Bộ khác thì quản lý trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và nghiên cứu khoa học (tức là lấy một nửa công việc của Bộ Giáo dục cộng với công việc của Bộ Khoa học).
Giờ thực hành ở Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân. |
Đây là ý kiến đáng suy nghĩ, đáng thảo luận, để gắn công tác nghiên cứu khoa học với giảng dạy đại học.
Trường công - trường tư
Trong hệ thống giáo dục, kể cả phổ thông và cao đẳng, đại học, xét về mặt nguồn vốn đầu tư và sở hữu vốn, cần mở ra 3 loại trường: Công lập, tư thục và dân lập.
Trước đây ta đã có 3 loại này. Sau đó thì quyết định chỉ còn 2 loại là công lập và tư thục.
Từ đó, các trường dân lập phải tư nhân hóa để thành trường tư thục hoặc là nhà nước hóa để trở thành trường công, phủ nhận vai trò của cộng đồng xã hội. Đó là cách làm sai lầm.
Trên thực tế trước sau gì cũng đã, đang và sẽ có, loại trường không thuộc sở hữu nhà nước và cũng không phải của sở hữu tư nhân. Nó là của một cộng đồng xã hội, một công ty cổ phần hoặc của giáo hội…
Đó chính là loại trường dân lập. Vì sao không? Tôi nghĩ rất nên khuyến khích chứ!
Trong khu vực phổ thông, trường công lập sẽ chiếm đa phần. Mọi trẻ em cần được đi học. Nhà nước có trách nhiệm phải chăm lo việc ấy. Và vẫn cho phép các trường tư thục hoặc dân lập ra đời và hoạt động. Việc đó cũng khuyến khích!
Nhưng đồng thời nên khuyến nghị các trường tư thục tập trung phát triển theo hướng chất lượng cao (hơn các trường công lập, nói chung).
Trên thực tế có một số trường tư thục chất lượng trung bình ở phổ thông đã phải đóng cửa (“chết”) do nhà nước đã mở thêm các trường công lập.
Khi dân số tăng lên thì nhà nước sẽ lập thêm trường phổ thông là trách nhiệm tốt, cần làm.
Vì thế nên khuyến nghị tư nhân lập trường phổ thông chất lượng cao để giành cho các em ở các gia đình có điều kiện muốn đầu tư nâng cao chất lượng học tập cho con em mình.
Có ý kiến thắc mắc rằng, làm vậy thì những em học giỏi nhưng gia đình nghèo nên không có tiền tham gia học ở các trường tư thục chất lượng cao?
Cứ nói vậy thì sẽ vô cùng. Đối với các trường hợp ấy, nếu xã hội hoặc nhà nước có tài chính thì cấp học bổng cho các em ấy.
Còn hệ thống trường chuyên công lập ở phổ thông thì theo tôi nên xem lại, không nên để như hiện nay.
Không làm rõ, nắm chắc triết lý, mục tiêu giáo dục, đổi mới sẽ mất phương hướng |
Nói phổ thông thì yêu cầu chính là “phổ”, phổ biến, đồng loạt, bình đẳng. “Chuyên” thì không phải “phổ”, lại tạo ra bất bình đẳng trong hệ thống phổ thông công lập, cùng sử dụng ngân sách nhà nước nhưng suất đầu tư thì chênh lệch hẳn, có người được hưởng nhiều có người hưởng ít.
Trong nhân dân, một số nơi, có người nói đó là hệ thống trường ưu tiên cho “con quan”. Dù ý kiến đó không đúng thì cũng là không có lợi. Còn việc bồi dưỡng nhân tài thì tính cách khác, ví dụ:
Các câu lạc bộ năng khiếu, lớp năng khiếu trong trường phổ thông trung học hoặc trường năng khiếu ở 3 khu vực bắc-trung-nam gắn với các đại học quốc gia hoặc trường đại học nghiên cứu nào đó.
