Tình trạng vi phạm đạo đức nghề giáo, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”

17/01/2016 03:13
Bùi Minh Tuấn
(GDVN) - Sự bất lực về nghiệp vụ, thiếu phương pháp sư phạm đúng đắn trong khi áp lực công việc ngày càng lớn đã dẫn tới những hành vi bạo hành của một số giáo viên.

LTS: Thời gian gần đây, báo chí phanh phui nhiều hành vi vi phạm đạo đức nghề giáo đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều với nhiều thủ đoạn dã man. 

Trong bài viết này, thầy giáo Bùi Minh Tuấn (giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An) đưa ra cái nhìn tổng quan về tình trạng này với mong muốn ngành giáo dục hãy là tấm gương sáng trong xã hội. 
 
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Bộ GD&ĐT đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo” thì thời gian vừa qua xuất hiện hàng loạt vụ việc giáo viên có những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo gây bất bình trong dư luận. 

Nào là, cô giáo “cho phép’ học sinh tát bạn, bắt học sinh quỳ, “dạy” học sinh bằng roi; thầy giáo xâm hại tình dục học sinh,… 

Đặc biệt, mấy ngày qua dư luận lại xôn xao trước vụ việc một thầy giáo THPT ở Cà Mau đột nhập vào phòng Ban giám hiệu, lén mở máy tính đánh cắp đề thi học kì 1 để gạ tình nữ sinh

Ngay sau đó là vụ một giáo viên cấp THCS ở Bình Định dùng “chiêu” đổ nước vào miệng để phạt học sinh

Những vụ việc nghiêm trọng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Tình trạng vi phạm đạo đức nghề giáo, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh 1
Tình trạng vi phạm đạo đức nghề giáo đừng để “con sâu làm rầu nồi canh” (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Thời nào cũng vậy, người giáo viên luôn gánh trên mình trọng trách lớn lao, nhọc nhằn nhưng rất đỗi vinh quang, đó là trách nhiệm “trồng người”. 

Để hoàn thành trọng trách ấy, người giáo viên không chỉ cần có trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm mà hơn hết phải có cái “tâm” với nghề. 

Cái “tâm” với nghề nghiệp khiến mỗi giáo viên phải luôn ý thức được tầm quan trọng của việc thường xuyên trau dồi về mọi mặt, nhất là về phẩm chất đạo đức. 

Do đặc thù nghề nghiệp nên xã hội thường có cái nhìn “khắt khe” hơn đối với mỗi hành vi, ứng xử của người giáo viên cả ở bên trong và bên ngoài nhà trường. 

Đáng tiếc là trong thời gian qua, một số giáo viên đã có những hành vi “lệch chuẩn” thậm chí là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. 

Tình trạng vi phạm đạo đức nghề giáo, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh 2

Thầy giáo tát học sinh thủng màng nhĩ chỉ bị kỷ luật cảnh cáo

(GDVN) - Chiều ngày 22/2 sau khi họp bỏ phiếu mức kỷ luật thì thầy giáo Trần Thế Vinh đánh học sinh thủng màng nhĩ chỉ bị kỷ luật cảnh cáo.


Những “tấm gương mờ” này không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người giáo viên mà còn tác động xấu tới thế giới quan của học sinh.

Nguy hại hơn cả là niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng ít nhiều bị sứt mẻ. 

Có thể nhận thấy, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo được báo chí và dư luận phanh phui, chỉ trích trong thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. 

Mặt trái của cơ chế thị trường với những yếu tố tiêu cực của nó đã xâm nhập, tác động tới nhận thức của một bộ phận giáo viên góp phần làm hình thành nên ở họ lối sống bàng quan, thực dụng. 

Không ít người đã không thể cưỡng lại được trước sức cám dỗ của vật chất. Sự tha hóa về đạo đức trước sức hút của đồng tiền đã dẫn tới những hành động mù quáng như việc cướp tiệm vàng của thầy giáo Nguyễn Xuân Khôi – giáo viên trường THPT Quỳnh Lưu 4 mới đây là một minh chứng điển hình. 

Mặc dù đã được đào tạo về nghiệp vụ từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, nhiều sinh viên sư phạm sau khi ra trường tiếp nhận công tác còn tỏ ra non yếu về nghiệp vụ sư phạm, thiếu hụt những kiến thức về tâm lý sư phạm. 

Không phải ngẫu nhiên mà những vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo được phát hiện trong thời gian gần đây phần lớn “rơi” vào những giáo viên trẻ, thiếu kinh nghiệm công tác. 

