Tiêu chuẩn mới, đầu vào điểm cao, đãi ngộ tốt, nhưng mấy ai muốn vào sư phạm?

23/02/2018 06:32
Thùy Linh
(GDVN) - Nếu có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp, lúc đó không cần quy định tiêu chuẩn đầu vào mà vẫn tuyển được học sinh khá, giỏi.

Ngày 9/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. 

Dự thảo có điểm mới nổi bật về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn).

Theo dự thảo, đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, Bộ sẽ căn cứ kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các bài thi/môn thi văn hóa sử dụng để xét tuyển. 

Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Như vậy, dự kiến từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ xác định điểm sàn đối với ngành sư phạm, những ngành khác do trường tự xác định.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nếu có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp, lúc đó không cần quy định tiêu chuẩn đầu vào mà vẫn tuyển được học sinh khá, giỏi. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nếu có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp, lúc đó không cần quy định tiêu chuẩn đầu vào mà vẫn tuyển được học sinh khá, giỏi. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) đồng ý với quan điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ xác định điểm sàn đối với ngành sư phạm, những ngành khác do trường tự xác định.

Bởi lẽ, lâu nay Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có ý kiến gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng nên bỏ việc quy định điểm sàn mà thay vào đó nên áp dụng theo nguyên tắc: Nếu học trò đã vượt qua trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia thì em đó có quyền đăng ký vào các trường đại học còn việc có trúng tuyển hay không thì nên để trường đại học đó quyết định. 

Còn nguồn nhân lực giáo viên thì Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, do đó, Bộ chỉ nên đưa ra bộ tiêu chí nào đó đối với ngành sư phạm là hoàn toàn hợp lý. 

Tiêu chuẩn mới, đầu vào điểm cao, đãi ngộ tốt, nhưng mấy ai muốn vào sư phạm? ảnh 2Học sinh giỏi, chắc gì các em đã muốn vào sư phạm?

Tuy nhiên, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên theo dự thảo mới lại được quy định như sau:

Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên.

Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên
”. 

Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, muốn học sinh giỏi vào sư phạm thì nên có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp, lúc đó tự nhiên sẽ thu hút được người giỏi, không cần phải quy định tiêu chuẩn đầu vào mà luôn tuyển được học sinh khá, giỏi.

Ông Khuyến chỉ rõ, nếu ngành sư phạm có chính sách sử dụng lao động sau khi tốt nghiệp như các ngành bác sĩ, công an, quân đội thì khi đó hãy nói đến việc thu hút học sinh giỏi.

Nếu vẫn còn tình trạng cử nhân sư phạm ra trường thậm chí thủ khoa thất nghiệp như hiện nay thì việc đặt ra tiêu chuẩn học sinh giỏi vào ngành sư phạm là khó khả thi. 

Thùy Linh