Thi đua khen thưởng thì làm sao cho công bằng, khách quan, chính xác?

01/05/2017 06:44
Hữu Sơn
(GDVN) - Có mấy ai, mấy nhà trường lại không thích, không mừng vui khi được khen thưởng, danh hiệu này, kia?

LTS: Bàn về công tác thi đua khen thưởng trong ngành giáo dục, tác giả Hữu Sơn chỉ ra những khó khăn trong việc tìm người xứng đáng một cách khách quan, chính xác.

Tác giả cho rằng việc hạn chế chỉ tiêu khen thưởng của giáo viên là để tránh tình trạng lạm phát danh hiệu nhưng cũng tạo ra những bất cập ở các đơn vị trường học đông cán bộ, giáo viên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm phát các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng khác, sáu, bảy năm nay, các văn bản của các cấp quản lý giáo dục đưa ra quy định, khống chế số lượng, tỉ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục đạt các danh hiệu thi đua (chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp Bộ…) và các hình thức khen khác ở cuối năm không quá 15% tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của mỗi đơn vị. 

Có người cho rằng, quy định, khống chế như vậy là không công bằng, gây thiệt thòi cho những đơn vị có số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên đông (hàng trăm người) và có nhiều thành tích, đóng góp cho hoạt động giáo dục của ngành, địa phương. 

Có giáo viên không đồng tình với quy định bắt buộc, muốn được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng khác, cán bộ, giáo viên, nhân viên đều phải có đăng ký ngay từ đầu năm học, hễ ai làm tốt, đạt thành tích nhiều thì xét và công nhận cho họ là được. 

Những ý kiến, băn khoăn trên, đến nay các cấp quản lý giáo dục vẫn chưa thể giải đáp, trả lời thấu đáo. 

Thi đua khen thưởng làm sao để khách quan, chính xác? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Thi đua khen thưởng làm sao để khách quan, chính xác? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Phải chăng không khống chế số lượng, không có đăng ký thi đua, khen thưởng đầu năm, các cấp quản lý giáo dục chẳng thể kiểm soát nổi “bệnh” sính thành tích của nhiều nhà trường, nhiều cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo? 

Có mấy ai, mấy nhà trường lại không thích, không mừng vui khi được khen thưởng, danh hiệu này, kia?  

So với trước đây, chế độ, mức thưởng theo quy định của Nhà nước hiện hành (cụ thể tại các Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 73, Điều 74, Điều 75, Điều 76 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP) có khá hơn nhiều, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở được 1 hệ số lương (1.210.000 đồng), chiến sĩ thi đua cấp tỉnh được 3 hệ số lương (3.630.000 đồng)… mức thưởng cho các danh hiệu tập thể (tổ, nhà trường) được cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo, cấp tỉnh, cấp Bộ… cũng không đến nỗi thấp. 

Xem qua một vài mức thưởng này, chắc chắn có người sẽ thốt lên, mức thưởng của nhà nước dành cho công chức, viên chức, ngành giáo dục sao mà ít, mà thảm quá vậy? 

Nhưng biết làm sao bây giờ, khi số lượng công chức, viên chức hành chính sự nghiệp cả nước đông đảo gần 3 triệu người; khi kết thúc mỗi năm học, toàn ngành giáo dục có đến hàng trăm ngàn cán bộ, giáo viên, nhân viên được khen thưởng (trong tổng số gần 1,4 triệu giáo viên các cấp học). 

Làm bài toán cộng và nhân sơ bộ, tổng số tiền chi khen thưởng của nhà nước đâu phải nhỏ. 

Thi đua khen thưởng thì làm sao cho công bằng, khách quan, chính xác? ảnh 2

Sự thật “Chiến sĩ thi đua cơ sở”

Cuối tháng 5, đầu tháng 6, các cơ sở giáo dục lại vào mùa làm, tập hợp các loại hồ sơ, biểu mẫu, kê khai minh chứng và tiến hành bình xét các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng cho những tập thể và cá nhân đăng ký đầu năm. 

Có đơn vị, buổi bình xét thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên diễn ra nhẹ nhàng, chóng vánh, vì được quán triệt, chuẩn bị, rà soát, bám vào văn bản, thực tế một cách bài bản, chặt chẽ, công tâm, khách quan. 

Có nhà trường, buổi bình xét khen thưởng, thi đua kéo dài, căng thẳng như dây đàn, biết bỏ ai, để ai khi mọi người thi nhau kể công trạng của mình, khi các bộ phận, giáo viên tung hô các thầy, cô giáo Ban Giám hiệu là xứng đáng nhất, đưa vào đầu danh sách. 

Ở dưới cơ sở xét được nhưng đưa lên cấp trên chưa chắc đã được, đơn vị nào chậm trễ báo cáo hoặc ít tham gia các hoạt động, cuộc thi của Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo là bị cắt ngay danh hiệu, khen thưởng tập thể… 

Về cá nhân đưa lên vượt chỉ tiêu, sáng kiến không đạt yêu cầu hoặc không có thành tích nổi bật cũng bị loại hoặc chuyển sang hình thức khen thấp hơn. 

Thi đua khen thưởng thì làm sao cho công bằng, khách quan, chính xác? ảnh 3

Không thấy Hiệu trưởng đăng ký thi đua, giáo viên thắc mắc sao lại thế?

Công tác ở đơn vị đông người, có thầy, cô giáo đăng ký đến mấy năm mà vẫn chưa được cấp trên công nhận và khen, đâm ra chán nản, mệt mỏi, suy nghĩ khác về phong trào thi đua - khen thưởng của nhà trường, các cấp.

Khen thưởng đâu phải là miếng bánh thơm ngon dễ dàng ban phát cho người này, kẻ kia mà tự mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên cần phải cố gắng, nỗ lực, có những đóng góp, cống hiến thật sự mới mong đạt được.

Tất cả các cơ sở giáo dục lúc nào cũng cần có nhận thức, cách tổ chức, thực hiện đúng đắn để thi đua - khen thưởng luôn là động lực tốt, mọi người cùng thi đua, cùng thắng.

Hữu Sơn