Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần hành động ngay để bảo vệ ngành chăn nuôi bò sữa

30/03/2019 06:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bảo vệ bằng được quyết định lựa chọn sữa tươi cho chương trình Sữa học đường.

Báo Sóc Trăng ngày 29/6/2017 đưa tin, ngày 28/6/2017 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyên Xuân Cường đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ về khảo sát vùng nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Trần Đề.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể thông tin, đối với việc xây dựng nhà máy để chế biến thức ăn, tỉnh đã có kế hoạch xây dựng hoàn thành trong năm nay. 

Tuy nhiên, cái khó khăn của tỉnh hiện nay là khó tìm được đầu ra sản phẩm và xu hướng sữa đang giảm dần. 

Về vấn đề này, lãnh đạo Tỉnh ủy đề xuất với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường quan tâm, giúp cho Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth cũng như giúp tỉnh tìm được đầu ra sản phẩm sữa bò được bền vững để đời sống của bà con ổn định và duy trì được đàn bò. [1]

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ảnh: Báo Chính Phủ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ảnh: Báo Chính Phủ.

Báo Nhân Dân ngày 12/9/2018 có bài viết Tháo gỡ khó khăn cho nông dân nuôi bò sữa ở Sóc Trăng, phản ánh:

Tỉnh Sóc Trăng đang triển khai dự án chăn nuôi bò sữa cho nông dân ở các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Châu Thành và vùng ven thành phố Sóc Trăng với tổng nguồn vốn gần 300 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, hiện nay, ngoài việc tìm đầu ra cho sản phẩm sữa đang gặp rất nhiều khó khăn, người nuôi bò sữa còn đối mặt những nỗi lo khác, nhất là giá sữa liên tục giảm. Vì vậy, đàn bò cũng đang giảm dần số lượng. [2]

Lối thoát trong tầm tay, có tỉnh không thấy, có tỉnh phớt lờ

Chương trình Sữa học đường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 quyết định chọn sữa tươi cho chương trình.

Sau sữa mẹ, sữa tươi sạch là lựa chọn tối ưu nhất để cải thiện dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc trẻ em trong lứa tuổi vàng (2-12 tuổi), tăng chiều cao, tạo sức bật cho thế hệ tương lai.

Các nước trên thế giới đều sử dụng sữa tươi cho Sữa học đường. Ở châu Á, Nhật Bản gần như là quốc gia đi đầu về dinh dưỡng học đường, đã xây dựng hẳn Luật Dinh dưỡng và sử dụng sữa tươi để cải thiện chiều cao.

Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á đi tiên phong trong chương trình Sữa học đường với dòng sữa tươi sạch. Việt Nam là đất nước nông nghiệp với 6 vùng thổ nhưỡng rất phù hợp với nghề chăn nuôi bò sữa, nên có nhiều điều kiện thuận lợi về nguồn sữa tươi cho Sữa học đường.

Trước khi có Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sóc Trăng đã chủ động triển khai chương trình Sữa học đường.

Ngày 18/8/2014, Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng có công văn số 1261/SGDĐT-GDMN triển khai kế hoạch thực hiện chương trình Sữa học đường trong các cơ sở mầm non trong 2 năm 2014, 2015 và đề án sữa học đường giai đoạn 2016-2020. [3]

Có điều, trong đề án này Sóc Trăng lại bỏ ngân sách và huy động sức dân đóng tiền mua sữa bột pha cho trẻ em, trong khi nguồn sữa tươi tại chỗ thì không có đầu ra ổn định.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần hành động ngay để bảo vệ ngành chăn nuôi bò sữa ảnh 2

Vũng Tàu chi hàng trăm tỷ đồng mua sữa pha lại của Vinamilk, bỏ mặc nông dân?

Như vậy có thể thấy, đầu ra cho sữa tươi nguyên liệu Sóc Trăng ở ngay địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh này còn phải tìm kiếm, cầu cứu đâu xa?

Tương tự như vậy, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nông dân nuôi bò sữa theo đề án của tỉnh cũng lao đao vì đầu ra cho sữa tươi nguyên liệu khó khăn trong nhiều năm qua.

Trong nỗ lực tìm lối ra cho dự án phát triển bò sữa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập dự án chống suy dinh dưỡng giai đoạn 2006 - 2010 cho 35.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở các cơ sở mầm non, được uống sữa 9 tháng/năm và 11.955 trẻ ngoài cộng đồng uống 12 tháng/năm, với tần suất uống 16 lần/tháng. 

