Các giám thị và thí sinh đừng để lặp lại 3 điều đáng tiếc sau đây

18/06/2018 07:45
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Dưới đây là những trường hợp do chủ quan, suy nghĩ nông nổi mà cả thầy và trò tham gia kỳ thi đều phải trả giá đắt.

LTS: Là một người tham gia coi thi quốc gia nhiều năm, thầy giáo Kiên Trung chia sẻ những bài học đáng tiếc của cả giám thị và thí sinh để mọi người cùng rút kinh nghiệm.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đến hôm nay, ngành giáo dục và dư luận xã hội vẫn chưa quên vi phạm rất nghiêm trọng của  thầy giáo Nông Hoàng Phúc khi được điều động tham gia công tác coi thi tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố Hà Nội, vào ngày 7/6 vừa qua.

Đấy là đem, sử dụng điện thoại trong lúc coi thi và hai lần phát tán đề thi môn Ngữ văn và Toán ra ngoài khu vực thi (cho một đồng nghiệp trong trường).

Việc này đã khiến nhiều thí sinh, phụ huynh hoang mang, lo lắng, hoài nghi về tính bảo mật của đề thi, về công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có “vấn đề”.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đang đến gần, cả giảm thị và thí sinh cần lưu ý thật kỹ về quy chế thi. (Ảnh: Xuân Trung)
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đang đến gần, cả giảm thị và thí sinh cần lưu ý thật kỹ về quy chế thi. (Ảnh: Xuân Trung)

Hiện tại thầy Phúc đang bị đình chỉ công tác (30 ngày) để công an Hà Nội mở rộng điều tra, làm rõ động cơ, mục đích của thầy. 

Hiện chưa rõ động cơ, mục đích của thầy như thế nào nhưng với hành vi sai phạm nặng nêu trên chắc chắn thầy giáo này sẽ bị kỷ luật theo quy chế hiện hành với hình thức buộc thôi việc hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chỉ một phút giây nông nổi, điên rồ, táy máy, thích thể hiện mình mà thầy Phúc phải trả giá, đánh đổi bằng cả nghề nghiệp, kéo theo đó là gia đình của thầy, uy tín của ngành giáo dục Thủ đô cũng bị ảnh hưởng, liên lụy.

Cách đây 3 năm, thầy T, giáo viên lâu năm của một trường trung học phổ thông thuộc tỉnh Q (không tiện nêu tên và địa chỉ cụ thể) tham gia công tác coi thi Trung học phổ thông quốc gia tại Hội đồng coi thi trường B, cũng từng làm cho cả hội đồng coi thi phải chờ đợi, sốt ruột đến vài tiếng đồng hồ.

Các giám thị và thí sinh đừng để lặp lại 3 điều đáng tiếc sau đây ảnh 2Sắp thi quốc gia, thí sinh cần lưu ý những điều gì?

Trưa hôm đó, nhiều người ăn cơm không nổi vì thiếu chữ ký, họ tên của thầy trên phiếu thu bài và túi đựng bài thi để  niêm phong, đóng gói bài thi thuộc môn thi kết thúc kỳ thi.

Lúc đem bài thi lên nộp bộ phận thư ký, trong khi mọi cán bộ coi thi chờ đợi, tập trung, hoàn thành xong các thủ tục mới ra về thì thầy T lại vội vàng lấy xe máy phóng về nhà trước.

Lãnh đạo hội đồng coi thi, rồi anh, chị em đồng nghiệp cùng trường thay nhau tìm kiếm xung quanh và gọi điện thoại  nhưng điện thoại của thầy lại không thể liên lạc được.

Cuối cùng đồng nghiệp tìm cách gọi điện thoại cho người quen ở gần nhà thầy, nhờ họ đến nhà thầy nói sự việc ở hội đồng coi thi.

Thầy T phải tức tốc chạy lên với chặng đường gần 20 cây số, đến nơi cả người thầy mồ hôi  ướt đẫm…

Giá như thầy T cũng làm giống như mọi người, không vội vàng, luôn cẩn trọng, chờ mọi việc xong đâu vào đó, mới ra về thì hội đồng coi thi ấy đâu bị một phen phải chờ đợi, lo lắng, đến 14 giờ chiều mới được ăn cơm…

Các giám thị và thí sinh đừng để lặp lại 3 điều đáng tiếc sau đây ảnh 3Những sai sót mà giám thi hay mắc phải khi coi thi?

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017, tại hội đồng coi thi Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi có một trường hợp thí sinh thừa điểm trúng vào các trường đại học tốp đầu (đạt trên 26 điểm với 3 môn Toán, Lý, Hóa) lại bị trượt tốt nghiệp trung học phổ thông vì dính điểm liệt môn Sinh, dưới 1 điểm.

Trong khi đó, điểm trung bình môn Sinh cả năm của học sinh này khá cao, trên 7 điểm.

Qua tìm hiểu, tôi được biết em này có huynh hướng học lệch, tập trung học các môn để xét đại học từ năm lớp 10.

Đến phần môn Sinh thuộc bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), em này chọn và tô đúng 5 câu được cho là chắc chắn đúng nhằm chỉ đủ 1,25 điểm, không bị điểm liệt.

Chính việc học lệch và rất chủ quan, coi thường, “khác người” trong ôn tập, thi môn Sinh nên thí sinh trường chuyên này phải "ôm hận" suốt đời…

Từ trường hợp của thí sinh nêu trên thành bài học nhắc nhở nghiêm túc cho nhiều học sinh lớp 12 khác tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, chớ chủ quan, hời hợt, coi thường… các môn không tham gia xét tuyển đại học.          

KIÊN TRUNG