5 đợt 8 ngày tập huấn liệu có cho ra lò lứa “giáo viên tích hợp”?

03/06/2018 08:25
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Điều chúng tôi trăn trở nhất là kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Trung học cơ sở, trong đó có giáo viên dạy các môn “tích hợp”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch số 270/KH-BGDĐT về việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Kế hoạch do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký cho thấy sự sát sao của Bộ đối với việc đổi mới giáo dục trong những năm tới đây. 

Tuy nhiên, điều chúng tôi trăn trở nhất là kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Trung học cơ sở, trong đó có giáo viên dạy các môn “tích hợp”. 

Liệu sau 5 đợt tập huấn trong 5 năm, mỗi đợt 8 ngày thì giáo viên dạy các môn học này có làm chủ được chương trình, sách giáo khoa mới hay không?

Nếu không, việc đưa vào dạy những môn “tích hợp” ở cấp học này sẽ đi về đâu?

8 ngày tập huấn ở trung ương, còn địa phương là bao nhiêu ngày?

Theo Kế hoạch 270/KH-BGDĐT thì trong những năm tới, Bộ sẽ tiến hành bồi dưỡng giáo viên cốt các môn học ở trung ương và số lượng giáo viên cốt cán của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyển chọn 3 giáo viên/môn học/cấp học. 

Hình minh họa hoạt động tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguồn: moet.gov.vn.
Hình minh họa hoạt động tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguồn: moet.gov.vn.

Cụ thể, cấp trung học cơ sở được thực hiện như sau: 

“Lớp 6: 33 giáo viên (03 giáo viên/môn x 11 môn); Lớp 7: 33 giáo viên (03 giáo viên/môn x 11 môn); Lớp 8: 33 giáo viên (03 giáo viên/môn x 11 môn); 

Lớp 9: 33 giáo viên (03 giáo viên/môn x 11 môn). Tổng cộng 4 khối lớp: 132 giáo viên.Thời lượng và lộ trìnhgiáo viên cốt cán THCS được bồi dưỡng 5 đợt (từ năm 2019 đến năm 2023)” [1].

Điều chúng tôi băn khoăn trong Kế hoạch này về số lượng giáo viên cốt cán cấp Trung học cơ sở là 33 giáo viên hay là 132 giáo viên. 

Bởi hướng dẫn không rõ ràng và có phần mâu thuẫn, ở trên thì nói: “tuyển chọn 3 giáo viên/môn học/cấp học” tức là cấp Trung học cơ sở có 4 khối lớp và mỗi khối lớp có 11 môn học và 11 môn học này được duy trì xuyên suốt cả 4 năm. 

Nhưng ở dưới lại ghi: “Tổng cộng 4 khối lớp: 132 giáo viên”

Như vậy, không biết là sẽ điều 132 giáo viên hay là 132 lượt giáo viên?

Theo cách hiểu của chúng tôi thì chắc là 33 giáo viên sẽ phù hợp hơn, bởi vì chương trình mới sẽ triển khai theo cách cuốn chiếu mỗi năm một lớp từ lớp 6 đến lớp 9. 

5 đợt 8 ngày tập huấn liệu có cho ra lò lứa “giáo viên tích hợp”? ảnh 2

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn có dạy được Vật lý, Hóa học không? Nếu không, đừng ép

Và chỉ có thể là 33 giáo viên mới có thể lĩnh hội xuyên suốt chương trình của cả cấp học.

Từ những giáo viên cốt cán này còn về tập huấn lại cho giáo viên địa phương, chứ nếu cũng là môn học đó mà mỗi khối lớp 3 giáo viên riêng biệt thì làm sao đáp ứng được tính hệ thống cho cấp học?

Theo lộ trình thì cấp Trung học cơ sở sẽ áp dụng sách giáo khoa lớp 6 của chương trình mới vào dạy đại trà từ năm học 2020-2021. 

