LTS: Cho rằng, Bộ Giáo dục cần phải tính toán một cách chu đáo nhất để chuẩn bị nhằm đáp ứng yêu cầu khi chương trình được áp dụng đại trà, nhà giáo Thanh An đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc chương trình giáo dục phổ thông mới chủ trương xây dựng 2 môn học tích hợp là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều thầy cô giáo và dư luận cả nước trong thời gian qua.
Tại diễn đàn của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều bài viết đi sâu vào phân tích một cách khoa học, lô gíc về những bất cập, khó khăn trong những định hướng xây dựng đội ngũ giáo viên, cách xây dựng các chủ đề tích hợp, các mạch kiến thức của các môn học tích hợp.
Tuy nhiên, khi Bộ đã công bố chương trình môn học chính thức thì có lẽ mọi thứ đã trở thành “pháp lệnh” để toàn ngành tổ chức thực hiện.
Giờ đây, việc cần nhất là chúng ta hướng tới mục tiêu làm thế nào để 2 môn học tích hợp này được thực hiệu quả khi đưa vào áp dụng.
Cần nhanh chóng chuẩn bị tốt cho 2 môn học tích hợp trước khi đưa vào giảng dạy (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Phải nói rằng, việc đưa 2 môn tích hợp vào cấp trung học cơ sở trong thời gian tới chắc chắn ngành giáo dục sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thực sự bởi lâu nay các môn học này đang được dạy đơn môn.
Giáo viên dưới cơ sở cũng chỉ được đào tạo đơn môn và mấy chục năm qua thì thầy cô đã quen với cách dạy cũ.
Khi chủ trương tích hợp các môn học cũng đồng nghĩa là giáo viên phải làm mới lại từ đầu.
Song, với mục tiêu: “Môn học tích hợp giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực, tránh trùng lặp kiến thức, tiết kiệm thời gian cho học sinh, giáo viên, góp phần giảm tải” như thầy Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đã chia sẻ thì việc cần làm bây giờ của Bộ Giáo dục đó là phải tính toán một cách chu đáo nhất để chuẩn bị nhằm đáp ứng yêu cầu khi chương trình được áp dụng đại trà. Theo chúng tôi Bộ cần làm tốt những vấn đề sau đây:
Thứ nhất: giáo viên dưới cơ sở phần lớn vẫn còn rất mơ hồ, bối rối cho việc chuẩn bị dạy các môn học tích hợp.
Vì thế, những ý kiến bàn luận về vấn đề này rất nhiều. Nhưng, đa phần họ vẫn lo lắng sẽ khó khăn đảm nhận được việc dạy các môn tích hợp.
Chính điều này đặt ra vấn đề là tư tưởng, tinh thần của giáo viên chưa được thông suốt.
Việc của Bộ và ngành giáo dục địa phương bây giờ là phải làm công tác tư tưởng để giáo viên yên tâm, chú trọng vào công việc tương lai của mình.
Đồng thời, giúp họ có những định hướng để chuẩn bị, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trước khi thực hiện.
Tích hợp sẽ giảm tải hay lại tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh? |
Thứ hai: Sách giáo khoa của chương trình lớp 6 sẽ được thực hiện vào năm học 2021- 2022, nghĩa là chúng ta còn hơn 2 năm nữa sẽ áp dụng.
Thời gian này, Bộ cần có những chủ trương để đào tạo giáo viên 5 phân môn hiện hành một cách chu đáo và bài bản nhất.
Việc tập huấn phải được làm đồng bộ, sâu sát, tránh tình trạng tập huấn như lâu nay mà điển hình nhất là chương trình VNEN.
Lãnh đạo tập huấn sơ sài, manh mún, qua nhiều cấp nên khi giáo viên về thực hiện trên lớp thường gặp rất nhiều những khó khăn, bất cập. Từ đó dẫn đến sự chán nản, dao động và phản đối.
Vì vậy, việc tập huấn tới đây cần thiết phải được tập huấn tập trung do các Sở chủ trì, không nên chỉ chú trọng tập huấn cho đội ngũ cốt cán rồi về trường nói qua loa dăm bảy điều vô thưởng vô phạt, máy móc, chủ quan.
Thứ ba: Sau khi tập huấn, bồi dưỡng tập trung, Bộ vẫn cần có những lắng nghe, chỉnh sửa nội dung, phương pháp cho phù hợp.
Những tài liệu tập huấn, những bài giảng mẫu cần thiết phải đưa lên Website của Bộ để làm tư liệu.
Những vướng mắc, khó tháo gỡ của giáo viên sẽ được giải đáp khi họ có thể tham khảo từ những tài liệu này. Điều quan trọng là giáo viên phải làm chủ được kiến thức của bài mình dạy.
Thứ tư: Việc Bộ hướng tới việc phát triển năng lực của học sinh là học xong thì các em sẽ làm được gì nên vấn đề cốt lõi là phải triệt tiêu được việc học thuộc lòng.
Tránh tình trạng thầy cô trả bài thì học sinh đọc lại những gì thầy cô cho ghi chép.
Như vậy, chỉ là thói học vẹt, học theo kiểu mì ăn liền mà cuối cùng học sinh vẫn lơ mơ về các kiến thức mình đã học.
Muốn tránh được tình trạng này thì việc đầu tiên là bỏ được tình trạng bệnh thành tích, áp đặt chỉ tiêu đầu năm.
Giáo viên phải được cởi trói về mặt hành chính, tránh tình trạng cấp trên về kiểm tra soi từng hoạt động trên giáo án của giáo viên.
Khi dự giờ, cần thiết tránh tình trạng đánh giá người thầy như hiện nay. Bởi, đánh giá như hiện nay thì việc “diễn” vẫn lặp lại.
Vì thế, việc đánh giá khi dự giờ cần thiết phải hướng vào học sinh về cách tiếp cận, tinh thần xây dựng bài. Và, mấu chốt là học sinh tiếp thu được cái gì cho bài học đó.
Các thành viên trong Ban Giám hiệu nhà trường cũng cần thiết tập huấn về các môn tích hợp để có sự chỉ đạo, định hướng cùng với các tổ chuyên môn.
Thực tế, lâu nay các thành viên Ban Giám hiệu rất ít tập huấn chuyên môn nên khi giao nhiệm vụ rất mơ hồ về chuyên môn nhưng lại cứ áp đặt về chỉ tiêu.
Khi dự giờ, góp ý cũng chỉ đóng góp những ý kiến chủ quan theo kinh nghiệm mà chưa nắm được bản chất môn học đó đã có những thay đổi như thế nào.
Thứ năm: Khi xác định học sinh là trung tâm thì phải tạo cho học sinh là trung tâm của các hoạt động dạy học.
Học sinh phải chuẩn bị, xây dựng bài như những gì định hướng của giáo viên. Nếu các em lơ là trong học tập, không có động lực học tập thì điều phải làm đó là cho giáo viên được đánh giá, xếp loại học sinh một cách chính xác. Nếu cần cho học sinh lưu ban.
Môn tích hợp có tước đi cơ hội có thầy giỏi, trò giỏi không? |
Tránh tình trạng giáo viên dạy học trò mà không có quyền đánh giá, xếp loại theo ý mình, không được cho học sinh lưu ban như hiện nay.
Thứ sáu: Trước khi áp dụng đại trà môn tích hợp thì ngành giáo dục địa phương cần chủ trương xây dựng một số tiết dạy học theo chủ đề liên môn đã có sẵn trong chương trình khi tập huấn.
Đồng thời, phải nhanh chóng bồi dưỡng để giáo viên có thể làm chủ được cả môn tích hợp.
Chứ : “Giáo viên các môn độc lập hiện nay sẽ vẫn dạy các phần độc lập, còn chủ đề chung sẽ do nhóm/tổ giáo viên cùng thiết kế.
Chủ đề nghiêng về môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, các giáo viên khác hỗ trợ” như thầy Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ giáo dục và Đào tạo vừa chia sẻ trong buổi công bố chương trình môn học vừa qua thì không ổn chút nào.
Bởi, nó sẽ tạo ra vô vàn bất cập trong kiểm tra, xếp loại, xếp thời khóa biểu cho từng lớp, từng giáo viên giảng dạy các môn này.
Có lẽ, thời điểm này, điều giáo viên và ngành giáo dục hướng tới là việc triển khai xây dựng các bộ sách giáo khoa, các nội dung môn học tích hợp phù hợp, làm tốt công tác tư tưởng và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên 5 phân môn hiện tại và 2 môn tích hợp trong tương lai thật chu đáo, bài bản. Nếu không, những khó khăn, bất cập sẽ tiếp tục xảy ra khi áp dụng đại trà.