LTS: Xung quanh vấn đề 2 môn học “tích hợp” bậc trung học cơ sở trong chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy giáo Nhật Khoa chia sẻ góc nhìn của mình về 5 điều kiện cơ bản của 2 môn “tích hợp” mới đều không có, do đó nên dừng phương án này.
Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi, văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Việc thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đang ở giai đoạn rất gấp rút;
Nếu không có gì thay đổi thì chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được triển khai theo hình thức “cuốn chiếu” bắt đầu từ năm học 2019 – 2020 ở lớp 1, 2020 – 2021 ở lớp 2 và 6, 2021 – 2022 ở lớp 3,7,10,…đến năm 2025 thì thực hiện được ở tất cả các lớp trong cả nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lộ trình trong khi chương trình mới được thông qua bất chấp thực tế còn rất nhiều ý kiến băn khoăn về nội dung, cách bố trí chương trình, tên gọi các môn học, đào tạo giáo viên, cơ sở vật chất, thử nghiệm chương trình, đánh giá tổng thể chương trình,…
Trong phạm vi bài viết tôi xin bàn sâu về bất cập ở 2 môn “tích hợp” là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở, mà theo chúng tôi thì khi áp dụng sẽ là một “thảm họa” cả về phía người dạy lẫn người học.
Để chuẩn bị cho 2 môn "tích hợp" trong chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tập huấn dạy học tích hợp liên môn (Lý - Hóa - Sinh / Khoa học tự nhiên; Sử - Địa / Lịch sử và Địa lý) trong khi chương trình, sách giáo khoa 2 môn "tích hợp" này chưa có. Ảnh minh họa một buổi tập huấn tích hợp liên môn tại trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân năm 2016, nguồn: thpt-btxuan.thuathienhue.edu.vn. |
Đây là 2 môn học hiện nay chưa biết dạy theo kiểu gì, kiểu “1 sách 3 môn, 3 thầy” hay “1 thầy dạy 3 môn trong 1 sách”.
Dạy và học kiểu nào thì 2 môn “tích hợp” này cũng không phù hợp tình hình giáo dục nước ta và nó bộc lộ sự “lúng túng” từ lúc hình thành ý tưởng đến khi biên soạn, thử nghiệm rồi triển khai đại trà.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tổng chủ biên các bộ môn, đang quyết tâm phải thực hiện chương trình các môn tích hợp, nhất là môn tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí bậc trung học cơ sở theo kiểu “năm không”.
Thứ nhất, không có tổng chủ biên bộ môn “tích hợp” thực thụ
Thật ra thì trong “biên chế” ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Khoa học tự nhiên bậc trung học cơ sở có tổng chủ biên bộ môn là phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn.
Nhưng theo chúng tôi được biết là ông là tiến sĩ chuyên ngành Sinh học, nay được phân công làm Tổng chủ biên bộ môn Khoa học tự nhiên là một điều bất cập.
Chúng tôi không rõ thầy Mai Sĩ Tuấn còn nhớ được bao nhiêu kiến thức cơ bản của bậc phổ thông của 2 bộ môn Vật lý, Hóa học mà đảm nhận vai trò tổng chủ biên môn Khoa học tự nhiên?
Phó giáo sư Mai Sĩ Tuấn có thể thuộc các công thức và giải các bài toán vật lý, hóa học cơ bản chứ chưa cần đến nâng cao ở cấp trung học cơ sở không? Thầy sẽ “tích hợp” 3 môn này lại như thế nào?
Phó giáo sư có thể đứng lớp giảng dạy bộ môn Vật lý, Hóa học ở bậc trung học cơ sở hay không?
Nếu không, vậy phải chăng 1 môn Khoa học tự nhiên sẽ có tới 3 vị chủ biên, gồm một tổng chủ biên kiêm chủ biên phần Sinh học là thầy Mai Sỹ Tuấn, 2 vị chủ biên / phó tổng chủ biên còn lại phụ trách phần Hóa học, Vật lý?
