Giao nhà trường nghiên cứu công nghệ phát triển “du lịch 4.0”

13/10/2017 06:55
Tấn Tài
(GDVN) - Trước những thách thức của cuộc cách mạng 4.0, đòi hỏi phải nghiên cứu, đưa ra một giải pháp công nghệ để xây dựng thành phố thông minh và Chính phủ điện tử.

Đó là mục tiêu đề tài "nghiên cứu phát triển một số dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách nhằm phát triển du lịch bền vững theo định hướng thành phố thông minh và Chính phủ điện tử" do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Trường Cao đẳng Công nghệ (Đại học Đà Nẵng) thực hiện ngày 11/10.

Đề tài này sẽ được thực hiện trong thời gian hai năm và là 1 trong 7 đề tài khoa học công nghệ thuộc chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước 2016-2020 (viết tắt là KC.01/16-20) triển khai trong năm 2017 này.

Xây dựng thành phố thông minh

Tại buổi chuyển giao, Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng - Chủ nhiệm chương trình KC.01/16-20 cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển giao đề tài nghiên cứu cho Trường cao đẳng công nghệ Đà Nẵng. Ảnh: TT
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển giao đề tài nghiên cứu cho Trường cao đẳng công nghệ Đà Nẵng. Ảnh: TT

Trong đó, các cơ quan trung ương, địa phương cần rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động.

Đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển.

Giao nhà trường nghiên cứu công nghệ phát triển “du lịch 4.0” ảnh 2

“Đại học không tường” thách thức mô hình đào tạo đại học truyền thống

Đặc biệt, du lịch là một trong những ngành được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, quản trị thông minh.

“Việt Nam đang đứng trước thách thức của cách mạng công nghệ 4.0. Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin ảnh hưởng rất nhiều đến các ứng dụng trong việc thực hiện, quản lý nhà nước”.

Ông Thắng cho rằng, các ứng dụng công nghệ mới phải được đưa vào phục vụ thực tiễn, tạo thuận lợi hơn cho người dân.

Do đó, phải nghiên cứu làm sao những công nghệ đó liên kết với nhau để đưa vào một hệ sinh thái cho phát triển Chính phủ điện tử.

Đại diện nhóm thực hiện đề tài cho biết, mục tiêu chính là nghiên cứu, đề xuất kiến trúc tổng thể hệ thống dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách với định hướng thành phố thông minh và Chính phủ điện tử.

Xây dựng, triển khai thử nghiệm hệ thống thông tin cung cấp một số dịch vụ hỗ trợ du khách, nhằm phát triển du lịch bền vững.

Du lịch thời 4.0

Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ, Phó trưởng khoa Điện – Trường cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng (chủ nhiệm đề tài) cho rằng, trên thế giới, xu hướng sử dụng dịch vụ trên internet để quyết định cho các chuyến đi và nội dung hoạt động du lịch ngày càng tăng.

Tại Việt Nam, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, có 88% khách du lịch tra cứu thông tin qua mạng.

Giao nhà trường nghiên cứu công nghệ phát triển “du lịch 4.0” ảnh 3

20 năm tới sẽ không còn tồn tại những nghề sau mà 60% các bạn trẻ đang học

Trong đó, 35% thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm thông tin du lịch. Tra cứu Google Trends cho thấy, từ khóa “du lịch” được tìm kiếm tăng 3 lần trong 5 năm gần đây.

Thông tin du lịch trong nước được tìm kiếm thường liên quan đến điểm đến, khách sạn, nhà hàng, kinh nghiệm du lịch...

“Những yếu tố này là nền tảng thuận lợi để du lịch Việt Nam phát triển trong cách mạng công nghệ 4.0”.

Cũng theo ông Vũ, gần đây, du lịch Việt Nam có những chuyển động tích cực để sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng mới.

Các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam khá chủ động tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0, coi đây là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh.

Điển hình như: Vietravel, Vietrantour, Five Stars Travel… bắt đầu từ việc cơ bản - số hóa dữ liệu, cập nhật thông tin tour tuyến, hoạt động của doanh nghiệp lên website.

Ứng dụng công nghệ mới để tăng trải nghiệm của khách hành, nâng cấp phần mềm điều hành tour. Triển khai cổng thanh toán điện tử; thiết lập kênh tương tác trực tiếp với khách...

"Xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch trong những năm tới có thể kể đến như: tiếp tục phát triển mạnh du lịch trực tuyến, hình thành xu hướng “du lịch thông minh”.

Các hệ thống quản lý điểm đến (DMS) được hình thành và phát triển mạnh, ứng dụng rộng rãi các thiết bị số cá nhân trong thanh toán và giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch", ông Vũ thông tin thêm.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài sẽ phối hợp với Sở, ban ngành của thành phố như: sở Du lịch, sở Văn hóa và thể thao, sở Thông tin và truyền thông… để xây dựng cơ sở dữ liệu xuất phát từ thực tiễn.

Ngoài ra, còn phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng nghiên cứu công nghệ thẻ NFC dùng trong việc thiết kế thẻ đa năng cho du khách và xây dựng các chương trình phần mềm phục vụ đa mục đích.

Tấn Tài