Bốn giả thuyết đặt ra cho kết quả cao bất thường ở Hà Giang

14/07/2018 08:10
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Thầy Sông Trà đã đặt ra những giả thuyết có thể dẫn tới kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 quá “ngoạn mục” của tỉnh Hà Giang.

LTS: Trước kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia cao bất thường tại tỉnh Hà Giang, thầy giáo Sông Trà đặt ra 4 giả thiết về công tác tổ chức thi tại đây.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Báo chí đưa tin, ngày 12/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang kiểm tra, rà soát lại tất cả các khâu của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.

Lý do của nội dung trên là vì kết quả thi của tỉnh cao bất thường.

Trước hết, tôi rất đồng tình với những phân tích của thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) về những con số bất thường trong kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 của tỉnh Hà Giang, trong bối cảnh đề thi năm nay được đánh giá là khó (trên báo Lao động).

Phổ điểm cho thấy rất nhiều thí sinh ở Hà Giang đạt điểm cao ở hai môn Vật lý và Hóa học. Ảnh: Zing.vn, nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phổ điểm cho thấy rất nhiều thí sinh ở Hà Giang đạt điểm cao ở hai môn Vật lý và Hóa học. Ảnh: Zing.vn, nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cả nước năm nay có hơn 925.000 thí sinh dự thi Trung học phổ thông quốc gia, trong đó Hà Giang có 5.500 thí sinh, tức là chỉ chiếm 5,9% số thí sinh của cả nước.

Tuy nhiên, năm nay Hà Giang đã đạt được rất nhiều kỷ lục, vượt qua cả những địa phương có truyền thống dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh dự thi và kết quả thi như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa…

Đầu tiên, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, cả nước chỉ có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên, trong đó Hà Giang có 36 thí sinh, chiếm 47,37% tổng số thí sinh cả nước đạt được mức điểm này.

Bốn giả thuyết đặt ra cho kết quả cao bất thường ở Hà Giang ảnh 2Bộ Giáo dục yêu cầu Ban chỉ đạo thi Hà Giang rà soát toàn bộ lại khâu chấm thi

Thứ hai, số thí sinh đạt trên 27 điểm khối A (Toán-Lý-Hoá) của cả nước là 82, thì riêng Hà Giang đã có 29 (chiếm 35,3%).

Thầy Tùng bình luận rằng, thành tích này của Hà Giang quá "ngoạn mục", trong bối cảnh đề thi năm nay được đánh giá là khó.

Thứ ba, với môn Vật lý, tỉnh Hà Giang có điểm thi cao bất thường. 

Toàn tỉnh có 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi số thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 chỉ 28.

Theo các chuyên gia, kết quả này trái quy luật, những thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 phải có tỉ lệ nhiều hơn từ 9 trở lên mới hợp lý.

Thứ tư, môn Toán cũng xảy ra hiện tượng tương tự như môn Vật lý, số thí sinh đạt điểm 9-10 nhiều hơn số thí sinh đạt mức điểm từ 8-8,5. 

Thầy Tùng gọi đây là sự ngược đời, chưa từng xảy ra.

Một bất thường nữa là, dù có nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng tỉ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay của Hà Giang lại chỉ đạt 89,35%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước.

Năm nay, trong danh sách 11 thí sinh điểm cao nhất cả nước cũng có 3 thí sinh đến từ Hà Giang. 

Năm 2017, Hà Giang có 5.200 thí sinh dự thi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và cũng có 3.326 thí sinh đạt từ 15-29,35 điểm với các tổ hợp xét tuyển A,B,C,D. 

Trong đó, có 7 thí sinh đạt điểm 10 các môn thi trong bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.”

Từ đây, tôi và nhiều thầy cô giáo trong ngành giáo dục có quyền đặt ra những giả thuyết có thể dẫn tới kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 quá “ngoạn mục” của tỉnh Hà Giang. 

Bốn giả thuyết đặt ra cho kết quả cao bất thường ở Hà Giang ảnh 3Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 của cả nước đạt 97,57%

Giả thuyết thứ nhất, một số điểm thi ở đây không thực hiện đúng Quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành;

Một số cán bộ coi thi trong phòng thi có biểu hiện “canh thi”, để mặc cho thí sinh quay cóp, trao đổi bài, những câu hỏi trắc nghiệm khó, một số trưởng, phó điểm thi, thanh tra, cán bộ giám sát thì không hoặc ít đi kiểm tra, giám sát từng phòng để nắm bắt, nhắc nhở và xử lý kịp thời những lệch lạc, sai phạm của thí sinh và cán bộ coi thi. 

Giả thuyết thứ hai, một số trưởng, phó, thư ký điểm thi và một số cán bộ coi thi nảy sinh tiêu cực khi cùng “bắt tay nhau” lo hỗ trợ, tiếp sức cho một số “gà” thí sinh trong các phòng thi. 

Một, hai “gà” thí sinh được cán bộ coi thi hỗ trợ, chỉ bài thì các thí sinh còn lại trong phòng thi ấy đều được “hưởng lợi”. 

Giả thuyết thứ ba, một số điểm thi ở Hà Giang, không kiểm soát được việc thí sinh trao đổi bài khi ra bên ngoài uống nước, đi vệ sinh… trong thời gian giao nhau 10 phút giữa các môn thành phần ở bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

(Kẽ hở này trong Quy chế 04/2017 của Bộ và quá trình thực hiện ở các hội đồng, điểm thi từ năm 2017 và năm nay, tôi từng có hai bài phân tích, cảnh báo trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam). 

Giả thuyết thứ tư, công tác bảo mật bài thi, quá trình chấm trắc nghiệm bằng máy ở Hội đồng chấm thi tỉnh Hà Giang có vấn đề gian lận, tiêu cực. 

Một nhóm người có thể thông đồng với nhau, đánh tráo phiếu trả lời trắc nghiệm cũ bằng phiếu trả lời trắc nghiệm mới khi đưa vào máy chấm. 

Điều này, trước khi thi, Bộ cũng từng cảnh báo, yêu cầu các hội đồng coi thi và chấm thi đặc biệt chú ý và thực hiện một cách triệt để.

SÔNG TRÀ