Báo cáo viên tập huấn lập kế hoạch dạy học tích hợp liên môn Sinh - Lý - Hóa, ảnh minh họa một buổi tập huấn tích hợp liên môn tại trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân năm 2016, nguồn: thpt-btxuan.thuathienhue.edu.vn. |
Cũng như vậy, môn “tích hợp” Lịch sử và Địa lý thì Tiến sĩ Phạm Hồng Tung phụ trách phần Lịch sử, và một người khác phụ trách phần Địa lý.
1 môn mà có tới 2, 3 chủ biên và phần của ai người ấy viết. Ai là người có đủ khả năng, trình độ “tích hợp”, dung hòa 2 phần này vào 1 chủ đề và thị phạm cho giáo viên?
Quý thầy biên soạn có thể việc ai người nấy làm, nước sông không phạm nước giếng cũng chẳng sao.
Còn giáo viên chúng tôi khi dạy còn gặp rất nhiều vấn đề khác như phân công ra đề, vào điểm, hội họp,…cho tới công thức tính điểm, đánh giá chất lượng khi phải dạy môn “tích hợp” 1 sách 2 - 3 thầy.
Khi nào có 1 Tổng chủ biên đủ sức “tích hợp” 2, 3 môn này lại thành môn học đúng nghĩa, do 1 người chỉ huy biên soạn và chịu trách nhiệm thực nghiệm, thực chứng tính ưu việt vượt trội của “tích hợp” 2, 3 môn lại với nhau, thì hãy nói đến việc cho học sinh học các môn “tích hợp”.
Còn bây giờ xin quý thầy hãy cho dừng lại!
Thứ hai, không có giáo viên “tích hợp”
Hiện tại chưa có bất kỳ giáo viên nào “tích hợp” và chắc chắn trong vòng 5 năm tới cũng chưa thể ra đời được giáo viên tích hợp được.
Tây tích hợp, ta ghép môn |
Chúng tôi nghĩ, xa hơn cũng không thể có bất kỳ giáo viên tích hợp thực thụ nào được kể cả có đưa đi đào tạo để nắm vững, chuyên sâu cả 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hay 2 môn Lịch sử, Địa lý.
Trước đây trong thời kỳ đất nước khó khăn, sau 1954, tình trạng thiếu giáo viên khá trầm trọng so với nhu cầu thực tiễn đã dẫn đến việc đào tạo giáo viên dạy 2 môn Văn - Sử, Toán - Lý, Hóa - Địa, Sinh - Hóa, Sinh - Địa.
Nhưng chất lượng giáo viên dạy 2 môn này thế nào vẫn là điều cần bàn.
Khi kinh tế đất nước được cải thiện, thì các trường sư phạm đã bỏ hình thức đào tạo ghép này. Và ngành sư phạm ngày một rớt giá, chưa biết khi nào thoát khỏi bi kịch “chuột chạy cùng sào”.
Theo các nhà làm chương trình, khi áp dụng chương trình mới tạm thời 1 bộ môn sẽ do 3 giáo viên dạy, giáo viên dạy môn nào sẽ dạy phần đó, vậy thì tích hợp kiểu gì “lạ lùng” thế quý thầy?
Nhưng phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn lại nói đó là một môn học, không phải ghép cơ học 3 môn lại với nhau. Giời ạ, một môn mà do ba giáo viên dạy thì không phải lắp ghép cơ học thì là gì thưa phó giáo sư?
Ở đâu trên thế giới có kiểu tích hợp “lạ lùng” kiểu 1 sách 3 môn do 3 thầy dạy thế thưa quý thầy? Đây được coi là môn “tích hợp” sao quý thầy? Quý thầy có lường trước khó khăn, phức tạp, rối rắm và “kỳ cục” không quý thầy?
