LTS: Thời gian qua, nhiều bất cập về mô hình trường học mới VNEN đã được mổ xẻ, đề cập đặc biệt khi nhiều địa phương đã có quyết định dừng triển khai, dừng nhân rộng trong năm học 2017-2018.
Thậm chí nhiều chuyên gia đã khẳng định, chương trình VNEN đã thất bại, sau khi sử dụng hết kinh phí dự án được tài trợ 84,6 triệu USD.
Năm học mới sắp đến, một số địa phương khác lại đang loay hoay việc dừng hay tiếp tục triển khai mô hình này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam sau khi ông đi khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị 11.
Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi nội dung cuộc trao đổi này và trân trọng cảm ơn Giáo sư Phạm Tất Dong.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về mô hình VNEN sau 6 năm đưa vào thí điểm ở nước ta?
Giáo sư Phạm Tất Dong: Tôi biết, khi đưa mô hình trường học mới (VNEN) vào Việt Nam đã không nhận được sự đồng thuận từ dư luận.
Có người khen vì VNEN có những mặt tích cực như giúp học sinh năng động hơn, phụ huynh có trách nhiệm hơn với việc học của con cái....
Tuy nhiên, nhiều người đã không đồng tình vì cho rằng VNEN chỉ đi vào những thứ vụn vặt của giáo dục (như vấn đề làm thế nào để ý thức cạnh tranh của trẻ tốt hơn, cách quản lý của thầy cô tốt hơn...) chứ không chỉ rõ hướng đi cơ bản.
Tôi cho rằng:
Thứ nhất, khi đưa VNEN vào nước ta Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có tính toán sâu sắc mà mới chỉ suy tính đến tính ứng dụng thí điểm.
Rõ ràng, mô hình mới thì cần phải thực nghiệm, nhưng ngay từ khi bắt đầu thực nghiệm thì cần phải có tính toán đến việc nếu thực nghiệm không tốt thì có đại trà không?
Và nếu triển khai đại trà thì VNEN có ảnh hưởng gì đến việc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới?
Giáo sư Phạm Tất Dong khẳng định, khi đưa VNEN vào nước ta, Bộ chưa có tính toán sâu sắc (Ảnh: Thùy Linh) |
Rõ ràng, thực nghiệm VNEN là vấn đề không hề dễ dàng và đáng lẽ ta triển khai ở quy mô hẹp, với số lượng trường ít sau đó dừng lại, sửa đổi những gì chưa ổn rồi tiến hành sơ kết trước khi đưa vào nhiều trường.
Kỳ thực, có đánh giá, có tiến trình cụ thể bao giờ cũng thuận lợi và hiệu quả hơn.
Bởi giáo dục không phải cứ đưa ra là làm được ngay mà bất cứ chương trình mới nào cũng cần phải thực nghiệm vài ba lần, phải chắc chắn mới được làm, chứ giáo dục không phải là thí điểm.
Thứ hai, trong khi năm học 2016 – 2017 cả nước có 4.393 trường tiểu học thực hiện theo mô hình trường học mới (Theo báo cáo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng là lúc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Ban xây dựng chương trình đưa ra trưng cầu ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Qua phân tích, trình bày của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy, chương trình mới thay đổi từ mục tiêu, nội dung, phương pháp đến cách thi cử, đánh giá so với chương trình hiện hành.
Cùng với đó, qua quá trình đi khảo sát, nhiều địa phương có tâm sự với chúng tôi rằng, họ quyết định dừng VNEN, tôi cho rằng họ có lý do.
Thử hỏi, vừa thực hiện theo mô hình VNEN vừa làm quen với chương trình mới, liệu giáo viên có làm được không?
Có thể làm được nhưng sẽ là một thách thức lớn.
Bởi tôi biết một lượng lớn giáo viên khi làm quen với VNEN rất khó khăn, giờ thêm việc tiếp cận với chương trình mới có nghĩa là cùng một lúc 1 giáo viên phải tiếp thu 2 nội dung mới không đồng bộ.
Với những phân tích về mô hình VNEN nêu trên, theo ông, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần làm gì trong thời gian tới?
Giáo sư Phạm Tất Dong: Theo tôi, Bộ nên khẩn trương tiến hành một số việc sau:
Thứ nhất, Bộ nên dành thời gian khảo sát, đánh giá để tổng kết lại xem mấy năm vừa qua khi thực hiện VNEN chúng ta đã đạt được và chưa được những gì?
Thứ hai, điều tiên quyết mà chúng ta phải thực hiện là chương trình giáo dục mới được Quốc hội thông qua chứ không phải VNEN.
Do đó, Bộ cần tính toán đối với những mặt tích cực của VNEN thì sẽ ứng dụng như thế nào vào chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho phù hợp, hiệu quả.
Thầy trò lớp 6, Trường Trung học cơ sở Võ Lao (Lào Cai) gặp nhiều khó khăn trong dạy và học vì diện tích lớp chật hẹp so với yêu cầu của mô hình trường học mới. (Ảnh: Báo Lào Cai) |
Thứ ba, cần trưng cầu ý kiến giáo viên – những người trực tiếp thực hiện xem họ phản ánh ra sao về cách dạy học theo mô hình VNEN như nội dung dạy học nào khó? Nội dung nào có thể khắc phục?...
Nếu giáo viên khẳng định khó thực hiện thì Bộ cần lưu ý và có quyết định cụ thể hơn.
Thứ tư, nếu khi chương trình mới bắt đầu triển khai mà vẫn thực hiện VNEN thì tôi cho rằng Bộ cần phải thực nghiệm lại một cách thận trọng hơn bằng cách mỗi tỉnh chọn vài trường gồm cả trường đồng bằng, vùng núi, dân tộc thiểu số....
Chứ nếu một chương trình chỉ ứng dụng được ở nơi này, không ứng dụng được ở vị trí địa lý khác thì cũng nên xem xét lại trước khi thực nghiệm.
Qua quá trình đi khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị 11, ông có thể cho biết thêm những thông tin mà địa phương đã chia sẻ với ông về VNEN?
Giáo sư Phạm Tất Dong: Xưa nay ở Việt Nam từng đưa ra nhiều cái mới nhưng điều kiện vật chất kỹ thuật không tương xứng.
Nhất là đối với giáo dục khi đưa cái mới vào, giáo viên rất háo hức nhưng điều kiện vật chất kỹ thuật không đầy đủ khiến họ chật vật để thể hiện cái mới. Và VNEN là một minh chứng của tư duy duy ý chí đó.
Mô hình trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt là VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện thành công ở Colombia. EN là chương trình được các nhà giáo dục và chuyên gia hàng đầu hỗ trợ phát triển.
VNEN và sự vô cảm với thày cô |
Chính mô hình EN này đã giúp Colombia từ một nước có nền giáo dục lạc hậu thành đất nước có nền giáo dục tốt nhất châu Mỹ La Tinh, tiếp cận được các nền giáo dục tiên tiến.
Trước lợi ích mang lại từ mô hình EN, Liên Hiệp Quốc đã quốc tế hóa mô hình này nhằm nhân rộng sang nhiều nước khác trên thế giới.
Các tổ chức UNESCO, Ngân hàng Thế giới coi mô hình EN có chất lượng tốt, là giải pháp giáo dục có hiệu quả với mục tiêu, mục đích rõ ràng, đối tượng phù hợp.
Năm 2011, ngành giáo dục Việt Nam bắt đầu thí điểm trước mô hình này tại một số trường, EN khi vào Việt Nam được gọi là Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN).
Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc đã tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD cho dự án trong giai đoạn 2011-2015.
Nhưng rõ ràng, Colombia học được trang bị điều kiện vật chất, kỹ thuật tốt hơn chúng ta bởi họ là nơi thí điểm của thế giới trong khi ta không có được những điều kiện ấy những lại vội vàng áp dụng.
Do đó, mặc dù thầy cô đã cố gắng rất nhiều nhưng hiệu quả không lớn do đó nhiều tỉnh đã dừng triển khai VNEN.
Qua quá trình đi khảo sát, đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình có nói với tôi là đã triển khai VNEN trên toàn tỉnh nên giờ bảo dừng thì rất khó, nhưng nếu tiếp tục thì giáo viên khổ.
Tích hợp thì tích hợp |
Và mới đây tôi biết, Thái Bình đã có quyết định dừng nhân rộng mô hình VNEN.
Thực ra, ngay cả chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tôi e rằng chúng ta cũng đang duy ý chí.
Các nhà biên soạn cứ mải miết tính toán tăng hay giảm số tiết học của môn học này, môn học kia, nhưng rõ ràng chưa bao giờ chúng ta tính đến điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật khi thực hiện chương trình mới là như thế nào.
Ví dụ, từ lớp 3 các trường tiểu học đã dạy ngoại ngữ, vậy cần chuẩn bị bao nhiêu giáo viên đó? Đào tạo bao lâu thì có được đội ngũ giáo viên ấy? Cần bao nhiêu trường sư phạm chuẩn bị đội ngũ này?... Toàn bộ quá trình đó cần bao nhiêu tiền?
Hoặc khi đưa Tin học vào giảng dạy thì bao nhiêu trường được trang bị máy tính?
Hay chương trình mới cần bao nhiêu thầy cô được bồi dưỡng để dạy môn tích hợp, chương trình bồi dưỡng ấy cần bao nhiêu tiền....
Kỳ thực, đến giờ, tôi không rõ chúng ta định tiêu bao nhiêu tỷ đồng cho chương trình giáo dục phổ thông mới vì mọi tuyên bố của ta đều không rõ ràng.
Chỉ khi nào tính được con số cụ thể, trình ra Quốc hội và Quốc hội căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội của đất nước để cam kết đầu tư đủ những điều kiện đó hay cần cắt giảm, tăng kinh phí ở những khoản nào....trước khi chương trình mới chính thức đi vào triển khai.
Sự đồng bộ đó là điều kiện quan trọng để chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện hiệu quả góp phần không nhỏ vào quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!