Bí thư Thăng: Sinh viên ra trường được doanh nghiệp chấp nhận là mục tiêu số 1

22/02/2017 07:20
Phương Linh
(GDVN) - Theo Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, quan trọng nhất là sinh viên khi ra trường phải được thị trường, doanh nghiệp chấp nhận, chứ không cần trọng điểm.

Ngày 21/2, Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã dẫn đầu đoàn công tác lãnh đạo thành phố đến thăm, làm việc với Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Đông Phong – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh nêu đề xuất, thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, chọn vài trường Đại học có chất lượng tốt, uy tín trong và ngoài nước để đầu tư có trọng điểm, tạo điều kiện đạt chuẩn khu vực và quốc tế trong vòng từ 5 – 10 năm tới.

Nghe thấy vậy, Bí thư Đinh La Thăng đã đề nghị GS.TS. Nguyễn Đông Phong cần nêu ra trường nào, ngành nghề nào để có phương án cụ thể, thì ông Phong đã khẳng định rằng, các ngành nghề mà các trường ở thành phố có thể đáp ứng được là kinh tế, quản trị kinh doanh, cơ khí, xây dựng.

Là một trong những trường trọng điểm để đào tạo ra cán bộ pháp luật cho khu vực phía Nam, GS.TS. Mai Hồng Qùy – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh cho rằng, về mặt pháp lý thì có 3 trường được công nhận là trọng điểm, đủ điều kiện để đầu tư thành trường trọng điểm.

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biểu kết luận buổi làm việc (Ảnh: N.D)
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biểu kết luận buổi làm việc (Ảnh: N.D)

Cũng theo GS.TS. Mai Hồng Qùy, nói là trường trọng điểm là để Nhà nước lựa chọn đầu tư tập trung. Ví như tại Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, nếu tiến tới tự chủ, thu học phí theo quốc tế ở mức vài chục triệu đồng mỗi năm học, thì sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bởi lẽ, GS.TS. Mai Hồng Qùy lý giải, hiện học phí của trường chỉ khoảng 6 triệu đồng (300 USD), mà sinh viên của trường có đến 80% đến từ vùng sâu, vùng xa, những địa phương còn nhiều khó khăn, nếu học phí quá cao thì sẽ việc đào tạo cho các vùng miền sẽ bị ảnh hưởng.

Ở tại các trường thuộc khối sư phạm, tự chủ sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn, vì họ hầu như không dám “buông bầu sữa mẹ”. Nếu tự chủ, thu học phí cao, giáo viên ra trường thì lương thấp sẽ không ai dám bước chân vào ngành sư phạm.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nêu quan điểm: Sinh viên ra trường cần phải được thị trường, doanh nghiệp chấp nhận là số 1, còn việc trường trọng điểm hay không thì không quan trọng.

Từ thực tế đã chứng minh, các trường được tự chủ sẽ tốt hơn. Sinh viên thuộc diện đối tượng chính sách, nhà nghèo thì sẽ có hỗ trợ, còn lại thì sẽ thu mức học phí theo cơ chế thị trường.

Mức độ tự chủ sẽ tùy theo mỗi trường khác nhau, do đặc thù chính của từng trường, chứ không được cào bằng, bao cấp tràn lan.

Song song đó, Bí thư Đinh La Thăng còn yêu cầu các trường quan tâm, chủ động đón nhận làn sóng cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, tăng cường quảng bá cho sinh viên về vấn đề này.

“Hướng sinh viên học theo các ngành công nghiệp, có định hướng, nhận thức về sự thay đổi, phát hiện như hiện nay” – Bí thư Thăng kết luận.

Phương Linh