Để giảng dạy chương trình mới thì từ năm 2019 Bộ tiến hành bồi dưỡng cho giáo viên cấp học này. Điều này cũng đồng nghĩa các môn học, cũng như 2 môn “tích hợp” của lớp 6 sẽ có 2 đợt tập huấn là 16 ngày. 

Những môn học khác thì về cơ bản vẫn giống với chương trình, sách giáo khoa hiện hành nên việc tập huấn chủ yếu là thiên về phương pháp, không mấy khó khăn. 

Nhưng với môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử Địa lí thì khoảng thời gian ngắn ngủi bồi dưỡng như vậy liệu có đào tạo nên những thầy cô “tích hợp”?

Theo biên chế số tiết của chương trình giáo dục phổ thông mới thì môn Khoa học tự nhiên là 140 tiết/lớp/năm; môn Lịch sử và Địa lý là 105 tiết/lớp/ năm. 

Thử hỏi khoảng thời gian tập huấn 2 đợt với 16 ngày làm sao Bộ có thể tập huấn cho giáo viên đang dạy Lý có thể dạy được cả Hóa, Sinh, giáo viên Sử có thể dạy được Địa và ngược lại?

Nhất là đa phần giáo viên đã có hàng chục năm chỉ chuyên giảng dạy 1 chuyên ngành bây giờ lại bắt đầu đi học lại từng công thức, từng khái niệm của môn khác thì chắc gì giáo viên có thể nắm được kiến thức của môn học mà mình không được đào tạo chuyên sâu ở các trường sư phạm? 

Và cứ thế, mỗi năm có 1 đợt tập huấn 8 ngày cho một khối lớp…

Chúng tôi xin nhấn mạnh lại là 8 ngày cho 1 đợt tập huấn “ở trung ương” còn khi về địa phương thì chắc chắn thời gian tập huấn sẽ còn bị rút ngắn lại. 

Lâu nay, phương châm tập huấn cho giáo viên là cứ tập huấn ở trung ương 1 tuần thì về sở giáo dục còn 3-5 ngày, về phòng giáo dục là 1 ngày. 

Tập huấn mô hình trường học mới VNEN, ảnh: http://c1dongthanh3.anminh.edu.vn/
Tập huấn mô hình trường học mới VNEN, ảnh: http://c1dongthanh3.anminh.edu.vn/

Thôi thì cứ cho rằng là đây là tập huấn quan trọng cho chương trình mới thì giỏi lắm về địa phương cũng chỉ còn được 5 ngày. 

Và điều dĩ nhiên ai cũng biết là tập huấn ở Bộ 10 thì về Sở may ra còn 7, về đến Phòng may ra còn 5….

Thời gian ngắn ngủi như vậy mà lại kéo dài cho 5 đợt tập huấn trong thời gian 5 năm thì giáo viên còn lại gì để truyền đạt cho học sinh? 

Nhất là giáo viên dạy Khoa học tự nhiên lâu nay chỉ đảm nhận 1 môn, bây giờ “tích hợp” theo 2  môn nữa thì không biết “tích hợp” được cái gì trong 5 năm tới để lĩnh hội hết các ý tưởng của các chuyên gia tích hợp nước nhà?

Nói thật lòng, dù có lạc quan đến đâu thì phần lớn những người đã và đang quan tâm đến giáo dục nước nhà cũng không tin 2 môn học “tích hợp” ở cấp trung học cơ sở sẽ suôn sẻ và hiệu quả như những gì mà thầy Tổng chủ biên và các thầy soạn thảo chương trình môn học đang kì vọng. 

Thời gian qua, Bộ đã tiến hành thực nghiệm, trong đó có 2 môn học “tích hợp” và đã có những đánh giá, nhận định tương đối khả quan;

Nhưng có lẽ dư luận vẫn hoài nghi về việc thực nghiệm của Bộ, cho dù thầy Tổng chủ biên đã rào đón khi chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam: “Thực sự chúng tôi không vẽ ra để tự khen mình”.