Để khỏa lấp môn “tích hợp” quý thầy có ý định đưa đi đào tạo giáo viên “tích hợp” kiểu giáo viên môn Sinh thì đạo tào thêm môn Lý, Hóa và ngược lại, với số tiết cụ thể 300 tiết/ môn để trở thành giáo viên “tích hợp”.
Quý thầy nghĩ sao về vấn đề này, ví dụ như giáo viên đơn môn Sinh đi học thêm 2 đơn môn nữa là Hóa, Lý thì trở thành giáo viên “tích hợp”, có phải là một sự “nhảm nhí” không thưa quý thầy?
Giáo viên “tích hợp” được đào tạo “dễ dãi” thế sao?
Giảng dạy 1 môn trong nhà trường cho “ra hồn” đã là cả một vấn đề với chương trình nặng trịch và cung cách quản lý giáo viên bằng đống sổ sách giấy tờ như núi, nay lại phải “học thêm” 300 tiết để tích hợp.
Như thế là “cưỡi tên lửa xem hoa” chứ học hành kiểu gì? Quý thầy, quý Bộ hãy nhìn lại sự thất bại của Đề án Ngoại ngữ 2020 để tự rút ra bài học cho việc đào tạo “giáo viên tích hợp”.
Thứ ba, không có thử nghiệm chương trình, sách giáo khoa tích hợp
Chương trình, sách giáo khoa mới đang đi theo vết xe đổ VNEN? |
Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị thực hiện chương trình sách giáo khoa mới mà hoàn toàn không có thử nghiệm bài bản, khoa học.
Cho đến nay ngoài ban phát triển chương trình, không ai biết quý thầy đã “thực nghiệm” những cái mới này ra sao, đặc biệt là thực nghiệm “tích hợp” ở bậc trung học cơ sở.
Người phụ trách chương trình đào tạo giáo viên, cán bộ cho chương trình mới thì tiết lộ, cái mới là “tên gọi”, còn thực ra các vấn đề của chương trình mới thì giáo viên “không lạ gì”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết từng nói đại ý, cho học sinh sử dụng sách giáo khoa chưa qua thẩm định, khác nào sử dụng thuốc chưa qua kiểm định của Bộ Y tế cho con người.
Vậy ai thực nghiệm, ai thí điểm và ai thẩm định 2 môn “tích hợp” mới này? Không ai cả. Ai chịu trách nhiệm nếu 2 môn “tích hợp” này thất bại? Cũng chẳng có ai cả.
Thứ tư, không có sách giáo khoa “tích hợp”
Hiện tại chắc chắn chưa thể nào có sách giáo khoa “tích hợp” môn Khoa học tự nhiên hay Lịch sử và Địa lí, vì các nhà làm sách chưa biết chương trình 2 môn này có được chính thức thông qua hay không, nên không thể viết sách giáo khoa được.
Tất nhiên chúng tôi nhận định như thế là dựa vào "quy trình", tạm loại trừ trường hợp như chương trình sách giáo khoa 2000, trong đó chương trình chỉ làm bình phong cho dự án chứ không có giá trị chỉ đạo nội dung viết sách giáo khoa.
Riêng môn Khoa học tự nhiên, có thể dịch lại một số cuốn sách Khoa học / Khoa học tự nhiên như nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Thủy giới thiệu, nhưng giả sử có phương án ấy thì trước tiên phải giải quyết vấn đề bản quyền.
Còn phương án hiện nay vẫn là 3 thầy soạn 3 môn nằm trong 1 sách cho 3 người dạy. Đó không phải tích hợp, càng không phải 1 môn học.
Sau đó quan trọng hơn là phải giải trình tại sao lại kéo dài Khoa học thường thức đến cấp 2, khi Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã kết thúc môn học sơ đẳng này ở bậc tiểu học?
3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ được dạy ở bậc trung học phổ thông như thế nào, nếu bỏ hệ thống kiến thức chuyên môn, định lượng rõ ràng 3 môn này ở bậc trung học cơ sở?
Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm |
Còn riêng vụ “tích hợp” Lịch sử với Địa lí, quả thực chúng tôi chưa thấy bất kỳ phương án “tích hợp” thực sự nào, ngoài gán ghép cơ học chúng với nhau, và không thể coi nhét 2 môn vào 1 sách là “tích hợp”.
Theo chương trình môn Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở, sách giáo khoa vẫn được soạn thành 3 phần riêng biệt là Vật lý, Hóa học, Sinh học do 3 giáo viên đơn môn dạy.
Bây giờ bắt các giáo viên đơn môn trên đi học thêm các phần khác để thành giáo viên “thập cẩm”, sau đó hoàn tất việc học thì về cơ sở vẫn dạy theo sách giáo khoa vẫn là 3 phần riêng biệt như trên, thì tích hợp ở chỗ nào thưa quý thầy?
Ngoài việc giáo viên khó có thể dạy, học sinh khó học và tiếp thu, chúng tôi là các giáo viên đứng lớp, chúng tôi thầy còn “hàng hà sa số” các bất cập khác như việc vào điểm, cho điểm, cho đề và chấm bài kiểm tra và thi, vào phần mềm, họp tổ, sinh hoạt chuyên môn, dự giờ,…
Thứ năm, không có người chịu trách nhiệm
Theo tính toán của quý thầy, ngân sách quốc gia và túi tiền cha mẹ học sinh sẽ phải tốn khoảng bao nhiêu tiền để thực hiện việc thay đổi đó thưa quý thầy?
Nguồn tiền từ ngân sách nhà nước cho dù là đi vay, ai sẽ là người trả nếu không phải là người dân - cha mẹ học sinh, thưa quý thầy?
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về thất bại của chương trình, sách giao khoa mới khi chúng ta đang làm theo kiểu “năm không” này.
Chúng tôi là giáo viên không thể hiểu nổi quý thầy dự kiến đưa vào môn “tích hợp” kiểu nhồi 2, 3 môn vào 1 sách để làm gì.
Giáo viên giỏi hơn thì không phải rồi, học sinh học giỏi thêm thì chắc cũng không phải vì học sinh chỉ học giỏi khi được học chuyên sâu từ giáo viên có trình độ chuyên ngành chứ không phải từ giáo viên “thập cẩm” này.
Vì lý do gì thưa quý thầy? Chúng tôi là giáo viên trực tiếp giảng dạy các em chúng tôi có quyền được biết, mong các thầy chứng minh cho xã hội thấy cơ sở khoa học, thực tiễn và mục tiêu của việc nhồi 2, 3 môn vào 1 sách.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiêm Trưởng ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cùng ban phát triển chương trình có dám cam kết trước Quốc hội, nhân dân cả nước, sẽ chịu trách nhiệm như thế nào nếu các môn “tích hợp” thất bại không?
Quan trọng hơn, cho dù quý thầy có “hứa” chịu trách nhiệm về hình chính hay hình sự đi nữa, nhưng nếu không đưa ra được cơ sở khoa học, bằng chứng thực nghiệm cho những cái “mới” của chương trình, khi triển khai thất bại thì hậu quả nặng nề, dân tộc lại mất đi một cơ hội, ai sẽ gánh nổi trách nhiệm này?
Bởi vậy chúng tôi cho rằng bây giờ dừng lại vẫn còn kịp, thưa quý thầy!
Vì hàng triệu giáo viên, hàng triệu học sinh, vì tương lai của đất nước hy vọng Bộ trưởng - Trưởng ban chỉ đạo, Tổng chủ biên, chủ biên các chương trình hãy cầu thị;
Xin hãy lắng nghe, sẵn sàng trao đổi làm rõ các vấn đề còn tranh cãi, chỉ thực hiện chương trình khi đã thực nghiệm và chứng minh được tính khoa học, hiệu quả của nó một cách khách quan minh bạch.