LTS: Càng tìm hiểu sâu về dạy và học liên kết ngoại ngữ, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam càng thấy có quá nhiều bất cập đang tồn tại.
Ghi nhanh một giờ học ngoại ngữ liên kết tại Trường Trung học Cơ sở Gia Thụy, quận Long Biên, phóng viên đã tận mắt chứng kiên nhiều học sinh vô tư chơi game trong sự bất lực của giáo viên người bản ngữ.
Không biết, sau khi biết thông tin này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có bất ngờ và sẽ phản ứng về việc này như thế nào?
Phụ huynh học sinh khi biết thông tin này chắc sẽ ngỡ ngàng vì con họ khi tham gia học liên kết ngoại ngữ lại được chơi game thỏa thích?
Đề cập đến tiền là cố tình giấu nhẹm!
Để tìm hiểu về việc dạy và học liên kết ngoại ngữ, chiều ngày 3/1, chúng tôi đến làm việc với Trường Trung học cơ sở Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Trường Trung học Cơ sở Gia Thụy, Long Biên đang liên kết với hai trung tâm ngoại ngữ (ảnh Trinh Phúc). |
Qua trao đổi với Ban giám hiệu nhà trường được biết, hiện ngôi trường này có liên kết dạy ngoại ngữ với Trung tâm Language Link và Trung tâm DynEd.
Hiện có 5 lớp thuộc khối lớp 6 và khối lớp 7 tham gia. Khi học, lớp 40 em được chia thành hai lớp học.
Một lớp 20 em học sinh có một giáo viên người nước ngoài và một trợ giảng người Việt.
Còn liên kết với chương trình DynEd có hai hình thức dạy học.
Hình thức dạy học có giáo viên người nước ngoài và một trợ giảng người Việt.
Hình thức còn lại là do giáo viên người Việt đảm nhận. Mức học phí hiện nay của DynEd vẫn không được tiết lộ.
Việc dạy học ngoại ngữ với DynEd được thực hiện tại phòng máy do chính công ty này trang bị cho nhà trường.
Doanh nghiệp liên kết dạy ngoại ngữ lấy Ban Tuyên giáo dọa nạt phóng viên |
Theo trao đổi của cô Hiền, giáo viên tiếng Anh trong trường cho biết:
“Tôi là giáo viên của trường tham gia làm trợ giảng cho chương trình Language Link.
Chi phí thù lao mà phía công ty trả cho một tiết học làm trợ giảng là 50.000đồng/tiết học.
Trong chương trình DynEd không có sự tham gia của giáo viên bản ngữ thì cô thầy giáo ngoại ngữ trong nhà trường đảm nhận việc dạy học.
Các em học sinh khối 6 và 7 tham gia học ngoại ngữ liên kết, một tuần gồm có hai tiết.
Còn các em học sinh khối 8 và 9 không tham gia học”.
Được biết, cô Hiền là một giáo viên gắn bó với chương trình liên kết ngoại ngữ vài năm nay.
Nói về chất lượng dạy ngoại ngữ liên kết, cô Hiền thẳng thắn chia sẻ:
“Học ngoại ngữ phụ thuộc nhiều về năng khiếu của các em học sinh và ý thức học tập.
Dạy ngoại ngữ liên kết cũng như dạy các môn học đại trà khác như văn, toán. Tức là, không có chuyện trong một lớp học em nào cũng học tốt lên nhờ học ngoại ngữ liên kết.
Do đó, việc có ý kiến phụ huynh phản đối bỏ tiền nhiều cho con em học ngoại ngữ nhưng kết quả không được như ý muốn thì tôi cho rằng là khách quan”.
Học một lúc nhiều chương trình ngoại ngữ, con dốt mà cha mẹ không biết do đâu? |
Cũng liên quan đến dạy và học ngoại ngữ, quyền Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thanh cho biết:
“Trường Gia Thụy là trường điểm, việc dạy và học ngoại ngữ liên kết được áp dụng từ hai năm nay.