Tại sao không công bố các nội dung "mới" đã đem thực nghiệm?

Đánh giá quá trình thực nghiệm, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết: 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình tổng thể, ảnh: Xuân Trung.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình tổng thể, ảnh: Xuân Trung.

“Thực nghiệm chương trình môn học là một khâu cần thiết phải làm trong việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông.

Còn đối với các tác giả sau này bắt tay vào viết sách giáo khoa thì lúc đó phải tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa.

Thực nghiệm chương trình nhằm thực nghiệm những nội dung mới, những phương pháp dạy học mới, phương thức đánh giá mới…

Mục tiêu để đánh giá những cái mới này có khả thi hay không? Tác động của cái mới này đến giáo viên, học sinh như thế nào?...” [2]. 

Vậy, không biết những cái “mới” đây như thế nào? Ví như “nội dung mới, những phương pháp dạy học mới” mà Ban soạn thảo chương trình môn học công bố luôn cho dư luận thì tốt biết mấy? 

Hoặc nếu không công bố cho báo chí thì trên Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải vài tiết dạy thực nghiệm và nội dung “mới” của các môn tích hợp thì có phải giải tỏa được những hoài nghi của dư luận hay không? 

Điều giáo viên vẫn băn khoăn là tới đây giáo viên sẽ dạy môn học “tích hợp” như thế nào. Thực tế chương trình VNEN cũng đã có môn học này và hiện vẫn là 3 giáo viên đảm nhận 3 phân môn.

Chúng tôi được biết, sau thời gian thực nghiệm 1 tháng, môn Khoa học tự nhiên được thực nghiệm 38 tiết/ trường và thực nghiệm tại 18 trường của 6 tỉnh. 

Đánh giá quá trình thực nghiệm, phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn- Chủ biên môn Khoa học tự nhiên đã chia sẻ với báo chí như sau: 

“Đúng là giáo viên có những tâm tư lo lắng nhưng khi được giải thích một cách khoa học, ngọn ngành thì anh em rất phấn khởi”;

“Cách dạy học tích hợp không phải là giáo viên này dạy một phần, giáo viên kia dạy một phần, cái nào cũng mờ mờ, mà sẽ là từ kiến thức này để học kiến thức kia. Như kiến thức Hóa học được vận dụng trong Sinh học.

Như vậy, có những bài giáo viên dạy chính Vật lý sẽ thuận lợi hơn, có bài thì giáo viên Hóa học thuận lợi hơn,…Nhưng không có chuyện một bài mà 3 giáo viên cùng lên lớp” [3].

Vậy rốt cuộc các môn "tích hợp" ở cấp Trung học cơ sở tới đây vẫn môn ai người ấy dạy hay 2-3 thầy chung 1 sách? Chủ trương là 1 sách 1 thầy nhưng thực tế và tương lai sẽ bồi dưỡng như vậy thì liệu 1 thầy có cáng đáng được 2-3 phân môn hay không? 

Cho dù giáo thầy Tuấn –Chủ biên môn Khoa học tự nhiên nói là “anh em rất phấn khởi” khi thực nghiệm còn giáo viên chúng tôi đang rất “tâm tư lo lắng” bởi chưa hình dung được những tiết thực nghiệm vừa qua như thế nào?!

Tài liệu tham khảo:

[1]https://bigschool.vn/ke-hoach-dao-tao-boi-duong-giao-vien-thuc-hien-chuong-trinh-sach-giao-khoa-moi-2018-2023

[2]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/that-bai-hay-thanh-cong-khi-thuc-nghiem-chuong-trinh-deu-co-ich-20180423101954688.htm

[3]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/co-gi-sau-1-thang-thuc-nghiem-chuong-trinh-pho-thong-moi-445164.html

Nguyễn Nguyên