Nước ta, ở khu vực đại học, các trường công lập chiếm khoảng 80%, ngoài công lập chỉ có 20%. Trong khi ngân sách nhà nước thì rất hạn chế, chi phí bình quân cho một sinh viên rất thấp, ta lại muốn có chất lượng cao.
Nước Nhật với nguồn ngân sách rất lớn, nhưng trường công lập chỉ khoảng 20%, còn ngoài công lập 80%. Số liệu này đã cách đây mấy năm rồi.
Có người nói thế là Việt Nam ta ưu việt, nhà nước lo nhiều cho giáo dục. Thực ra, cũng đáng hoan nghênh về tinh thần quan tâm giáo dục, nhưng phải có cách quan tâm phù hợp hơn, chứ không phải cách nào cũng tốt.
Không thể duy ý chí, bất luận điều kiện nào về tài chính cũng vẫn phát triển cho có nhiều trường công lập, trong khi ai cũng biết chất lượng giáo dục mới là quan trọng nhất.
Chẳng phải thiên chức của giáo dục là nâng chất lượng con người đó sao? Và cũng không thể có một nền giáo dục đại học chất lượng cao mà giá rẻ. Hàng loạt kỹ sư và tiến sĩ ra trường nhưng chất lượng kém, “dỏm” thì có lợi hay không có lợi?
Trong thời gian tới, theo tôi, nên tái cơ cấu tỷ lệ giữa công lập và ngoài công lập theo hướng phần lớn là ngoài công lập, còn công lập thì ít hơn. Có thể đi hai bước, trước mắt là mỗi khối có thể khoảng 50%.
Chỉ cho thành lập mới các trường ngoài công lập. Nói chung không cho lập thêm các trường đại học công lập nữa. Các trường công lập hiện nay nên chuyển đổi một số theo hướng hợp tác công tư.
Cơ sở vật chất vẫn là của công lập, thu khấu hao dần dần về cho quỹ phát triển giáo dục do nhà nước quản lý. Đất vẫn là của nhà nước, dành cho giáo dục, nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất và biến thành sở hữu tư nhân.
Còn quản lý công tác đào tạo, tổ chức bộ máy, quản lý tài chính là theo cơ chế như các trường ngoài công lập, do một tập thể hoặc tư nhân đứng ra thực hiện.
Các trường đại học được phép thành lập mới nói chung không nên tập trung ở các thành phố lớn, mà nên bố trí ở các tỉnh hoặc thành phố nhỏ.
Thầy phải là người bạn lớn, bình đẳng, đồng hành cùng học trò đi tìm chân lý |
Cách phân bổ này sẽ tác động cho sự phát triển hài hòa, đồng đều trên các vùng lãnh thổ và cũng giảm bớt những vấn đề xã hội phải giải quyết tại các thành phố lớn.
Nói chung, cách quy hoạch trên lãnh thổ quốc gia có nhiều thành phố loại vừa, rải đều các nơi thì tốt hơn là tập trung vào một số thành phố lớn hoặc siêu lớn.
Tất nhiên đây là công việc của ngành khác, chứ không phải ngành giáo dục, nhưng nói là để kết hợp việc này và việc kia trong một tư duy tổng hợp.
Trong khu vực ngoài công lập, phân định rõ tiêu chí và có chính sách ứng xử khác nhau về mặt tài chính đối với loại trường bất vụ lợi và loại trường không bất vụ lợi.
Theo đó, trường bất vụ lợi phải được đặc biệt ưu tiên, được vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế và tiền thuê đất hơn hẳn so với các trường khác.
Tất nhiên phải có quy định rõ ràng của nhà nước về các tiêu chí thế nào là một trường bất vụ lợi, nhất là việc không phân chia lợi nhuận cho cá nhân, và phải có thanh tra, kiểm toán định kỳ.
