Việt Nam bắt đầu đào tạo cử nhân truyền thông, báo chí theo chuẩn quốc tế

31/08/2016 07:19
Thùy Linh
(GDVN) - Hiện nay, ngành truyền thông ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và rất cần nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế.

LTS: Nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành báo chí và truyền thông tại Việt Nam, Học viện Báo chí và tuyên truyền triển khai chương trình Cử nhân quốc tế Cử nhân Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Truyền thông với Đại học Middlesex (Vương quốc Anh). Chương trình đã được Bộ GD&ĐT cấp phép thực hiện. 

Để hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Phóng viên: Xin Phó giáo sư cho biết những thông tin cơ bản nhất về chương trình đào tạo cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Truyền thông sẽ được triển khai tại Học viện Báo chí và tuyên truyền. 

PGS.TS. Trương Ngọc Nam: Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Truyền thông là chương trình đào tạo chính quy giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. 

Chương trình gồm 12 môn học mang tính thực hành và tích hợp cao trong thời gian 3 năm, không kể thời gian học chương trình dự bị. Sinh viên có cơ hội chuyển tiếp sang Đại học Middlesex ở London trong năm học cuối, hoặc học tiếp chương trình thạc sĩ sau khi tốt nghiệp. 

Những thí sinh đạt điểm sàn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và IELTS 5.5 (hoặc tương đương) có thể nộp hồ sơ dự tuyển vào Chương trình. 

Đây là chương trình đào tạo chất lượng cao, theo những tiêu chuẩn chất lượng chặt chẽ của Vương Quốc Anh

Cơ sở nào để Nhà trường quyết định triển khai chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Truyền thông liên kết với trường đại học Middlesex, thưa PGS?

PGS.TS. Trương Ngọc Nam: Hiện nay, ngành truyền thông ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và rất cần nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế. 

Với tư cách là cơ sở đào tạo lớn về báo chí và truyền thông. Học viện cần đi đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu thành công, Học viện không chỉ khẳng định được vị thế của mình mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành truyền thông tại Việt Nam. 

Đại học Middlesex là trường có uy tín trong lĩnh vực đào tạo quảng cáo, quan hệ công chúng và truyền thông tại Vương quốc Anh. 

PGS.TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong buổi trao đổi với đại diện các cơ quan báo chí ngày 30/8 (Ảnh: Kiều Linh)
PGS.TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong buổi trao đổi với đại diện các cơ quan báo chí ngày 30/8 (Ảnh: Kiều Linh)

Đại học Middlesex đã tiến hành kiểm định và phê duyệt đối với Học viện trong năm 2015 và kết luận Học viện có đầy đủ khả năng về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và văn bản quản lý để triển khai chương trình đào tạo quốc tế. 

Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Truyền thông là nhu cầu, cam kết và kết quả hợp tác rất chặt chẽ giữa hai bên

Xin Phó Giáo sư cho biết cụ thể hơn về nội dung và phương thức đào tạo chương trình đào tạo cử nhân quốc tế?

PGS.TS. Trương Ngọc Nam: Chương trình Cử nhân quốc tế được triển khai theo phương thức nhượng quyền. Theo đó, HVBC&TT tuyển sinh, tổ chức giảng dạy và đảm bảo cơ sở vật chất. Đại học Middlesex cung cấp chương trình, tài liệu, giáo trình, bảo đảm chất lượng và cấp bằng. 

Đây là phương thức hợp tác đào tạo phù hợp với Học viện trong giai đoạn hiện nay, giúp Học viện tiếp cận chương trình đào tạo truyền thông hiện đại mang tính thực hành và tích hợp cao và phương thức quản lý đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.

Chương trình Cử nhân quốc tế gồm 12 môn học có tính thực hành và tích hợp cao được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. 

Toàn bộ nội dung môn học do Đại học Middlesex xây dựng và chuyển giao cho Học viện. 

Giảng viên và sinh viên có thể tiếp cận sổ tay chương trình, đề cương môn học, tài liệu học tập thông qua tài khoản trực tuyến.

Điểm ưu việt của chương trình là, Học viện có thể điều chỉnh các ví dụ, trường hợp nghiên cứu và một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. 

Nhờ vậy, sinh viên vừa được học các kiến thức, kỹ năng theo chuẩn quốc tế vừa nắm vững thực tiễn cụ thể ở Việt Nam.

