Đó là nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, công nghệ đến từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới tại hội thảo quốc tế lần thứ 19 về “Ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý – ITAM” tổ chức tại Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) từ ngày 2 đến ngày 6/2.
“Học trực tuyến phát triển với tốc độ chưa bao giờ thấy”
Theo báo cáo “Mô hình thích hợp cho việc đầu tư học trực tuyến trong thời đại công nghệ mới” của nhóm các nhà nghiên cứu Pradeep Bastola - Trường Đại học Lincoln (Hoa Kỳ) đã chỉ ra xu thế phát triển của E-learning (một mô hình đào tạo trực tuyến, sử dụng những công cụ trên mạng internet).
Nhiều chuyên gia cho rằng, phương pháp học trực tuyến đang phát triển với tốc độ "chưa bao giờ từng thấy". Ảnh: TT |
Theo ông Pradeep Bastola, hiện đang có cuộc dịch chuyển từ phương pháp dạy và học truyền thống sang một phương pháp mới, đó là học trực tuyến.
Với nền tảng công nghệ 4.0, phương pháp này đã đáp ứng được nhu cầu của người học trực tuyến, hỗ trợ tốt hơn cho việc học tập hiện đại.
“Với chỉ khoảng 50% so với chi phí giáo dục chính quy, hình thức này có chi phí rẻ, tiết kiệm và không ảnh hưởng đến thời gian làm việc.
Trong đó vẫn tích hợp đầy đủ các phương tiện truyền thông đa dạng như: hình ảnh, âm thanh, máy tính… đã thu hút được nhiều người sử dụng”, ông Pradeep Bastola cho hay.
“Đại học không tường” thách thức mô hình đào tạo đại học truyền thống |
Cũng theo nghiên cứu của nhóm Trường Đại học Lincoln, nếu năm 2009, E-learning thu về lợi nhuận khoảng 27 tỷ đô la thì chỉ sau 5 năm, con số lợi nhuận đã tăng lên hơn 50 tỷ đô la.
“E–learning phát triển với tốc độ chưa bao giờ thấy trong lịch sử 10 năm qua và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong tương lai.
Một ví dụ điển hình là 40 doanh nghiệp của Fortune 500 hiện đang sử dụng hình thức E-learning để đào tạo và hướng dẫn cho nhân viên”, ông Pradeep Bastola dẫn chứng.
Báo cáo của nhóm này cũng chỉ ra có hơn 3/4 người sử dụng lao động cho rằng, đây là phương pháp giúp người lao động cập nhật, cải tiến phương pháp lao động cũng như tăng lợi thế cạnh tranh trong khu vực.
Hai khu vực phát triển mạnh của E-learning trong thời gian gần đây là Châu Á và Đông Âu, tiêu biểu như các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Rumani, Balan, Séc, Brazil, Indonesia, Comlombia.
Theo báo cáo “Thị trường giáo dục điện tử” cho biết, doanh thu vượt quá 327,6 tỷ đô la vào năm 2017.
“Mô hình đào tạo trực tuyến đã có sự tác động rất lớn đến hành vi của học sinh trong bối cảnh giáo dục hiện nay, làm thay đổi khả năng giao tiếp, tư duy và nhiều vấn đề khác.
Nếu so với học sinh truyền thống thì học sinh học trực tuyến có khả năng tìm tòi và tiếp cận những nguồn dữ liệu khổng lồ, qua đó hoàn thiện các kỹ năng cần thiết”.
Trước đó, chuyên gia Jonhson Ong Chee Bin của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục mạng lưới các trường đại học ở khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) đã lên tiếng cảnh báo: mô hình “đại học không tường đang thách thức các mô hình đào tạo truyền thống như hiện nay.
Nếu các trường đại học không kịp thay đổi sẽ bị tụt hậu lại phía sau. Hiện một số trường Đại học ở Việt Nam đang “chạy đua”, chuyển đổi sang nền giáo dục 4.0. Đó là tăng cường đầu tư và triển khai E-learning.
Giáo viên tiểu học trước bối cảnh cách mạng 4.0
Tại hội thảo lần này, một chủ đề mang tính thực tiễn được nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục quan tâm, thảo luận là vấn đề:
“Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiểu học trong bối cảnh cải cách giáo dục tổng thể của xu hướng hội nhập với cách mạng công nghiệp 4.0”.
Tiến sĩ Nguyễn Hoài Anh, Trường Cao đẳng Sư phạm Huế cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và ảnh hưởng tích cực, tác động không nhỏ đến giáo dục.
Điều đó đòi hỏi giáo viên phải tiếp cận, thích ứng và thực hành ứng dụng vào phương pháp giảng dạy.
Cùng với sự cải cách trong giáo trình giảng dạy và sách giáo khoa hiện nay, các trường Đại học, Cao đẳng cần phải cải cách trong chiến lược đào tạo và bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng với việc triển khai các chương trình mới.
Theo các chuyên gia thì nếu như trước đây, giáo viên phải loay hoay với việc truyền đạt kiến thức cho học sinh nhớ, học thuộc nội dung trong sách vở thì nay phải thay đổi.
“Giáo viên phải hình thành cho các em năng lực vận dụng, giải quyết vấn đề một cách tư duy, linh hoạt.
Kiến thức đó không chỉ có trong sách vở mà phải qua nhiều hình thức như trò chơi, tương tác, thư viện điện tử….”, một chuyên gia cho hay.
Thảo luận về phương pháp giáo dục bậc tiểu học cũng được các đại biểu quan tâm. Trong đó, nhấn mạnh việc tổ chức dạy học qua internet.
“Giáo viên Tiểu học phải dần làm quen với việc triển khai các bài giảng E-learning, phải biết ứng dụng công nghệ để mang tới cho học sinh những hứng khởi mới.
Qua đó, giáo viên có thể cung cấp tài liệu học tập cho các em và thu thập lại kết quả của quá trình dạy học để có những cập nhật, thay đổi linh hoạt”, vị chuyên gia này phân tích thêm.