Dự án này đã được thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa 4. 

Tuy nhiên, từ đó đến nay Bà Rịa - Vũng Tàu đã chi hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách để mua sữa bột pha lại của Vinamilk cho chương trình Sữa học đường, bỏ mặc nông dân tự tìm kiếm đầu ra cho sữa tươi nguyên liệu.

Dồn đất nông nghiệp mời Vinamilk nuôi bò sữa, dùng ngân sách mua sữa pha lại của Vinamilk 

Ngày 19/5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã về thăm và làm việc với tỉnh Hà Nam.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Đình Khang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nam chuyển đổi 149,9 héc ta đất trồng lúa tại xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm sang đất nông nghiệp khác để thực hiện Dự án Chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Ngày 1/2/2019 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã về thăm thôn Vũ Xá, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Nam, ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bày tỏ mong muốn Bộ ủng hộ Hà Nam thực hiện đề án thí điểm cơ chế tích tụ, tập trung đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty sữa Việt Nam đã trình Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. [6]

Nông dân nuôi bò sữa tại nhiều địa phương gặp khó khăn về đầu ra, nhưng con em họ phải uống sữa pha lại ở trường học. Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn.
Nông dân nuôi bò sữa tại nhiều địa phương gặp khó khăn về đầu ra, nhưng con em họ phải uống sữa pha lại ở trường học. Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn.

Thế nhưng cũng chính lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã quyết định rót ngân sách mua sữa bột pha lại của Vinamilk cho chương trình Sữa học đường, mặc dù nguyên liệu sữa tươi tại địa phương không thiếu và đang bán cho chính Vinamilk.

Hà Nam đang huy động mọi lợi thế, ưu đãi của địa phương trong khuôn khổ luật pháp cho phép, cũng như xin Trung ương tạo cơ chế để tích tụ ruộng đất nông nghiệp cho Vinamilk, nhưng không có bất cứ cơ chế nào ràng buộc về việc tiêu thụ sữa tươi nguyên liệu cho bà con nông dân.

Ngay cả quy định của Thủ tướng Chính phủ trong việc sử dụng sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường, Hà Nam cũng dám làm trái, và đơn vị cung cấp sữa bột pha lại cho học sinh tỉnh này vẫn là Vinamilk.

Tại Đắk Nông, từ năm 2014 tỉnh này đã phê duyệt dự án nuôi bò sữa tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô với diện tích 100 héc ta. Doanh nghiệp hỗ trợ cho các hộ dân bị giải tỏa lấy đất cho dự án 5 triệu đồng / héc ta.

Cùng năm 2014, đoàn lãnh đạo tỉnh Đăk Nông có chuyến tham quan 3 ngày tại Nhà máy chế biến sữa Việt Nam huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương và Trang trại chăn nuôi bò sữa và đồng cỏ của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tại Lâm Đồng. [7]

Từ đó đến nay, trang trại bò sữa lẫn nhà máy sữa thì chưa thấy đâu, nhưng cuộc sống của người dân Quảng Phú trong diện giải tỏa lấy đất làm dự án chăn nuôi thì gặp phải nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần hành động ngay để bảo vệ ngành chăn nuôi bò sữa ảnh 4

Nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ

Báo Quân đội Nhân dân phản ánh, theo nhiều người dân, đất đai của họ có nguồn gốc rõ ràng, đã được các cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

Mức hỗ trợ 5 triệu đồng / héc ta là quá thấp, không đủ để giúp tìm sinh kế mới (trong khi giá đất canh tác, sản xuất ở khu vực này hiện nay từ 50 đến 60 triệu đồng/ha). [8]

Đến năm 2018, tỉnh Đắk Nông vẫn tiếp tục quy hoạch đất cho dự án chăn nuôi bò sữa tại Quảng Phú [9], cũng trong năm này Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông phê duyệt kế hoạch triển khai Chương trình Sữa học đường.

Điều đáng nói là Đắk Nông quyết định chi 138,036 tỷ đồng để mua sữa bột pha lại cho chương trình Sữa học đường, thay vì sữa tươi theo Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Lại thêm một tỉnh bỏ rơi công cụ chính sách tạo đầu ra ổn định cho ngành chăn nuôi bò sữa.