Chương trình đào tạo có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động đào tạo báo chí chất lượng cao, đào tạo báo chí tích hợp đang được triển khai tại Học viện, thưa Phó Giáo sư?

PGS.TS. Trương Ngọc Nam: Đào tạo báo chí tích hợp, báo chí đa phương tiện đang là xu hướng của các trường đại học trên thế giới. Nhà báo, nhà truyền thông cần có khả năng tác nghiệp linh hoạt, làm việc trên các nền tảng và loại hình báo chí khác nhau. 

Xu hướng này đòi hỏi các cơ sở đào tạo báo chí – truyền thông, trong đó có Học viện Báo chí và Tuyên truyền phải đổi mới phương thức đào tạo theo hướng tích hợp và thực hành. 

Việc triển khai thành công Chương trình cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Truyền thông sẽ giúp Học viện đổi mới phương thức quản lý đào tạo và giảng dạy. 

Nó sẽ tiếp thêm cho chúng ta động lực, niềm tin và quyết tâm để triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo tiên tiến. 

Tất nhiên, đây là quá trình còn nhiều thử thách, đòi hỏi có lộ trình, giải pháp phù hợp. Học viện cần nắm bắt các xu thế đào tạo hiện đại và xu hướng phát triển của ngành truyền thông để giữ vững vị thế của mình.

Chương trình đào tạo có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành truyền thông ở Việt Nam hiện nay, thưa Phó Giáo sư? 

PGS.TS. Trương Ngọc Nam: Từ năm 2014, Học viện đã tổ chức bài thi Năng khiếu báo chí để làm căn cứ xét tuyển sinh đầu vào một số ngành báo chí, ban hành và triển khai chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học.

Học viện cũng đang trong quá trình chuyển từ phương thức đào tạo theo niên chế sang phương thức đào tạo theo tín chỉ. Tất cả những nỗ lực này đều hướng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, gắn hoạt động đào tạo của nhà trường với xu hướng phát triển của ngành truyền thông và yêu cầu của thị trường lao động.

Trên thực tế, Học viện đã tiến hành nghiên cứu thị trường trước khi triển khai chương trình Cử nhân quốc tế. 

Nhu cầu về nguồn nhân lực truyền thông được đào tạo theo chương trình quốc tế, có hiểu biết về tình hình văn hoá, xã hội của Việt Nam và khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo là có thật. Các tổ chức quốc tế cũng như doanh nghiệp Việt Nam rất cần nhà truyền thông quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Việt Nam bắt đầu đào tạo cử nhân truyền thông, báo chí theo chuẩn quốc tế ảnh 2
Việt Nam bắt đầu đào tạo cử nhân truyền thông, báo chí theo chuẩn quốc tế (Ảnh: Kiều Linh)

Chương trình Cử nhân quốc tế là giải pháp mang tính chiến lược nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành truyền thông ở Việt Nam hiện nay. 

Việc triển khai chương trình này không chỉ mang lại thêm cơ hội học tập cho người học mà còn góp phần giải quyết nhu cầu phát triển của ngành truyền thông Việt Nam.

Được biết chương trình sẽ dự kiến khai giảng ngày 26/10/2016. Đến nay các công tác chuẩn bị về nhân lực, vật lực của nhà trường sẽ được tiến hành ra sao, thưa Phó Giáo sư?

PGS.TS. Trương Ngọc Nam: Hội đồng kiểm định và hội đồng phê duyệt của Đại học Middlesex đã làm việc tại Học viện và kết luận, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và hệ thống văn bản quản lý của Học viện đáp ứng được các điều kiện để triển khai chương trình đào tạo quốc tế. 

Hiện nay, các giảng viên cơ bản đã hoàn tất những khâu chuẩn bị giáo án và tài liệu giảng dạy theo đúng như quy trình đề ra của Đại học Middlesex. Tất cả các giảng viên sẽ thông qua bài giảng trước hội đồng chuyên môn trước khi chính thức lên lớp.

Về cơ sở vật chất, nhà trường đã đầu tư hệ thống giảng đường quốc tế hiện đại với các phòng học và phòng chức năng. 

Phòng học trực tuyến được trang bị công nghệ mới, (hiện đã sử dụng một số dự án hợp tác đào tạo giữa nhà trường với đối tác Hàn Quốc). 

