Học một lúc nhiều chương trình ngoại ngữ, con dốt mà cha mẹ không biết do đâu?

13/12/2016 06:43
Trinh Phúc
(GDVN) - "Con tôi học mãi không khá lên, nào chương trình của Bộ, chương trình tiếng Anh liên kết, còn học trung tâm và gia sư nữa, giờ con học kém chả biết do đâu?".

Học theo kiểu "năm cha ba mẹ"
Việc một lúc tồn tại nhiều chương trình ngoại ngữ không chỉ gây khó cho công tác quản lý tiếng Anh ở bậc tiểu học mà ngay cả phụ huynh cũng bị rối trong định hướng giáo dục cho con cái họ.

Không ít phụ huynh kêu trời về việc đầu tư quá nhiều tiền mà trình độ ngoại ngữ của con thì vẫn "dậm chân tại chỗ".

Nhiều chương trình một lúc nên nhiều phụ huynh còn không nắm được con mình đang theo học những chương trình ngoại ngữ nào? (ảnh Trinh Phúc).
Nhiều chương trình một lúc nên nhiều phụ huynh còn không nắm được con mình đang theo học những chương trình ngoại ngữ nào? (ảnh Trinh Phúc).

Tâm sự với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Chị Nguyễn Thu. O., một phụ huynh ở Trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa cho biết:

"Tiếng Anh rất quan trọng cho tương lai của con nên mình cũng đầu tư cho con học liên kết.

Vả lại con người ta học mà con mình không học thì cũng cảm giác lo lắng, bất an.

Các chương trình ngoại ngữ liên kết có giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy đó là điều khác biệt giữa chương trình tiếng Anh liên kết với chương trình chính khóa.

Hiện nay, cháu nó một lúc học chương trình của Bộ, chương trình liên kết, học ở trung tâm và còn thuê gia sư nữa".

Qua trao đổi với chị O. được biết, chương trình liên kết tiếng Anh con chị O. theo học có mức học phí 140.000 đồng/tháng. Một tuần 3 tiết, mỗi tháng 12 tiết.

Các giờ dạy được bố trí vào các tiết học tự chọn. 

Chị Trần Thu H. có con đang theo học ở Trường Tiểu học Long Biên, quận Long Biên cũng chia sẻ: 

"Hiện, con tôi cũng tham gia học liên kết. Thấy phụ huynh khác đăng ký cho con học thì mình cũng đăng ký.

Còn hiệu quả chương trình đến đâu cũng không thể thẩm định được. Giờ gia đình còn phải thuê cả gia sư về nhà để dạy".

Điểm số cao nhưng phụ huynh vẫn không biết được trình độ tiếng Anh của con đang ở cấp độ nào? (ảnh Trinh Phúc).
Điểm số cao nhưng phụ huynh vẫn không biết được trình độ tiếng Anh của con đang ở cấp độ nào? (ảnh Trinh Phúc).

Vì đa số phụ huynh đều yếu tiếng Anh nên không thể biết lực học thực chất của con mình.

Anh Trần Quốc Cường ở Cầu Giấy tâm sự: 

"Cháu nhà tôi học lớp 4. Gia đình thấy ai bảo trung tâm nào dạy tốt, trung tâm nào hay là mình đầu tư mang con đi học.

Nhưng toán văn mình còn biết cháu nó có giỏi không chứ ngoại ngữ thì chịu.
Đi học về thấy cháu nó khoe điểm cao nhưng nói thực việc chấm điểm hiện nay như khuyến mãi ấy khó tin lắm.

Riêng học ngoại ngữ liên kết thì mình thấy cô giáo chủ nhiệm giới thiệu thì mình đồng ý cho con tham gia, cơ bản khỏi cháu nó tủi thân với bạn bè".

Giỏi, dốt chẳng biết do đâu?

Câu chuyện phụ huynh bỏ tiền, học sinh dành hết thời gian để học tiếng Anh liên kết ở trường tiểu học nhưng hiệu quả mang lại thì chẳng được như kỳ vọng.

Ngay kể những phụ huynh có con học chương trường với mức học phí cao như Language Link cũng không biết thế nào mà lần.

Chị Nguyễn Thị H. ở Long Biên cho rằng:

"Chỉ biết nạp tiền cho con học, chứ nhà trường và trung tâm liên kết không có một cam kết cụ thể về chất lượng".

Chính vì nhận thức tiếng Anh quan trọng nhưng không biết gửi gắm vào chương trình cụ thể nào nên trẻ em ở Hà Nội đang lao vào cuộc đua "học thêm" ngoại ngữ.

Học một lúc nhiều chương trình ngoại ngữ, con dốt mà cha mẹ không biết do đâu? ảnh 3Ma trận dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường Tiểu học ở Hà Nội

Hỏi phụ huynh đánh giá về chất lượng tiếng Anh liên kết thì ai cũng cười lấy lệ. Chị Nguyễn Thu. O., phụ huynh ở trường tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa chia sẻ:

"Nói về chất lượng, thật khó để kiểm chứng. Riêng cháu nhà tôi học tiếng Anh chương trình chính khóa lớp 3 ở trường.

Học liên kết ngoại ngữ tự nguyện và còn thuê gia sư dạy kèm 2 buổi/tuần. 

Sắp tới nếu có tiền còn cho đi học trung tâm nữa.

Do đó, nếu hỏi cháu nó học được ngoại ngữ do chương trình liên kết là không đúng".

Đồng quan điểm, chị Trần Thu H. ở Trường Tiểu học Long Biên, quận Long Biên cho rằng:

"Ngoại ngữ rất quan trọng cho con, nên gia đình còn mời gia sư về nhà giảng dạy. 

Chính vì thế, đánh giá chất lượng ngoại ngữ liên kiết như thế nào thì chịu.
Chỉ biết, phụ huynh khác cho con họ học thì mình cũng cho học thôi".

Với những phụ huynh có con học được ngoại ngữ thì việc đầu từ mặc dù tốn nhiều tiền bạc nhưng cũng bớt phiền lòng.

Nhưng đối với phụ huynh có con học ngoại ngữ kém thì thực tế đang rối bời vì không biết đặt niềm tin vào chương trình nào?

Anh Trần Ngọc C. ở quận Hà Đông chia sẻ:

"Nói thật, con nhà mình tiếng Anh kém, đầu tư nhiều tiền mà vẫn không theo kịp bạn bè.

Cho cháu đi học nhiều nơi mà cháu chả khá hơn được.

Trường có dạy tiếng Anh liên kết, tôi cũng đăng ký cho cháu học nhưng về hỏi có hiểu gì không thì cháu nó chỉ biết "vò đầu bứt tai," ấp úng trả lời cho qua chuyện.

Cháu nó giờ học kém ngoại ngữ như thế này tôi chả biết do chương trình nào nữa?" 

Qua trao đổi, có thể thấy phụ huynh cũng rất mơ hồ về các chương trình liên kết ngoại ngữ hiện nay.

Vì xem trọng môn ngoại ngữ nên đa số phụ huynh chỉ biết đầu tư cho con ăn học. 

Nhưng phụ huynh đang rối vì không dám đặt niềm tin vào một chương trình ngoại ngữ cụ thể nào.

Học một lúc nhiều chương trình ngoại ngữ, con dốt mà cha mẹ không biết do đâu? ảnh 4Hiệu trưởng trình độ ngoại ngữ kém thì giám sát liên kết tiếng Anh kiểu gì?

Hệ lụy của việc tồn tại nhiều chương trình chính là việc các con em vẫn cứ học một lúc nhiều chương trình, rồi học với nhiều hình thức.

Cách học trên đang gây tốn kém nhiều tiền bạc, lấy đi ở các em nhiều thời gian nhưng một cam kết về chất lượng thì đang còn bỏ ngỏ. 

Nhiều phụ huynh mặc dù không tin vào chất lượng giảng dạy của các trung tâm liên kết ngoại ngữ nhưng cũng đành "nhắm mắt đưa chân" để con theo học. 

Chị Nguyễn Thanh. C. chia sẻ: 

"Nếu trong lớp các bạn tham gia học tự nguyện mà con mình không học thì sẽ bị phân biệt đối xử.

Biết là cháu mới vào lớp 1, học tiếng Việt còn bì bõm nhưng vẫn phải đầu tư tiền cho con tham gia lớp tự nguyện với mức học phí lên đến 3 triệu một học kỳ.

Tiền bạc tốn kém đã đành, áp lực học tập của cháu khiến tôi cũng xót xa".

Một chương trình đắt đỏ như Languqge Link cũng được chấp thuận vào trường tiểu học công lập ở Hà Nội (ảnh Trinh Phúc).
Một chương trình đắt đỏ như Languqge Link cũng được chấp thuận vào trường tiểu học công lập ở Hà Nội (ảnh Trinh Phúc).

Rõ ràng để học sinh và phụ huynh "rối như canh hẹ" trong việc học tập ngoại ngữ trách nhiệm đó thuộc về những nhà quản lý ngành giáo dục. Riêng ở Hà Nội thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không thể chối bỏ được trách nhiệm.

Có phụ huynh tâm sự với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:

"Thực sự có nhiều bức xúc, ví dụ môn tiếng Anh ngoài những chương trình liên kết tràn lan thì sách giáo khoa cũng tồn tại 2 bộ sách mới và cũ.

Chương trình cũ thì nghèo nàn nhưng nhiều trường giáo viên vẫn giảng dạy vậy khi thi cử thì lấy kiến thức ở sách nào? 

Phụ huynh như chúng tôi thực sự nản toàn tập, không có chuẩn rõ ràng nên tràn lan học thêm.

Học thêm mãi học sinh và phụ huynh rất mệt mỏi mà thực tế học sinh bị nhồi nhét một mớ hỗn lộn".

Việc phụ huynh và học sinh đều nhận thức được sự quan trọng của tiếng Anh. Thậm chí, không ít phụ huynh "nhịn ăn nhịn mặc" để đầu tư cho con ăn học.

Thiết nghĩ, đây phải là điều thuận lợi cho giáo dục Hà Nội nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Nhưng không hiểu sao, qua tìm hiểu thực tế cho thấy giáo dục Hà Nội đang mắc nợ phụ huynh một lời cam kết về chất lượng dạy và học ngoại ngữ. 

Trinh Phúc