LTS: Ngày 25/10, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết "Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Mỗi trường sẽ có quyền chọn riêng bộ sách giáo khoa".
Ngay sau đó, một nhà giáo đang đứng lớp - tác giả Nhật Duy đã có bài viết trao đổi một số vấn đề với Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới với tựa đề “Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có đang tự mâu thuẫn về 2 môn học tích hợp?”.
Qua những trao đổi của thầy Nhật Duy, ngay sau đó, phóng viên tiếp tục có cuộc trao đổi ý kiến với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết để thầy Duy và các thầy cô trên cả nước hiểu kỹ hơn về môn học tích hợp này.
Tôn trọng thảo luận đa chiều một vấn đề quan trọng của giáo dục nước nhà, tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này.
Phóng viên: Thưa ông, xung quanh vấn đề dạy tích hợp, thầy giáo Nhật Duy vừa có bài trao đổi lại với Tổng chủ biên.
Xin hỏi giáo sư, những phát biểu khác nhau về tích hợp mà thầy Nhật Duy dẫn trong bài viết đó có đúng là quan điểm của giáo sư hay không?
Tại sao giáo sư lại có những thay đổi quan điểm về tích hợp như vậy sau khi làm Tổng chủ biên?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tháng 8/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (sau đây gọi tắt là Chương trình tổng thể) để lấy ý kiến nhân dân lần thứ nhất.
Trả lời nhà báo Nhật Hà về dự thảo này, tôi khẳng định: “Tôi thấy rất mừng, sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra được dự thảo chương trình tổng thể để lấy ý kiến người dân.
Chương trình này, theo tôi, có rất nhiều điểm mới đáng ghi nhận, tôi cho rằng đây là thành công bước đầu của việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông”.
Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. (Ảnh: Thầy Thuyết cung cấp) |
Trong bài trả lời phỏng vấn, tôi cũng nêu lên băn khoăn của mình về “điều kiện để thực hiện chương trình” là thiếu chuyên gia viết sách giáo khoa tích hợp, thiếu giáo viên dạy môn tích hợp và cơ sở vật chất yếu kém ở các trường.
Những điều tôi băn khoăn là những khó khăn có thực và cho đến nay vẫn là những thách thức cần vượt qua, nếu muốn chương trình mới thành công.
Nhưng nói ra những băn khoăn này, không có nghĩa là tôi không đồng tình xây dựng các môn học tích hợp. Bởi vì dạy học tích hợp là xu hướng của giáo dục thế giới, trước sau chúng ta cũng phải thực hiện.
Chỉ đạo mới của Bộ về dạy tích hợp theo chủ đề trong chương trình hiện hành |
Tôi được biết khi soạn thảo Chương trình năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu xây dựng một số môn học tích hợp nhưng vì các chuyên gia biên soạn chương trình môn học chưa thống nhất ý kiến nên phải tạm gác lại.
Nay, nếu chờ đợi cho có đủ chuyên gia, đủ giáo viên dạy đa môn mới thực hiện tích hợp thì giáo dục Việt Nam lại lỡ một chuyến tàu.
Hơn nữa, việc xây dựng các môn học tích hợp đã được quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội:
“Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học.”
Bộ Giáo dục và Đào tạo chắc chắn phải thực hiện quy định này.
Trong bài trả lời phóng viên Thùy Linh trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mới đây, với tư cách Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi đã trình bày những giải pháp mà Ban soạn thảo chương trình thống nhất để khắc phục những khó khăn được nêu ra năm 2015.
Thầy Nhật Duy và nhiều thầy cô đặc biệt quan tâm tới 2 môn tích hợp ở bậc Trung học cơ sở. Theo nhiều thầy cô, những trả lời trước đó của Tổng chủ biên và Chủ biên môn học này - Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn chưa khiến thầy cô yên tâm và thỏa mãn các thắc mắc.
Xin hỏi chuyên gia tích hợp 2 môn này là những ai? Tổng chủ biên có thể giới thiệu một vài ví dụ về tích hợp để chứng minh mối liên hệ giữa các môn này và sự cần thiết phải tích hợp chúng với nhau?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Trong suốt thời gian xây dựng chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa của các nước có nền giáo dục tiên tiến, tổ chức các đề tài khoa học về dạy học tích hợp và cử một số chuyên gia tham dự tập huấn, hội thảo ở trong nước và nước ngoài về chương trình giáo dục phổ thông.
Tích hợp thì tích hợp |
Từ khi kiện toàn Ban soạn thảo chương trình, theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Thế giới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục mời một số chuyên gia nước ngoài sang giúp các chuyên gia Việt Nam xây dựng chương trình, trong đó có các chương trình Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở trung học cơ sở.
Có thể nói chương trình các môn học tích hợp là kết quả lao động của nhiều chuyên gia, qua nhiều thời kỳ.
Sau khi Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên cả nước.
Lúc đó, chắc chắn nhà giáo Nhật Duy sẽ được “diện kiến” những người biên soạn chương trình như mong muốn mà ông đã thể hiện trong bài viết của mình.
Hiện nay, Ban soạn thảo chương trình đang chuẩn bị cho đợt khảo sát thực tế và thực nghiệm chương trình lần thứ hai, trong đó có khảo sát điều kiện dạy học và thực nghiệm chương trình các môn tích hợp.
Sau đó, dự kiến đầu tháng 12 tới sẽ công bố dự thảo chương trình các môn học lên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia và các tầng lớp nhân dân.
Rất mong khi đó sẽ nhận được góp ý tích cực của các chuyên gia, các thầy cô và các tầng lớp nhân dân để Ban soạn thảo hoàn thiện chương trình.
Vậy việc thi và kiểm tra các môn tích hợp sẽ như thế nào khi một sách vẫn 2, 3 thầy dạy? Giáo viên nào chấm các bài thi đó? Giáo viên nào vào sổ điểm cho môn học đó, thưa giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Theo Chương trình tổng thể, có ba hình thức đánh giá kết quả giáo dục là đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức và đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức.
Đối với đánh giá thường xuyên, giáo viên dạy phần nào sẽ ra đề, chấm điểm phần đó.
Đối với đánh giá định kỳ, nhà trường sẽ tổ chức ra các đề tổ hợp, tích hợp và chấm điểm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá, tỷ trọng giữa các kết quả đánh giá,...
Trân trọng cảm ơn Tổng chủ biên.