Xem lại chất lượng đào tạo sư phạm, tránh “đại học hóa các trường cao đẳng sư phạm” theo hình thức, phong trào
Đối với các trường sư phạm nên chuẩn bị tích cực để khi đủ điều kiện thì chuyển dần lên thành các trường đại học.
Có tư duy rằng, ngày trước dạy theo lối truyền thụ kiến thức là chủ yếu, thì dạy ở cấp thấp đơn giản hơn cấp cao, vì vậy có việc các trường trung cấp, cao đẳng đào tạo ra giáo viên dạy cấp thấp hơn, còn đại học mới đào tạo ra người dạy trung học phổ thông.
Chúng ta còn muốn duy trì hệ đào tạo cao đẳng sư phạm đến bao giờ? |
Nay giáo dục đổi mới theo hướng phát triển năng lực, mà phát triển năng lực đối với trẻ em nhỏ thì còn khó hơn học sinh lớn.
Mặc khác, khoa học tâm lý ngày càng phát hiện thêm những vấn đề mới rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em ở lứa tuổi nhỏ.
Ví dụ nhân cách (phẩm chất) của một con người hình thành cơ bản ở lứa tuổi trẻ thơ, sau này lớn dần lên nó tiếp tục hoàn thiện. Vì vậy việc giáo dục nhân cách ở tuổi nhỏ nếu thực hiện tốt sẽ rất hiệu quả.
Những điều vừa nói yêu cầu chuẩn bị đội ngũ giáo viên để dạy lớp nhỏ phải có trình độ cao. Cho nên việc chuyển các trường sư phạm trung học và cao đẳng lên đại học là khách quan và cần thiết.
Tất nhiên phải đủ điều kiện. Tích cực và chủ động chuẩn bị điều kiện. Đó là nói đối với trường sư phạm. Còn các loại trường chuyên nghiệp khác thì không phải vậy.
Một số năm qua ở nước ta đã nhiều lần cho các trường trung cấp chuyên nghiệp chuyển lên cao đẳng và trường cao đẳng thì chuyển lên đại học (mà đến nay vẫn còn xu hướng ấy), và rồi không ít trong số các trường ấy đã quay trở lại làm một phần việc đào tạo ở cấp học như lúc đầu khi chưa chuyển lên.
Tại sao phải làm vậy? Tất nhiên có thể một số ít cũng có yêu cầu khách quan, nhưng phần lớn theo tôi nghĩ là thích vậy, muốn vậy thì làm vậy thôi.
Tại sao lại có tâm lý thích chuyển lên như thế? Hỏi ra thì biết việc ấy cũng “oai” hơn, có vẽ “đẳng cấp hơn”, thang lương thì cũng cao hơn. Vậy là có phần do cơ chế và có phần do bệnh hình thức, sĩ diện.
Mà “chạy” lên cấp trên để xin chuyển thì cũng không quá khó. Tất nhiên chạy tới chạy lui cũng tốn tiền. Nhưng tốn tiền thì lại được cái khác, rồi lại tạo ra tiền nhiều hơn.
Cái bệnh hình thức sĩ diện kia và “cơ chế thương mại” ấy rất dễ làm cho hình ảnh những người thầy trong ngành giáo dục của ta ít nhiều sứt mẻ.
Các đơn vị cơ sở trong hệ thống giáo dục cần phải xác định rõ sứ mệnh của mình. Giá trị thương hiệu gắn với sứ mệnh ấy bằng chất lượng giáo dục.
Dạy cấp một và mẫu giáo nếu có chất lượng tốt thì vẫn vinh quang hơn nhiều so với dạy đại học mà chất lượng không ra gì.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại được đào tạo cao và “thế lực” như vậy nhưng suốt đời ông đã lựa chọn công việc nghiên cứu sáng tạo việc giảng dạy đối với học sinh lớp một và cấp một đó thôi. Đúng là một nhà giáo tâm huyết. Vinh quang và thật đáng kính trọng.