Các phòng thảo luận, studio phát thanh, studio truyền hình, phòng máy tính được trang bị đồng bộ nhằm đảm bảo điều kiện giảng dạy và học tập tốt nhất.

Để chất lượng đào tạo được đảm bảo, chất lượng đội ngũ giảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Trình độ, năng lực, kinh nghiệm đào tạo quốc tế của đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy chương trình của Nhà trường hiện nay đã được đảm bảo như thế nào, thưa Phó Giáo Sư?

PGS.TS. Trương Ngọc Nam: Đại học Middlesex đã kiểm định năng lực chuyên môn và khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh của giảng viên Học viện.

Hội đồng kiểm định của Đại học Middlesex đã xem xét hồ sơ năng lực và phỏng vấn các giảng viên trước khi thông qua danh sách 12 giảng viên chính thức. 12 giảng viên của Học viện sẽ phối hợp với các giảng viên của Đại học Middlesex để triển khai chương trình giảng dạy.

Đội ngũ giảng viên chính của Học viện đáp ứng được các yêu cầu về trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy và năng lực sử dụng tiếng Anh.

Phần lớn các giảng viên có trình độ Tiến sĩ; một số được đào tạo tại các quốc gia như Mỹ, Anh, Australia. Một số khác đã tham gia các chương trình trao đổi giảng viên và các hội thảo khoa học quốc tế.

Học viện cũng có kế hoạch dài hạn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy cho giảng viên. 

Các giảng viên đã và sẽ được cử tham gia các chương trình nghiên cứu, hội thảo quốc tế thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường. Tôi tin rằng, năng lực của đội ngũ giảng viên sẽ được nâng lên thông qua chính việc tham gia giảng dạy chương trình đào tạo quốc tế.

Sinh viên khoá đầu của chương trình đào tạo sẽ được hưởng những quyền lợi và ưu đãi gì, thưa Phó giáo sư?

PGS.TS. Trương Ngọc Nam: Việc bảo đảm điều kiện học tập tốt nhất có thể theo chuẩn quốc tế và quyền lợi của sinh viên là cam kết của Học viện với Đại học Middlesex. 

Các quyền lợi của sinh viên được ghi rõ trong hợp đồng đào tạo với Đại học Middlesex. Sinh viên sẽ được cấp tài khoản để đăng nhập vào hệ thống thư viện và học tập trực tuyến của Đại học Middlesex.

Học viện đã xây dựng kế hoạch tăng cường quan hệ với các cơ quan thực tập và nhà tuyển dụng để tạo cơ hội cho sinh viên thực hành kỹ năng trong thực tế. 

Sinh viên sẽ không chỉ học tập trên lớp mà còn tham gia các hoạt động nghề nghiệp để rèn luyện nghề và nâng cao khả năng thích nghi với công việc trong tương lai. Học viện sẽ có học bổng để khuyến khích những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc.

Trên thực tế cũng có những băn khoăn về kinh nghiệm và năng lực hợp tác đào tạo quốc tế của Học viện. Đây là năm đầu tiên Học viện triển khai chương trình cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Truyền thông. 

Sự quan tâm chỉ đạo của Ban Giám đốc và sự nỗ lực rất lớn của các bộ phận chức năng sẽ góp phần đem lại trải nghiệm học tập tích cực cho sinh viên. Hơn nữa, Đại học Middlesex rất có kinh nghiệm về nhượng quyền chương trình và sẽ hỗ trợ tối đa để Học viện triển khai chương trình thành công.

Chương trình mở ra những triển vọng gì cho sinh viên trong học tập và cơ hội phát triển nghề nghiệp tương lai?

PGS.TS. Trương Ngọc Nam : Đây là môi trường học tập năng động, có tính tương tác và ứng dụng cao, khuyến khích sự sáng tạo của sinh viên. Sinh viên được học tập chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế có tính thực hành và tích hợp cao.

Các ví dụ, trường hợp nghiên cứu và một số nội dung khác được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. 

Với năng lực truyền thông quốc tế, kiến thức thực tiễn về văn hoá, xã hội Việt Nam và khả năng tiếng Anh tốt, sinh viên có thể làm việc trong môi trường truyền thông quốc tế.

Những sinh viên muốn học cao hơn có thể học tiếp chương trình Thạc sĩ cùng chuyên ngành của Đại học Middlesex.

Thùy Linh