“Cháu vợ của anh đấy, cố gắng giúp anh nhé...”

09/05/2017 06:44
Kiên Trung
(GDVN) - Thanh tra chủ yếu là “cưỡi ngựa xem hoa”, gặp gỡ, giao lưu, liên hoan, nhậu nhẹt với thường trực lãnh đạo hội đồng, đồng nghiệp mấy ngày cho vui.

LTS: Tác giả Kiên Trung tiết lộ câu chuyện hậu trường xung quanh việc thanh tra coi thi trong các kì thi hiện nay. 

Theo đó, nhiều vị thanh tra có tâm lý nể nang người quen, xem việc coi thi là nơi gặp gỡ, giao lưu, liên hoan nên thực sự không khiến các thí sinh nể sợ như trước nữa.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Một số phụ huynh, giám thị coi thi thường có thói quen dò hỏi thành phần, con người làm nhiệm vụ thanh tra ở tại hội đồng coi thi của trường mình là ai, từ đâu đến.

Là chỗ thân tình, họ phân trần: “Chúng tôi cần nắm bắt, tìm hiểu kỹ “lai lịch” về thành phần thanh tra là để biết cách đối phó cho phù hợp, gặp người quen, người dễ tính thì khỏe re, trúng người lạ, người khó tính thì phải dè chừng, “tương kế, tựu kế”.

Con em chúng tôi “được nhờ” hay không phụ thuộc khá nhiều vào thái độ, tâm tính của các anh, em đó”.

 “Cháu vợ của anh đấy, cố gắng giúp anh nhé...” ảnh 1
Kì thi có nghiêm túc hay không phụ thuộc rất lớn vào công tác thanh tra coi thi. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Có thể nói, thanh tra coi thi là một lực lượng không thể thiếu trong kỳ thi quan trọng, thi tuyển sinh vào lớp 10, thi trung học phổ thông quốc gia.

Nếu lực lượng này phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của mình thì có tác dụng to lớn trong việc đảm bảo tính nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế của cả hội đồng coi thi.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, lực lượng thanh tra ở mỗi hội đồng coi thi thường khá mỏng, chỉ có 2 đến 3 người, được rút từ các phòng, ban của Sở Giáo dục và Đào tạo, tổ trưởng, Ban giám hiệu các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh, thành.

Khi về làm nhiệm vụ, thực ra toàn là đồng nghiệp, anh, em quen biết từ lâu cả.

 “Cháu vợ của anh đấy, cố gắng giúp anh nhé...” ảnh 2

Con ước ngày nào cũng có thanh tra để không phải đi học thêm

(GDVN) - “Khi nghe có thanh tra về, tốt nhất là nên cho học sinh nghỉ học vì để họ kiểm tra không sai cái này cũng vướng cái khác”.

Bao nhiêu năm qua, cán bộ thanh tra coi thi vào lớp 10 có xử lý lập biên bản được một trường hợp giám thị và thí sinh nào vi phạm quy chế thi nào đâu?

Mỗi môn thi, xách cặp, sổ đi dạo một, hai vòng là xong, gặp trường hợp giám thị nháp bài, chỉ bài; thí sinh quay cóp nhắc nhở sơ sơ hoặc ngó lơ đi.

Thậm chí, có cán bộ thanh tra còn gửi “gà” cho lãnh đạo hội đồng, giám thị coi thi: “Cháu vợ của anh đấy, cố gắng giúp anh nhé...” 

Đầu buổi thi, lãnh đạo hội đồng coi thi có mời, cán bộ thanh tra đứng lên phát biểu vài ba câu đại loại như thế này (không chết ai):

Hội đồng coi thi này khá nghiêm túc, chưa thấy những biểu hiện tiêu cực, gian lận. Tuy nhiên về vị trí ngồi của một số giám thị chưa đúng theo phân công, chiều nay cần chấn chỉnh...” 

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có tính chất nội bộ, nhà trường tổ chức thi tự chịu trách nhiệm về chất lượng đầu vào của mình nên nhiều cán bộ thanh tra cũng chẳng tội gì can thiệp sâu vào chuyện nhà của họ.

Đến đây chủ yếu là “cưỡi ngựa xem hoa”, gặp gỡ, giao lưu, liên hoan, nhậu nhẹt với thường trực lãnh đạo hội đồng, đồng nghiệp mấy ngày cho vui.

Có đồng nghiệp của tôi bảo, không có gì sướng bằng đi làm thanh tra vào lớp 10, nội bộ của họ mặc kệ họ, mình chỉ dạo chơi và nhận chế độ thanh tra thôi.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những 2007, 2008, 2009, lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo cùng cắm chốt tại các hội đồng coi thi với số lượng khá đông, mỗi điểm có đến 7,8 người.

Năm 2007 được đánh giá là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức một cách bài bản, nghiêm túc nhất, phần lớn biểu hiện tiêu cực của giám thị, thí sinh đều bị ngăn chặn và xử lý kiên quyết, hàng trăm thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế thi.

Năm ấy, vai trò, chức năng của lực lượng thanh tra coi thi phát huy rất có hiệu quả.

Nhưng những năm về sau thì càng sa sút dần, cùng với sự tái lên ngôi của căn bệnh thành tích, mong muốn kết quả tốt nghiệp thật đẹp lan rộng khắp các địa phương.

 “Cháu vợ của anh đấy, cố gắng giúp anh nhé...” ảnh 3

Tuyển sinh vào lớp 10 và những cảnh báo

(GDVN) - Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở nhiều hội đồng coi thi từng để nảy sinh những tiêu cực và phức tạp, như cán bộ lãnh đạo, giám thị của hội đồng coi thi “gửi gắm”...

Thanh tra coi thi ở các cụm thi địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì vẫn tiếp tục được duy trì 3 năm qua.

Do đều là người nhà, người địa phương cả nên lực lượng này đã bị “khống chế” đến mức tê liệt, không hơn, không kém cán bộ thanh tra coi thi vào lớp 10.

Đi dạo, nhắc nhở sơ sơ, phát biểu chung chung, giao lưu, liên hoan tối ngày... làm việc, sinh hoạt thế này, ai mà chả làm được?

Hội đồng coi thi, giám thị, thí sinh, nơi nào còn sợ cán bộ thanh tra nữa không?

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay có 63 cụm thi do 63 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành đảm đương, về cán bộ, giám thị coi thi thì có sự phối giữa địa phương và các trường đại học, cao đẳng (tỉ lệ 1:1), thành phần thanh tra cắm chốt cũng của địa phương phân công, giao quyền.

Vậy thì vẫn “cơm chấm cơm”, người nhà, người địa phương hết, liệu có đảm bảo tính trung thực, khách quan trong quá trình tổ chức coi thi trung học phổ thông quốc gia hay không?

Soi xét từ thực tế, nhiều cán bộ, giáo viên tâm huyết với nghề, mong muốn các kỳ thi thực chất, đánh giá đúng năng lực thí sinh nhận xét: "Lực lượng thanh tra coi thi nay đã mất thiêng rồi"....  

Kiên Trung