Ngày 9/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.
Dự thảo có điểm mới nổi bật về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn).
Theo đó, dự kiến từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ xác định điểm sàn đối với ngành sư phạm, những ngành khác do trường tự xác định.
Trong đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên theo dự thảo mới lại được quy định như sau:
“Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên.
Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên”.
Chúng ta đừng nên quá chú trọng đến quy định tiêu chuẩn đầu vào mà thay vào đó điều cần quan tâm chính là chính sách ưu đãi nhân tài giáo dục như thế nào? (Ảnh minh họa: Trinh Phúc) |
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, việc muốn học sinh giỏi vào sư phạm là một sự lựa chọn tốt cũng giống như những năm 1970, 1980 nhà nước tuyển chọn những học sinh giỏi vào các trường quân sự rồi gửi đi đào tạo tại nước ngoài và sau khi tốt nghiệp phục vụ trong quân đội.
Tuy nhiên, đối với ngành sư phạm thì khi đưa ra dự kiến thay đổi tiêu chuẩn đầu vào thì Bộ cần cân nhắc đến mong muốn của học sinh giỏi có mong muốn trở thành thầy cô giáo hay không?
Các em học sinh giỏi liệu có năng khiếu sư phạm hay không?
Tiêu chuẩn mới, đầu vào điểm cao, đãi ngộ tốt, nhưng mấy ai muốn vào sư phạm? |
Từ đó, ông Vinh cho rằng, đừng nên quá chú trọng đến quy định tiêu chuẩn đầu vào mà thay vào đó điều cần quan tâm chính là chính sách ưu đãi nhân tài giáo dục như vấn đề việc làm sau khi ra trường, chính sách học bổng, chế độ đãi ngộ….cụ thể ra sao.
Ngoài ra, cũng theo ông Hoàng Ngọc Vinh, chúng ta cần đổi mới căn bản quy trình công nghệ đào tạo giáo viên (kể cả đổi mới chương trình), khi đó mới hi vọng có được lứa thầy cô có năng lực dạy học phù hợp với công cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tăng cường tính hấp dẫn của các trường sư phạm.
Về việc dự kiến từ năm 2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định điểm sàn sư phạm, điểm sàn các ngành do các trường quy định, ông Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về việc nên có điểm sàn hay không.
Đây là vấn đề vừa phải đảm bảo quyền tự chủ của trường đại học nhưng cũng phải đảm bảo cân đối cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu vùng miền của nguồn nhân lực, cũng như xử lý bài toán phân luồng.
Trong bối cảnh phân cấp mạnh cho các địa phương thì các địa phương không thể tránh trách nhiệm quy hoạch nhân lực đội ngũ giáo viên tại địa phương để làm một trong các cơ sở xác định chỉ tiêu ngành sư phạm sau 3, 4 năm nữa (ở địa phương năm nhu cầu nhân lực là sát nhất về mặt số lượng), còn trách nhiệm Bộ là thể hiện ở quản lý điều tiết vĩ mô, ban hành các tiêu chuẩn, giám sát và điều tiết.
Dù có tự chủ nhưng không thể không có bàn tay can thiệp của nhà nước về các phương diện quy hoạch, chiến lược, chính sách, cơ chế.
Nếu tự chủ của cơ sở giáo dục mà thiếu "tín hiệu" dẫn đường và cơ chế điều chỉnh, thúc đẩy tự chủ từ cấp vĩ mô thì vô hình chung là tự đánh mất vai trò quản lý nhà nước của mình, "thị trường" trở nên dễ trở nên hỗn loạn kiểu "trăm hoa đua nở".
Vấn đề là can thiệp cái gì, can thiệp ở mức độ nào và như thế nào đòi hỏi phải dựa trên những nghiên cứu khoa học nghiêm túc để đưa ra chính sách phù hợp.