Chúng tôi có cơ hội gặp thầy giáo Bùi Quốc Tuấn, giáo viên môn Hóa học, trường Trung học Phổ thông Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ bên lề cuộc Hội thảo khởi nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tại trường.
Thời điểm này, thầy đang bộn bề với các đề cương ôn luyện môn Hóa cho các em học sinh lớp 12.
Đề cương do thầy biên soạn khiến tôi đặc biệt chú ý khi mỗi trang của bộ đề đều có những khẩu hiệu như: “Biển học mệnh mông lấy chuyên cần làm bến/Vinh quang sự nghiệp lấy chí cả dựng nên”.
Mỗi câu hỏi đều có chú thích chi tiết về dạng bài tập như Câu 2 (phân biệt este của ancol thơm)…Câu 3 (Thủy phân este cho 1 chất tráng bạc)…Câu 4 (Thủy phân este cho 2 chất tráng bạc)…Một sự tỉ mỉ, chi tiết hiếm thấy.
Đi kèm tập bộ đề ôn luyện, một mẩu giấy nhỏ với dòng chữ chép lời giải bài môn Hóa học. Thầy Tuấn tiết lộ với tôi, đó là lời giải thầy xin từ chính học trò của mình. Những cách giải hay của học trò được chính thầy sưu tầm lại để học hỏi.
Thầy Bùi Quốc Tuấn và mẩu giấy chép lời giải hay của học sinh. (Ảnh: Đỗ Thơm) |
Thầy Tuấn cho rằng, dạy học trò kiến thức đã khó nhưng khó hơn là làm sao tiếp lửa, truyền cảm hứng để học trò vào đời có kỹ năng sống, ứng xử tốt.
Thú vị hơn khi chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện không phải về chuyên môn giảng dạy của thầy mà là xung quanh một tin nhắn của học sinh cũ liên lạc vào dịp lễ Tết vừa qua.
Tin nhắn này vẫn được thầy lưu giữ trong điện thoại dù Tết Nguyên đán đã qua hơn 2 tháng.
Theo thầy Tuấn, tin nhắn của học trò cũ làm thầy chiêm nghiệm rất nhiều về ứng xử của học sinh với thầy cô, bạn bè, người thân trong đời đại cách mạng 4.0.
Nội dung tin nhắn của học trò cũ là: “Thầy ơi, e Đạt thầy ạ. Thầy có khỏe k ạ, thầy có bận gì k (không), e điện dk k (được không) thầy?”.
Tin nhắn của học sinh cũ được thầy Tuấn lưu giữ. |
Một tin nhắn tưởng như là rất bình thường, nhưng theo thầy Tuấn, học sinh giờ dùng toàn điện thông minh nhưng không phải ai cũng có kỹ năng để gửi tin nhắn đến thầy cô giáo cũ như tin nhắn của em học sinh này.
Nói đến đây, thầy Tuấn hồi tưởng về cậu học trò cũ từng được mình dạy dỗ trong suốt 3 năm học tập tại trường Trung học Phổ thông Cẩm Khê. Một cậu học trò có hoàn cảnh gia đình mang nhiều ám ảnh với bản thân thầy Tuấn.
Em Đạt là một học sinh giỏi môn Sinh học trong những năm cấp 2. Nhưng hoàn cảnh gia đình lại vô cùng éo le, em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Vì hoàn cảnh gia đình, em chuyển sang học theo khối A để thi vào trường Sỹ quan Lục quân cốt là không tốn chi phí học tập.
Hiểu được hoàn cảnh của Đạt, thầy Tuấn đã mời em vào đội tuyển Hóa học để có thể giúp đỡ, dành nhiều thời gian giúp em trang bị kiến thức tốt nhất thực hiệc ước mơ.
Theo chia sẻ của thầy Tuấn, năm học cấp 3, Đạt đã dành giải Nhì môn Hóa học cấp Tỉnh. Và em cũng đỗ vào trường sỹ quan Lục quân như nguyện vọng.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi quay lại với chủ đề chính là điều gì trong tin nhắn đó khiến thầy Tuấn có ấn tượng sâu sắc đến vậy.
Một tin nhắn từ dịp Tết Mậu Tuất nhưng đến giờ thầy Tuấn vẫn lưu lại trong máy.
Theo thầy Tuấn, tin nhắn đó đầy đủ thông tin, mang hiệu quả liên lạc. Nó còn thể hiện được kỹ năng, thái độ sống của một người trẻ.
Quả thật, so với hàng trăm tin nhắn nội dung rất hay, rất bóng bẩy, hoa mỹ nhưng đều là đi chép, dán, tin nhắn không biết ai gửi, gửi ai thì tin nhắn của cậu học sinh cũ này là một điều khác biệt.
Qua câu chuyện này, thầy Tuấn muốn nhắn gửi đến các bạn học sinh, cách mạng 4.0 mang lại rất nhiều tiện ích, gắn kết các thế hệ học sinh, giáo viên.
Tuy nhiên, dùng điện thoại để chia sẻ các thông tin xấu, các clip bạo lực hay để nhân lên yêu thương, giúp mọi người thực sự gắn bó với nhau đều phụ thuộc vào chính kỹ năng, thái độ sống của chính các em.