Qua dạy học có thể thấy, phong cách giảng dạy, giờ giảng của giáo viên bản ngữ chất lượng tốt.
18/10/2016, Sở có về dự giờ đánh giá dạy ngoại ngữ liên kết tốt.
Làm việc với người nước ngoài, tôi đánh giá rất cao về phong cách làm việc, tác phong chuyên nghiệp của họ”.
Giấu đầu, hở đuôi!
Cũng theo Hiệu trưởng nhà trường, các lớp học ngoại ngữ liên kết được chia theo năng lực học tập của các em học sinh.
Những học sinh có năng lực học ngoại ngữ tốt sẽ được bố trí một lớp riêng trong khi những học sinh năng lực ngoại ngữ yếu hơn sẽ được bố trí một lớp riêng biệt.
Đầu năm lớp 6, các doanh nghiệp sẽ tiến hành khảo sát đánh giá và chia lớp.
Qua quá trình làm việc với phóng viên, lãnh đạo nhà trường luôn luôn ca ngợi hoạt động dạy và học ngoại ngữ rất tốt.
Doanh nghiệp liên kết dạy ngoại ngữ lấy Ban Tuyên giáo dọa nạt phóng viên |
Nhưng khi phóng viên đề cập đến những vấn đề cốt lõi như giáo trình, sách giáo khoa, kinh phí thì phía nhà trường lại tìm cách lảng tránh trả lời.
Chúng tôi yêu cầu cung cấp hồ sơ về chương trình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nhưng Hiệu trưởng đã tìm cách từ chối:
“Tôi vừa mới có quyết định làm Hiệu trưởng nhưng chưa nhận bàn giao, nên không nắm rõ.
Việc doanh nghiệp có để lại tiền cho nhà trường bao nhiêu tôi cũng không nắm được.
Sách giáo khoa cũng không có ở đây”.
Sau khi trao đổi với lãnh đạo nhà trường, phóng viên đề nghị cho phép thăm lớp học DynEd và được cồ HồngThanh chấp thuận.
Lớp học mà chúng tôi đến thăm nằm ở tầng 3, góc ngoài cùng của tòa nhà.
Khi lên đến lớp học, một cảnh tượng đầy bất ngờ nằm ngoài sức tưởng tưởng của phóng viên.
Đang là giờ học ngoại ngữ, có giáo viên bản ngữ đứng trên bục giảng nhưng có hàng chục em học sinh, ngồi máy vi tính đang chơi game.
Qua hình ảnh, có thể thấy đó là những game bạo lực, bắn nhau, đâm chém nhau.
Thấy chúng tôi ngoài cửa, bác bảo vệ đi cùng tỏ ra hoảng hốt nhắc nhở, “Chơi game nhà báo bắt bây giờ”.
Vì phòng học được bịt kín bằng cửa sổ có gương nên không em học sinh nào bên trong nghe thấy.
Thầy giáo người nước ngoài quan sát thấy bên ngoài có người lạ nên dường như đoán được phần nào thông điệp của bác bảo vệ.
Thầy chạy xuống cuối lớp để tìm cách kiểm soát học sinh.
Tuy nhiên, thầy giáo gần như bất lực vì lớp thì quá đông mà các em đã chơi một cách say mê từ lúc nào.
Những gì chúng tôi quan sát được một tiết học ngoại ngữ liên kết tai Trường Trung học Cơ sở Gia Thụy, Long Biên đã nằm ngoài sức tưởng tưởng của phóng viên.
Nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao trong giờ học ngoại ngữ nhưng các em học sinh lại được tha hồ chơi game.
Tại sao phòng máy nhà trường lại có sẵn các game bạo lực để học trò chơi trong giờ học.
Những câu hỏi đó cần thiết phải được giải đáp một cách rõ ràng để quý vị phụ huynh được biết họ bỏ tiền ra nhưng con cái họ được dạy học như thế nào?