Lần đầu tiên, một hội thảo quy mô được tổ chức để phân tích, đánh giá những “tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động thông tin – thư viện” được tổ chức tại Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
Tham gia hội thảo có đại diện các trung tâm học liệu của nhiều trường đại học lớn khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Thư viện 4.0 trên điện thoại di động
Tiến sĩ Lê Phước Cường – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Học liệu và Truyền thông (Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dù mới bắt đầu nhưng nó đang phá vỡ cấu trúc của hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia.
Điều này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Thư viện đại học thời 4.0 sẽ là sự kết nối dữ liệu của hàng ngàn thư viện. Ảnh: TT |
“Giáo dục đại học Việt Nam có sứ mệnh quan trọng là tạo ra nguồn nhân lực đủ về chất và lượng, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức.
Trong đó, hoạt động thông tin – thư viện thực hiện nhiệm vụ đảm bảo thông tin tài liệu phục vụ cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên”.
Cũng theo Tiến sĩ Cường, cách mạng công nghiệp 4.0 đang rút ngắn tối đa khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng.
Giảng dạy văn chương trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 |
Theo Hiệp hội các thư viện đại học và nghiên cứu (Association of College and Research Libraries – ACRL), trong tương lai, thư viện tiếp tục hướng tới phát triển các dịch vụ được cung cấp và khai thác trên các thiết bị di động.
Khi các thiết bị di động và ứng dụng di động trở nên phổ biến, các thư viện cung cấp những giải pháp phù hợp cho mọi thiết bị di động.
Cụ thể như: thiết kế hỗ trợ hay tương thích mọi màn hình di động, đảm bảo việc xem thông tin có thể được tối ưu hóa cho mọi kích cỡ màn hình.
Hoạt động thông tin – thư viện sẽ phát triển các dịch vụ truy cập mở và giáo dục mở.
“Thư viện kỷ nguyên 4.0 sẽ tham gia/tích hợp vào mọi hoạt động của cộng đồng người dùng tin, nhằm đáp ứng được mọi loại nhu cầu tin phong phú và đa dạng của họ.
Với việc ứng dụng công nghệ thông và truyền thông một cách mạnh mẽ, các thư viện trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ 4.0 tạo nên thế giới phẳng.
Giúp người dùng tin bình đẳng trước các cơ hội, điều kiện tiếp nhận, sử dụng thông tin, kết nối lẫn nhau” – Tiến sĩ Vũ Duy Hiệp – Trường Đại học Vinh chia sẻ.
Kết nối dữ liệu của hàng ngàn thư viện
Còn theo Tiến sĩ Vũ Dương Thuý Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch), trong cuộc cách mạng 4.0, các thư viện sẽ tăng cường việc hợp tác, chia sẻ nguồn lực thông tin với nhau để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người sử dụng.
Từ sự kết nối dựa trên nền tảng công nghệ sẽ hình thành nên các dữ liệu lớn (Big Data).
“Đại học không tường” thách thức mô hình đào tạo đại học truyền thống |
Và các thư viện cần phối hợp với nhau để xây dựng nên bộ sưu tập số có khả năng dùng chung giữa các thư viện (tức là sinh viên, giảng viên của trường này có thể vào thư viện mở của trường khác).
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Cường cho rằng, thư viên đại học trong thế kỷ 21 đã vượt ra ngoài bức tường vật lý của cơ sở sở trường học, để tiếp cận với các không gian thông tin truy cập mở trực tuyến.
“Yêu cầu đối với các thư viện đại học không chỉ dừng lại ở việc lưu trữ số lượng lớn các nghiên cứu chuyên sâu, mà còn sẵn sàng cung cấp các nguồn dữ liệu, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các nhà nghiên cứu khác”.
Theo Tiến sĩ Cường thì thư viện 4.0 là nơi tạo ra và chia sẻ các kiến thức, kỹ năng, được thực hiện trong không gian thư viện.
“Đây thực sự là một hấp dẫn mới, giúp thư viện đại học hoàn thành nhiệm vụ tạo lực cân bằng giữa tri thức và thông tin.
Để cung cấp những cách sáng tạo, thu hút người sử dụng, vượt ra ngoài các hoạt động mang tính truyền thống vốn gắn liền với thư viện trước đây.
Các không gian này cũng có thể là nơi để học các loại kỹ năng cụ thể, liên quan đến lĩnh vực học tập trong giáo dục đại học. Cũng như thực hành các kỹ năng liên quan trong quá trình học tập.
Nói một cách dễ hiểu là người dùng có thể tìm đọc tài liệu, sáng tạo, thiết kế ra dữ liệu mới ngay trong nền không gian thư viện 4.0”, Tiến sĩ Cường phân tích.
Lúc này, trên thư viện 4.0 không chỉ có các tài liệu truyền thống như: sách điện tử, cơ sở dữ liệu, tài liệu số… mà còn có các “đơn đặt hàng” yêu cầu của giảng viên, các nhà khoa học một cách trực tiếp và trực tuyến thông qua các tiện ích ứng dụng.
Danh mục đọc trực tuyến cũng được các thư viện đại học chấp nhận sử dụng như một phương tiện hiệu quả cho phép người học tạo, chỉnh sửa, cập nhật và tích hợp thành nguồn tài liệu học tập, giảng dạy trực tiếp.
Gắn kết liền mạch với các nguồn học liệu phục vụ xuyên suốt cho khóa học.
“Với các ứng dụng tiện ích công nghệ cho phép chia sẻ, dùng chung giữa các thư viện đối với các ấn bản sách điện tử.
Thư viện giữa các trường đại học sẽ không bị cản trở về không gian địa lý trong việc hợp tác chia sẻ nguồn lực thông tin, tăng cơ hội tiếp cận thông tin, đáp ứng nhu cầu của xã hội học tập”, Tiến sĩ Cường nhấn mạnh.