Sự bất lực về nghiệp vụ, thiếu phương pháp sư phạm đúng đắn trong khi áp lực công việc ngày càng lớn đã dẫn tới những hành vi bạo hành của một số giáo viên. 

Tình trạng vi phạm đạo đức nghề giáo, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh 3

Vụ giáo viên "quất" học sinh tại lớp: Cô giáo cần bị "phạt" trước?

(GDVN) - Phải chăng, người giáo viên kém cỏi ấy mới đáng bị đánh. Họ nên tự đánh bản thân mình, tự kiểm điểm bản thân mình trước khi đổ lỗi cho học sinh, phạt học sinh.

Hơn nữa, hiện nay, một số bậc phụ huynh vì quá bận rộn với công việc nên đã “khoán trắng” việc giáo dục con cái cho nhà trường. 

Thiếu sự phối, kết hợp trong giáo dục giữa phụ huynh và giáo viên, hệ quả là phát sinh những biểu hiện lệch lạc trong đời sống tâm lý của học sinh. 

Một số giáo viên đã không kiềm chế được mình trước sự ngỗ ngược, chậm tiến của học trò. 

Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo diễn ra trong thời gian qua là do các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa chưa thực sự phát huy hiệu quả. 

Một số đơn vị trường học có giáo viên vi phạm, vì “bệnh thành tích”, sợ mất các danh hiệu thi đua đã “đóng cửa bảo nhau” để xử lý “nội bộ”. Đến khi sự việc bị vỡ lở, các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc, dư luận lên tiếng hoặc nhận được sự chỉ đạo trực tiếp từ cấp trên thì mới xử lý “mạnh tay”. 

Mặt khác, bấy lâu nay nhiều người vẫn có thói quen nhìn vào những hành vi “bề nổi” để đánh giá đạo đức giáo viên trong khi đó lại chưa quan tâm đúng mức tới những biểu hiện “bên trong” khác, mặc dù tác hại gây ra không phải là nhỏ. 

Chẳng hạn, một cô giáo vì quá nóng giận vì học sinh không học thuộc bài dẫn tới đánh học sinh. Khi phụ huynh phản ứng, báo chí lên tiếng phanh phui thì cô giáo này bị kỉ luật vì vi phạm đạo đức nhà giáo. 

Tình trạng vi phạm đạo đức nghề giáo, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh 4

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Thầy đổ nước vào miệng học trò nên chuyển nghề khác

(GDVN) - Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Đối với những giáo viên đánh đập học sinh, năng lực, phẩm chất không có thì nên luân chuyển họ sang ngành nghề khác".


Trong khi đó, một giáo viên khác có sự thiên vị đối với những học sinh tham gia học thêm môn học do mình dạy, cho điểm cảm tính, thiếu công bằng… thì vẫn “yên vị” vì không có “bằng chứng” để xử lý. 

Trong ngành giáo dục, có rất nhiều tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, những người đã dành trọn nhiệt huyết, công sức, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người” vẻ vang. 

Nhất là đội ngũ giáo viên công tác công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đang không quản vất vả, gian nan miệt mài “gieo chữ” cho con em đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Họ đã và đang dành được sự kính trọng của toàn xã hội, niềm tin yêu của các thế hệ học sinh. 

Xét trên tổng thể, số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo chỉ là thiểu số, không phải là hiện tượng phổ biến. Mặc dù vậy, việc thực hiện những biện pháp quyết liệt nhằm làm trong sạch hóa đội ngũ nhà giáo là việc làm hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. 

Ngày 16/4/2008, Bộ GD&ĐT đã ban hành “Qui định về đạo đức nhà giáo”, cùng với đó là các văn bản liên quan đến việc thực hiện cũng như các biện pháp xử lý vi phạm. 

Vấn đề là cần có hệ thống giải pháp đồng bộ làm cho những văn bản, qui định ấy sớm phát huy hiệu quả, tác dụng trong thực tế nhằm giảm thiểu tiến tới chấm dứt tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” như trong thời gian vừa qua. 

Để làm được điều này, cần nhiều hơn nữa những hành động mạnh mẽ, thiết thực, cụ thể từ ngành giáo dục, từ mỗi đơn vị trường học. Song, quan trọng nhất vẫn là sự nghiêm khắc với bản thân, ý chí nỗ lực tự hoàn thiện mình về mọi mặt của mỗi giáo viên.

Bùi Minh Tuấn