LTS: Vào thời điểm cuối năm học, khi các trường đang bận rộn chuẩn bị cho những kì thi, thầy giáo Sông Trà chỉ ra ba công việc vất vả và áp lực nhất của giáo viên vào thời điểm này.
Đó là việc ra đề, coi thi và chấm thi. Những công việc này là những công việc tưởng chừng đơn giản và quen thuộc với giáo viên nhưng lại yêu cầu trách nhiệm cao với nhiều áp lực.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vào thời điểm cuối năm học, tháng 5, 6, các thầy cô giáo tất bật, vất vả với vô số công việc của nhà trường.
Nhưng có lẽ ba công việc sau đây là nặng nề, áp lực nhất đối với nhà giáo, nếu không đủ năng lực, sức khỏe, độ tập trung thì rất khó vượt qua, dễ để xảy ra những sai sót, nhầm lẫn đáng tiếc.
1. Công việc ra đề thi. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của người giáo viên.
Ra đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết ở các lớp mình dạy đã thấy vất vả, ra đề thi học kỳ cho từng khối lớp của nhà trường, làm đề thi tuyển sinh vào lớp 10 cho Sở Giáo dục và Đào tạo lại càng vất vả, cực nhọc hơn nhiều.
Vì đây là những bài thi có tính chất quan trọng liên quan đến nhiều học sinh, thí sinh.
Cuối năm là thời điểm giáo viên vất vả từ khâu ra đề, coi thi đến chấm thi cho học sinh. (Ảnh: P.L) |
Trước đây, ra đề kiểm tra, đề thi có phần đơn giản, nhẹ nhàng, nếu có sai sót gì đó thì chỉ có nội bộ nhà trường, đồng nghiệp và học sinh biết thôi.
Còn nay lo lắng, áp lực nhiều lắm, nhỡ có sai sót, nhầm lẫn gì, với thời buổi công nghệ, thông tin phát triển mạnh thì ảnh hưởng, tai tiếng vô cùng rộng lớn.
Mặc dù từng môn học đã có chuẩn kiến thức, kỹ năng, công tác tập huấn, bồi dưỡng về kỹ thuật, nghiệp vụ làm đề thi, ma trận đề, đáp án chấm được Sở, Phòng và nhà trường triển khai, hướng dẫn khá kỹ lưỡng nhưng thực tế nhiều giáo viên, ban biên soạn đề từ cơ sở giáo dục đến cấp Sở vẫn gặp lúng túng, khó khăn và từng để xảy ra không ít sai sót về kỹ thuật, chính tả, kiến thức…
Cách ra đề thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, phổ biến nhất ở bậc trung học phổ thông, thật sự là một thách thức lớn đối với các giáo viên còn non tay nghề, kinh nghiệm dạy học chưa nhiều.
Có giáo viên trẻ không dám nhận nhiệm vụ ra đề thi học kỳ cho học sinh lớp cuối cấp.
Vì phạm vi nội dung ra đề rộng, cần phân hóa được các mức độ kiến thức và năng lực, trình độ của người học.
2. Công việc coi thi. Có người ngoài cuộc chưa hiểu thì cho đó là công việc nhẹ nhàng, đơn giản, đến phòng thi phát giấy thi, giấy nháp, ngồi nhìn ngó, hết giờ thu bài thế là xong.
Nhưng quả thật, nhiệm vụ này cũng rất nặng nề, căng thẳng, 1 tiết coi kiểm tra, thi bằng 3,4 tiết dạy học bình thường ở trên lớp.
Diễn biến của thí sinh trong phòng thi khá phức tạp, có nhóm học sinh trao đổi bài, có một số em lật giở tài liệu; khi thu tài liệu, lập biên bản, có em thách thức giám thị, xé bài, bỏ chạy ra ngoài…
Trước những tình huống khôn lường ấy, đòi hỏi thầy, cô giáo phải hết sức tập trung và biết cách xử lý đúng quy chế.
Do sơ xuất, chủ quan, không thực hiện đúng quy trình, quy chế của hội đồng coi thi nên biết bao thầy, cô giáo, đồng nghiệp của tôi từng “chết dở, khóc dở” khi thí sinh quên ký, ghi tên, số báo danh, mã đề vào bài thi, phiếu thu bài, thậm chí có trường hợp để mất cả 5 bài thi môn toán trong tuyển sinh vào 10 (buộc Sở Giáo dục và Đào tạo phải xử lý “tốt” cho các thí sinh).
Thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi trung học phổ thông quốc gia có tính phân loại và cạnh tranh cao, được phân công đi coi thi vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm gian khó đối với mọi giáo viên, giảng viên.
3. Công việc chấm thi. Nhiều cô, cậu học trò thời nay, trình bày, viết chữ và số trong vở, trong bài kiểm tra, thi rất cẩu thả, chi chít như kiến bò, vô cùng khó đọc, đánh giá khiến giáo viên mệt mỏi, chán ngán.
Tội nhất thuộc về các thầy cô giáo dạy bộ môn ngữ văn. Mùa thi cử thường gắn với thời tiết nắng nóng, việc chấm và thống nhất bài thi của các giám khảo thêm thấm mệt.
Chấm lệch một chút, gặp tổ trưởng chấm và thanh tra chấm khó tính, lại phải giải trình, trao đổi, tranh luận…
Chấm sơ sẩy, thiếu chuẩn xác, hoặc cộng điểm nhầm, thí sinh phúc khảo bài thi, lệch điểm nhiều, Hội chấm phúc khảo mời lên đối chất, về nhà ăn không ngon, ngủ không yên.
Cô N.T.Y, một giáo viên dạy Văn than thở: “Năm ngoái, tôi được Sở Giáo dục và Đào tạo rút đi chấm thi trung học phổ thông quốc gia bộ môn Văn.
Buổi đầu đi thảo luận chấm thì thấy phấn khởi thật, nhưng tới lúc chấm bài với chất lượng làm bài của thí sinh thấp và yêu cầu của Hội đồng chấm thi quá chi tiết, cụ thể hóa khi ghi điểm, nhận xét trong bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học, tôi mất hết hứng thú.
Sau cả tuần chấm thi đầy áp lực, căng thẳng, tôi bị sút đến 3 cân. Năm nay, nếu cấp trên có rút, tôi cũng xin nghỉ, nhường xuất cho đồng nghiệp khác".
Anh, chị em đồng nghiệp chúng tôi thường nói đùa với nhau mà luôn luôn đúng:
“Ra đề, coi thi, chấm thi, ba thứ công việc khổ ải nhất đối với nghề giáo. Làm tốt thì chẳng thấy ai khen cả nhưng làm không xong thì dính kỷ luật cái chắc”.