Ngày 20/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam và Trường Trung học Phổ thông Võ Thị Sáu (tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” với sự tham gia của học giả, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng.
Bên lề hội thảo lần này, phóng viên đã trao đổi với cô giáo Lê Thị Thanh Nga về thực trạng dạy và học Lịch sử hiện nay.
Đặc biệt, những kỳ vọng của cô về bộ sách giáo khoa sử học trong chương trình phổ thông mới.
Theo cô Nga, trước đây môn Sử không thu hút được học sinh bởi lẽ trong một thời gian dài chúng ta yêu cầu học sinh ghi nhớ, học thuộc lòng mốc sự kiện, số liệu khiến các em sợ học môn Sử.
Cô giáo Lê Thị Thanh Nga cho rằng: "Lịch sử Việt Nam rất hay, sinh động nhưng cách dạy sử và viết sử khiến học sinh đánh đồng với giáo điều, dạy để biết chứ không dạy để hiểu". |
Không những thế, kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa quá dài và chi tiết khiến học sinh rất vất vả.
“Môn sử hiện nay đã có thay đổi” – cô Nga nói và chia sẻ rằng, xu hướng đổi mới giáo dục hiện nay đang tinh giảm kiến thức, những nội dung mang tính chuyên sâu được giảm bớt.
Điều này giúp giảm tải cho giáo viên và có điều kiện thời gian để tổ chức các hoạt động.
Minh họa thêm về xu hướng dạy sử hiện nay tại trường phổ thông, cô Nga lấy ví dụ, dạy về một cuộc chiến tranh, bây giờ người ta không chú trọng đến diễn biến nữa, học sinh không phải nhớ từng sự kiện diễn ra như thế nào.
Hiện nay bài dạy môn sử phải chú trọng nguyên nhân của cuộc chiến tranh đó, cuộc chiến tranh đó có tác động như thế nào, từ đó học sinh có thể rút ra được những bài học gì?.
Cô Nga cho rằng: “Việc học như vậy học sinh thích thú hơn là việc bắt các em phải ghi nhớ máy móc, đánh ngày nào, giết được bao nhiêu người…
Bởi ghi nhớ diễn biến sự kiện rất vất vả, kể cả giáo viên đứng lớp cũng rất dễ nhầm lẫn.
Việc thay đổi cách dạy đã khiến học sinh không còn quá sợ hãi nữa. Bây giờ, học sinh vui vẻ hơn so với trước”.
Tiếp tục câu chuyện liên quan đến dạy sử ở bậc phổ thông trung học cô giáo Nga cho rằng, sách giáo khoa sử trong chương trình phổ thông mới trước hết cần cập nhật hơn về nhiều vấn đề thời sự để gần gũi với các em.
Rõ ràng, giáo viên sẽ rất khó dạy về cách mạng công nghiệp 4.0 khi mà sách giáo khoa chỉ dừng lại ở năm 2000 như hiện nay.
Thêm nữa, sách giáo khoa phải sinh động hơn, cần có nhiều hình ảnh minh họa. Bởi, một trong những cái khó của môn lịch sử đó là việc hình thành ra biểu tưởng lịch sử. Do đó, hình ảnh sinh động rất cần thiết.
“Tôi nghĩ, bên cạnh bộ sách giáo khoa truyền thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nhiều bộ sách giáo khoa khác để giáo viên và học sinh có nhiều quyền lựa chọn.
Bên cạnh sách giáo khoa truyền thống cũng nên có bộ sách giáo khoa điện tử để giáo viên tham khảo”, cô Nga đề xuất.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tâm sự với sinh viên trường Sao Đỏ về khởi nghiệp |
Một trong những thử thách mới đối với giáo viên phổ thông đó là việc dạy tích hợp liên môn, giáo viên môn lịch sử cũng vậy.
Qua trao đổi với cô Nga có thể hiểu thử thách đối với giáo viên hiện nay đó chính là sự tự tìm tòi, mày mò cách dạy học mới này mà không có một sự hướng dẫn, hỗ trợ nào.
Trên thực tế, lịch sử có thể tích hợp với môn văn, địa lý nhưng mức độ tích hợp như thế nào điều đó tùy thuộc vào sự hiểu biết của giáo viên.
Tâm sự thêm với phóng viên, cô Nga cho biết cô có tham gia chương trình “thầy cô chúng ta đang thay đổi”.
Chương trình này có tư duy giáo dục rất hay đó là việc không chú trọng đến dạy kiến thức trên lớp như thế nào mà chú trọng đến không khí trong lớp học như thế nào?
Hướng tới mục tiêu chung là lớp học thân thiện, học sinh vui vẻ. Cách dạy học này không quá chú trọng truyền thụ kiến thức.
Vì quan điểm, học sinh được tiếp cận kiến thức từ rất nhiều nguồn nên khi đến lớp là để tăng cường giao lưu, học hỏi với thầy cô và bạn bè.
“Tôi tham gia chương trình được 9 tháng và áp dụng vào giảng dạy thấy có tác dụng. Tuy nhiên, tác dụng rất chậm.
Nguyên nhân do phải tuân thủ phân phối chương trình, phải tuân thủ mục tiêu của tiết học nên hiệu quả chưa thấy rõ nét”.
Cuối cùng cô Nga cho rằng: “Lịch sử Việt Nam rất hay, sinh động nhưng cách dạy sử và viết sử khiến học sinh đánh đồng với giáo điều, dạy để biết chứ không dạy để hiểu.
Phân phối chương trình, kiến thức thì nhiều nhưng thời lượng dạy lại ít. Điều này đã tạo áp lực đối với giáo viên và học sinh.
Trong chương trình mới nên có nhiều buổi học ngoại khóa. Những buổi nói chuyện truyền thống, tham quan, dã ngoại tới các địa danh lịch sử.
Ngôn ngữ sách giáo khoa hiện nay thiên về học thuật nhiều quá nên học sinh phải nhớ câu dài. Việc ghi nhớ khó khăn, làm cho các em cảm thấy không hứng thú.
Sách giáo khoa hàn lâm quá, nhàm chán, dưới góc nhìn của nhà viết sách, của thầy cô giáo chứ không phải của học sinh.
Hy vọng sách giáo khóa mới cần tạo ra không gian mở, chỉ cần cung cấp sự kiện lịch sử còn học sinh có không gian để tưởng tượng, để liên tưởng các em thích thú hơn thông qua video, hình ảnh”.
Ngày 20/4, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam kết hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, hội thảo đã thu hút hơn 500 học sinh cùng cán bộ, giáo viên của trường trung học phổ thông Bình Sơn. Tại hội thảo lần này, các em học sinh được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội. Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777, Email: toasoan@giaoduc.net.vn. Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. |