Và từ 2016, Vinamilk đã đưa sữa bột pha lại đến Đắk Nông nhân danh Sữa học đường. [10]

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần hành động gấp để bảo vệ nông nghiệp, nông dân

Nhiều tỉnh phát triển chăn nuôi bò sữa và xem đây là giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp. Nhưng tìm đầu ra ổn định cho sữa tươi nguyên liệu hầu như là một khó khăn chung ở các tỉnh lâu nay.

Người nông dân chăn nuôi bò sữa theo chủ trương của Chính phủ (Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020; Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững).

Khi phê duyệt Chương trình Sữa học đường và quyết định lựa chọn sữa tươi cho chương trình, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai Chương trình Sữa học đường, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các chương trình, đề án liên quan.

Sở dĩ chúng tôi phải dông dài, cũng vì mong cung cấp một bức tranh tổng thể về chính sách phát triển nông nghiệp cùng các nguồn lực, đòn bẩy để phát triển bền vững nông nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sữa tươi nguyên liệu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần hành động ngay để bảo vệ ngành chăn nuôi bò sữa ảnh 5

"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường?

Chương trình Sữa học đường hết sức nhân văn, ý nghĩa khi chọn sữa tươi, không chỉ vì nó sẽ giúp cải thiện tốt nhất tình trạng dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc cho con trẻ, sức bật của giống nòi, mà còn là giải pháp vô cùng thiết thực, hiệu quả để phát triển chăn nuôi.

Trước thực trạng này, chúng tôi thiết nghĩ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cần có hành động ngay để bảo vệ nông dân, bảo vệ chính sách nông nghiệp.

Trên thực tế đã có một số tỉnh chi hàng trăm tỷ đồng quý báu từ ngân sách cũng như huy động nhân dân đóng góp để mua sữa bột pha lại cho con em, trong khi sữa tươi sản xuất được trên chính quê hương mình không thiếu.

Tình trạng này sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn cho nghề chăn nuôi bò sữa, tiếp tục chảy máu ngoại tệ nhập sữa bột gầy (sau khi tách béo làm bơ, pho mát) và các chất tạo ngậy, tạo mùi về pha lại cho con trẻ.

Chúng tôi được biết, đã và đang có một cuộc vận động hành lang chính sách nhằm thay đổi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bằng cách đưa thêm "sữa dạng lỏng" vào Chương trình Sữa học đường.

Nếu điều này xảy ra, không chỉ mục tiêu tốt đẹp ban đầu của chương trình bị phá hại, mà ngành nông nghiệp chăn nuôi bò sữa sẽ ngày một lao đao, đất nước lại mất đi nguồn ngoại tệ không nhỏ hàng năm để nhập sữa bột pha lại.

Vì vậy, thiết nghĩ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cần báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, bảo vệ bằng được quyết định lựa chọn sữa tươi cho chương trình với nguyên liệu đầu vào là sữa tươi sản xuất trong nước theo Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT.

Các địa phương đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sữa tươi nguyên liệu nhưng lại lãng phí nguồn lực khi dùng ngân sách mua sữa bột pha lại cho Sữa học đường, trái quy định của Thủ tướng, cũng cần phải được chấn chỉnh, xử lý nghiêm.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/bo-truong-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-khao-sat-vung-nuoi-bo-sua-tren-dia-ban-huyen-tran-de-8876.html

[2]http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/37591702-thao-go-kho-khan-cho-nong-dan-nuoi-bo-sua-o-soc-trang.html

[3]http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:bSHMqXbhLDkJ:pgdculaodung.edu.vn/upload/s/20180224/2cc8afdcb7e447efe88c1f8b44dc12af20140918015212266.doc+&cd=1&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

[4]http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/12778702-.html

[5]http://hanam.gov.vn/Pages/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-ve-tham-va-lam-viec-voi-tinh-ha-nam.aspx

[6]https://nongnghiep.vn/bo-truong-nguyen-xuan-cuong-loi-ruong-kiem-tra-cong-tac-lay-nuoc-do-ai-va-ma-xuan-post236165.html

[7]https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/se-xay-nha-may-che-bien-sua-o-dak-nong-198662.html

[8]http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/du-an-nuoi-bo-sua-o-dac-nong-can-xem-xet-lai-muc-ho-tro-den-bu-484565

[9]https://daknong.gov.vn/documents/1311824/39872077/1_1391_20180913153850.pdf/a16d5269-3323-4902-8a06-4e2ecf825571

[10]https://news.zing.vn/vinamilk-mang-sua-hoc-duong-den-voi-tre-em-dak-nong-post699505.html

Hồng Thủy