LTS: Cô giáo Phan Tuyết sau khi đưa ra ưu nhược của Ban đại diện phụ huynh đã đặt vấn đề như trên.
Các thầy cô, các vị Đại diện phụ huynh có đồng tình với nhận định này hay không?
Trước tình trạng lạm thu xảy ra tràn lan ở nhiều trường học, nhiều cấp học trong cả nước mà nguyên nhân được cho là có sự góp sức, chung tay của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Khi sự việc bị phanh phui, không ít hiệu trưởng lấy Ban đại diện cha mẹ học sinh làm lá chắn và phủi trách nhiệm.
Bởi thế, đã có nhiều ý kiến đề xuất nên xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh vì hoạt động ngày càng biến tướng.
Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn. |
Anh Q.A, một phụ huynh đang làm Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của một trường ở Hà Nội, chia sẻ rằng anh thấy xấu hổ khi chưa thể làm được gì cho học sinh.
“Đúng là nên giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh đi. Tôi hiện nay đang bị đẩy lên “sân khấu”. Là người đứng ở giữa, mệt mỏi vô cùng.
Không làm theo lời của nhà trường thì bị trách móc, sợ con bị trù úm, còn nếu làm thì thấy có lỗi với học sinh và những phụ huynh khác. Tôi tự thấy mình là tay sai thật”.
Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động thế nào?
Chẳng riêng gì anh Q.A, nhìn chung phụ huynh chẳng ai muốn vào Ban đại diện cha mẹ học sinh dù chỉ là ban đại diện của một lớp.
Cứ sau mỗi cuộc họp phụ huynh đầu năm, lớp nào cũng phải cử một Ban đại diện gồm 3 người. Nhưng người nào được đề cử cũng giãy nảy và đưa ra rất nhiều lý do để không phải làm.
Nào là tôi bận tối ngày có rảnh đâu để đi hội họp (trong khi giáo viên đã giải thích một năm chỉ họp độ vài lần), người nói “tôi không biết làm gì cả”, “tôi lại thường xuyên vắng nhà…”.
Thế rồi, có lớp không thể bầu được ai làm đại diện, giáo viên đành ghi tên ba phụ huynh của ba học sinh cho hợp lệ.
Học sinh lớp 1 phải đóng cả 100 triệu đồng đầu năm, có phải là lạm thu không? |
Lớp cử được cũng như không vì hầu như cả năm chẳng khi nào Ban đại diện tổ chức một hoạt động gì cả.
Trong khi đó, điều lệ của Thông tư 55 nêu rõ trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh là:
“Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học.
Chuẩn bị các cuộc họp của Ban đại diện cha mẹ học sinh và cuộc họp cha mẹ học sinh, tổ chức việc thu thập nguyện vọng và kiến nghị của cha mẹ học sinh.
Trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp về hoạt động của cha mẹ học sinh, phản ánh ý kiến của cha mẹ học sinh về chất lượng giáo dục và chất lượng dạy học.
Cùng với giáo viên chủ nhiệm lớp xem xét, đề nghị tuyên dương, khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật đối với học sinh của lớp.
Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, tàn tật”.
Những quy định này chỉ nằm trên giấy vì chẳng có Ban đại diện phụ huynh nào thực hiện theo.
Công việc chính của Ban đại diện cha mẹ học sinh là vận động nộp tiền
Hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường chỉ là vận động phụ huynh nộp các khoản ngoài quy định và kí tá những khoản chi của lớp, của trường.
Trong thực tế, không phải ai trong Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng là “đồng minh” của hiệu trưởng.
Một phụ huynh từng có nhiều năm làm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh tiết lộ: “Mình luôn phải đối những khoản thu bất minh của nhà trường và tuyệt đối không kí những khoản chi bất hợp pháp.
Hiệu trưởng luôn tìm cách để loại mình ra khỏi Ban đại diện nhưng phụ huynh lại cứ tín nhiệm bầu vào.
Từ ngày mình có mặt trong Ban đại diện những khoản thu bất minh của nhà trường chấm dứt hẳn. Khi con mình ra trường không còn nằm trong Ban đại diện, Hiệu trưởng là người mừng nhất”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo chấn chỉnh lạm thu đầu năm học |
Đó cũng không phải là trường hợp cá biệt hay duy nhất.
Một số trường mà người viết bài này được biết nhiều năm không xảy ra tình trạng lạm thu đều có Ban đại diện cha mẹ học sinh chính trực, luôn lấy lợi ích của phụ huynh làm trọng.
Họ sẵn sàng lên tiếng phản đối với cách thu, chi bất hợp lý của nhà trường.
Hiệu trưởng những trường này tuy cũng tìm mọi cách để gạt những phụ huynh này ra nhưng cuối cùng cũng chịu vì phụ huynh nhất quyết đề cử.
Thế là Hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh luôn ở hai chiến tuyến.
Cũng nhờ thế, phụ huynh những trường học này chẳng phải lo đóng bao khoản tiền do hiệu trưởng vẽ ra.
Có thể thấy, người làm trong Ban đại diện nếu có tâm vẫn hạn chế được việc lạm thu của trường.
Nếu cứ như một phụ huynh tâm sự ở trên “Không làm theo sợ con bị trù úm”, điều này chẳng có cơ sở. Bởi, người có thể trù úm học sinh chỉ có thể là giáo viên vì thầy cô hàng ngày trực tiếp dạy dỗ các em trên lớp.
Trong khi giáo viên cũng không ai đồng tình cho việc lạm thu (có điều họ buộc im lặng vì chén cơm manh áo). Bởi vậy, không có lý do gì, giáo viên lại trù úm trò chỉ vì có ba (mẹ) phản đối các khoản thu bất minh của trường.
Những trường học có tên trong danh sách lạm thu là những trường có Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ biết đề cao lợi ích cá nhân mình mà bỏ qua lợi ích tập thể.
Họ đã được chính hiệu trưởng mua chuộc, lấy lòng nên mới a dua, đồng tình làm theo những chỉ đạo ấy. Vì thế, mới có nhiều khoản đóng góp vô lý.
Nhưng nếu xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh thì tình trạng lạm thu cũng dễ gì chấm dứt khi gặp hiệu trưởng có lòng tham không đáy.
Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ là người giám sát, theo dõi để lên tiếng phản ánh kịp thời những khoản thu chi vô tội vạ.
Vấn đề là phụ huynh phải tìm cho được người đại diện cương trực luôn đặt quyền lợi của đại đa số phụ huynh lên trên hết.
Tài liệu tham khảo: