Cậu học trò khuyết tật xứ Huế chia sẻ bí kíp học giỏi tiếng Anh

22/10/2016 06:30
Bài và ảnh: Thùy Linh
(GDVN) - Nguyễn Thiên Phú chia sẻ, để học được tiếng Anh hiệu quả không nên học một mình bởi khi học theo nhóm mọi người có thể tập giao tiếp và thi đua cùng tiến bộ.

Mặc dù bị liệt cả 2 chân nhưng em Nguyễn Thiên Phú (Trường THPT Chuyên Quốc học - Huế) vẫn luôn cố gắng vươn lên trong học tập, đặc biệt là ở môn tiếng Anh, để trở thành một trong số những học sinh được vinh danh trong năm học 2015 - 2016.

Là học sinh duy nhất bị khuyết tật trong số 126 học sinh tại Lễ tuyên dương giáo viên, học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 19/10 vừa qua, sự xuất hiện của Nguyễn Thiên Phú trên xe lăn lên sân khấu để nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khiến cả hội trường xúc động. 

Trong năm học 2015 - 2016 vừa qua, Thiên Phú (học sinh lớp 9 trường THCS Phạm Văn Đồng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã có thành tích học tập ấn tượng, đặc biệt là ở môn Tiếng Anh. 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao bằng khen học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016 cho em Nguyễn Thiên Phú
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao bằng khen học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016 cho em Nguyễn Thiên Phú 

Cậu học trò bị liệt cả hai chân và phải di chuyển bằng xe lăn từng giành giải Ba cấp tỉnh Olympic Tiếng Anh qua mạng, Huy chương Đồng cấp quốc gia thi Tiếng Anh qua mạng, giải Nhì học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh…

Năm nay, Thiên Phú đã lên lớp 10, học lớp chuyên Anh tại trường THPT Chuyên Quốc học Huế.

Chia sẻ về thành tích của mình, Phú khiêm tốn cho biết: “Cách học tiếng Anh của em cũng không quá cao siêu hay gặp quá nhiều khó khăn. Bởi chủ yếu em học bằng cách xem phim, nghe clip nhạc và đọc những câu chuyện được viết bằng tiếng Anh mà em thấy thích”.

Phú cho rằng kinh nghiệm của bản thân xuất phát từ việc em nhận thức để học tiếng Anh tốt phải tập trung trước tiên vào hai kỹ năng nghe và nói.

"Ban đầu, em xem các bộ phim và video clip ca nhạc đồng thời học nghĩa của từ thông qua phụ đề tiếng Việt để hiểu. Từ đó, em học được nghĩa của từ, cụm từ qua từng ngữ cảnh cụ thể trong các bộ phim ấy.

Dần dần, em có thể xem phim phụ đề tiếng Anh. Nghe nhiều, sau đó bắt chước nói theo nên em luyện được kĩ năng nghe - nói. Còn về ngữ pháp, sau khi nghe - nói tốt rồi, em thấy phần đọc - viết cũng không khó nữa
", Phú kể. 
 
Phú cũng đọc nhiều sách truyện tiếng Anh và thường xuyên lên mạng để xem các clip dạy học về tiếng Anh trên youtube hay mạng xã hội.

Ngoài ra, Thiên Phú cho rằng để học được tiếng Anh hiệu quả không nên học một mình mà khi học theo nhóm thì mọi người có thể tập giao tiếp và trao đổi thi đua để cùng tiến bộ.

Em Nguyễn Thiên Phú chụp ảnh kỉ niệm cùng bố và thầy cô
Em Nguyễn Thiên Phú chụp ảnh kỉ niệm cùng bố và thầy cô 

Theo chia sẻ của bố mẹ Thiên Phú, em rất chăm chỉ và tự giác học tập, không đặt nặng áp lực vào việc học. Hàng ngày, Thiên Phú dậy đúng giờ, tự chuẩn bị đồ dùng, sách vở để bố mẹ đưa đến trường và hiếm khi nghỉ học.

Mặc dù phải ngồi xe lăn để đi học nhưng Phú không bao giờ bỏ học. Thương con, hằng ngày bố của Phú dù đi làm vất vả nhưng vẫn đều đặn ít nhất ngày 2 chuyến đưa đi, đón về. 

Không phụ lòng bố mẹ, Phú cố gắng học tập và thi đỗ vào lớp chuyên Tiếng Anh của Trường THPT Chuyên Quốc học - Huế và vinh dự được là một trong số những học sinh tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế và cả nước.

Phú chia sẻ thời gian tới em vẫn sẽ tiếp tục đầu tư thời gian cho môn tiếng Anh bởi sẽ hữu ích cho nhiều ngành nghề trong tương lai.  

Trong tổng số 126 học sinh (56 học sinh nữ) dự Lễ tuyên dương giáo viên, học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016 có:

- 09 học sinh tiểu học

- 22 học sinh THCS

- 95 học sinh THPT (phần lớn là học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và học sinh đạt điểm cao tại kỳ thi THPT quốc gia).

- 01 học sinh khuyết tật (em Nguyễn Thiên Phú - học sinh lớp 9 trường Trung học cơ sở Phạm Văn Đồng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, bị liệt hai chân).

- 11 học sinh dân tộc (6 học sinh dân tộc Tày, 1 học sinh dân tộc Thái, 1 học sinh dân tộc H'mông, 1 học sinh dân tộc Nùng, 2 học sinh dân tộc Mường).
Bài và ảnh: Thùy Linh