125 Đại biểu Quốc hội không tán thành Luật giáo dục nghề nghiệp

27/11/2014 16:22
Ngọc Quang
(GDVN) - Các dự án luật trình ra Quốc hội thường nhận được sự nhất trí cao, hiếm khi nào có nhiều đại biểu không tán thành như lần biểu quyết này.

Đại biểu thể hiện trách nhiệm với cử tri

Biểu quyết thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp, có 412 đại biểu tham gia; 257 đại biểu tán thành; 125 đại biểu không tán thành; 13 đại biểu không biểu quyết.

Việc có tới 125 đại biểu không tán thành dự luật không phải là chuyện bất ngờ, bởi trước đó, trong phiên thảo luận về Luật Dạy nghề sáng 5/11 có tới 18/20 đại biểu đề nghị khi đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp, cần giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thống nhất về mặt nhà nước, không giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (4 đại biểu gửi ý kiến góp ý).

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) nhận định, việc giao cho bộ nào quản lý phải căn cứ trên chức năng hoạt động của bộ đó. Vì vậy, giao cho Bộ GDĐT quản lý là thống nhất về mặt luật pháp.

“Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải giao cho Bộ LĐ-TB-XH là vì một số lý do, trong đó có việc trước kia Bộ GDĐT quản lý một số ngành nghề chưa tốt. Hiện nay, Bộ GDĐT đang nhiều việc, lại giao thêm giáo dục nghề nghiệp sẽ là gánh nặng. Đó là cách giải tình chưa thực sự thuyết phục. Theo tôi, không thể nói bộ nào nhiều việc hơn bộ nào. Nhiều việc hay ít việc phụ thuộc vào quy mô bộ máy xác định theo chức năng nhiệm vụ được giao. Do vậy không ai có thể nghĩ rằng Bộ GDĐT nhiều việc hay ít việc hơn Bộ LĐ-TB-XH.

Tôi đề nghị Bộ LĐ-TB-XH chỉ là cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ, tương tự như nhiều bộ ngành khác đã và đang thực hiện. Còn việc giúp Chính phủ thống nhất quản lý giáo dục thuộc về chức năng của Bộ GDĐT", bà Diệu nói.

Nhiều Đại biểu Quốc hội không thành thành thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Nhiều Đại biểu Quốc hội không thành thành thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Đồng tình với Đại biểu Diệu, còn có hàng loạt đại biểu khác như Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Lê Trọng Sang (TP.HCM), Âu Thị Mai (tuyên Quang), Trần Thị Hiền (Hà Nam)…

Đáng chú ý, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chỉ rõ, việc mở rộng thay đổi tên sẽ tác động rất lớn đến nhóm đối tượng này, mà thời gian qua dự thảo luật chưa lấy ý kiến rộng rãi, do đó nếu thông qua tại kỳ họp này là chưa phù hợp.

Đại biểu Bé nói thẳng: “Tôi không đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng lĩnh vực này trước kia giao cho Bộ GDĐT thì ít được quan tâm, sau khi giao cho Bộ LĐ-TB-XH thấy phát triển lên. Chúng ta không thể nào so sánh một cách khập khiễng giữa hai thời kỳ khác nhau, sự quan tâm đầu tư của nhà nước khác nhau, vậy làm sao có kết quả giống nhau được. Việc quản lý yếu là do con người chứ không phải do hệ thống giáo dục quốc dân.

Tôi cũng không thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nếu giao cho Bộ GDĐT thì sẽ làm tăng gánh nặng cho bộ này. Bộ GDĐT phải thực hiện chức năng quản lý về giáo dục và đào tạo. Ta không thể nói là gánh nặng thêm mà Bộ Giáo dục buộc phải làm này. Nếu giao cho Bộ LĐ-TB-XH thì không nặng sao? Trong khi bộ này làm rất nhiều việc về an sinh xã hội, lo cho con người từ lúc sinh ra cho tới lúc trở về với đất mẹ. Hiện nay bộ này có nhiều việc làm chưa tốt mà giao thêm việc này nữa thì lẽ nào không nặng? Bộ này sẽ đẻ thêm bộ phận quản lý nhà nước, trong khi Bộ Giáo dục đã có bộ phận quản lý từ lâu.

Nếu quản lý yếu kém thì cần tái cơ cấu con người của ngành giáo dục để tham mưu cho Chính phủ được tốt hơn, chứ không nên cắt từng đoạn của hệ thống giáo dục giao cho từng bộ quản lý. Nếu sau này Bộ LĐ-TB-XH quản lý không tốt thì sẽ giao cho ai quản lý đây?".

Chính phủ làm đầu mối quản lý về mặt nhà nước

Trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết, ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp trình Quốc hội thông qua.

Đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết phải thống nhất một cơ quan đầu mối thay mặt Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc phân công trách nhiệm này cho cơ quan cụ thể nào của Chính phủ thì ý kiến đại biểu còn khác nhau và đề nghị có sự nghiên cứu, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục cân nhắc thận trọng, toàn diện cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đồng thời chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp gửi Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Trong tổng số 336 phiếu thu về, có 114/336 phiếu (chiếm tỉ lệ 34%) nhất trí giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; 99/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 29,4%) đề nghị giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo; 96/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 28,6%) đồng ý giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn và có 27/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 8%) có những ý kiến khác.

Kết quả trên cho thấy ý kiến đại biểu về vấn đề này còn chưa tập trung, không phương án nào được trên 50% đại biểu Quốc hội nhất trí. Lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ đã trao đổi và thấy rằng vấn đề này chưa đủ chín muồi để xem xét sửa đổi trong thời điểm này.

Vì vậy, sau khi trao đổi, thống nhất với các cơ quan liên quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên quy định về vấn đề này như trong Luật dạy nghề hiện hành là: giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này cho phù hợp với yêu cầu điều hành của Chính phủ trong từng thời kỳ. Đồng thời, cần tăng cường vai trò của Bộ quản lý ngành và cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.  

Ngọc Quang