Chỉ số PISA và câu chuyện của nền giáo dục Việt Nam

13/12/2016 06:57
Thùy Linh
(GDVN) - TS.Tăng Thị Thùy nêu quan điểm: "Chúng ta cần định nghĩa là "giỏi" là như thế nào. Điểm số cao nghĩa là giỏi? Tôi không nghĩ như vậy".

LTS: Ngày 6/12/2016, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố kết quả của các nước tham gia PISA 2015. 

Theo đó, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.

Chu kỳ PISA 2015, trọng tâm được đánh giá là lĩnh vực Khoa học cho thấy:

- Lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đứng thứ 8 (Top 10);

- Lĩnh vực Toán học, Việt Nam đứng thứ 22;

- Lĩnh vực Đọc hiểu là 32.

Ngay sau khi công bố kết quả này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với TS. Tăng Thị Thùy - chuyên gia nghiên cứu về PISA. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Phóng viên: Lần đầu tiên tham gia PISA do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD) vào năm 2012, học sinh 15 tuổi của Việt Nam đã đạt hạng 17 về toán học, hạng 8 về khoa học và hạng 17 về đọc hiểu trong số 65 nước/vùng lãnh thổ tham gia. 

Kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về môn khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá. Với một kỳ thi mang tính quốc tế lại yêu cầu kỹ thuật cao và nghiêm ngặt như PISA, bà đánh giá như thế nào về kết quả này?


TS. Tăng Thị Thùy: Kết quả PISA là một kết quả rất đáng tin cậy và là kênh thông tin rất hữu ích cho việc đưa ra các chính sách giáo dục phổ thông. 

Việt Nam tham gia PISA trong 2 kỳ gần đây với kết quả khá tốt.Tôi xin làm rõ từ "kết quả" ở đây là một chút. 

Thông thường mọi người nghe đến kết quả PISA là nghĩ ngay đến điểm số bao nhiêu, thứ hạng cao hay thấp.

Tuy nhiên nếu ai quan tâm và nghiên cứu kỹ về PISA thì "kết quả" ở đây không phải là điểm số và thứ hạng mà là một báo cáo tổng thể hoặc báo cáo riêng cho từng quốc gia. 

Chỉ số PISA và câu chuyện của nền giáo dục Việt Nam ảnh 1
Kết quả PISA 2015 của Việt Nam so sánh với một số nước. (Ảnh: vietnamnet.vn)

Khi OECD công bố kết quả PISA tức là sẽ gồm các kết quả liên quan đến cuộc khảo sát của kỳ đó, ví dụ như báo cáo kỹ thuật (Technical report); Dữ liệu khảo sát bảng hỏi (học sinh, nhà trường, phụ huynh); Các báo cáo chuyên đề (Volum 1, 2, 3...) để mô tả khái quát những vấn đề phát hiện ra qua phân tích kết quả bài kiểm tra và bảng hỏi của học sinh, nhà trường;...

Vì thế, phải nghiên cứu kỹ những tất cả các "kết quả" mà OECD công bố thì mới thực sự hiểu kết quả đó, chứ không đơn thuần là kết quả xếp hạng. 

Lần khảo sát năm 2015 này, Việt Nam giữ nguyên thứ hạng về khoa học, Toán học giảm 5 bậc, Đọc hiểu giảm 15 bậc. Vấn đề ở đây không phải là tăng hạng hay xuống hạng mà là chúng ta thấy được gì từ những kết quả phân tích sau đó. 

Nếu cứ dựa vào xếp hạng để đánh giá nền giáo dục ưu việt thì các nước phát triển họ dừng tham gia PISA lâu rồi.

Với họ kết quả xếp hạng và điểm số không quan trọng bằng việc chỉ ra được những điều thú vị (kể cả tích cực và tiêu cực sau khi phân tích kế quả khảo sát đó để họ đưa ra những chính sách giáo dục quốc gia. Đây mới là vấn đề họ vẫn muốn tham gia PISA và đánh giá cao nó. 

Qua kết quả PISA 2015 này chúng ta thấy học sinh Việt Nam học giỏi nhưng tình trạng sinh viên Việt Nam ra trường không làm được việc, nếu đi du học thì gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các đòi hỏi của nền giáo dục tiên tiến: phản biện, sáng tạo, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, thực hành tốt...

Vậy theo bà, học sinh Việt Nam đã giỏi theo cách hiểu của quốc tế hay chưa? 

TS. Tăng Thị Thùy
: Ở đây chúng ta cần định nghĩa là "giỏi" là như thế nào. Điểm số cao nghĩa là giỏi? Tôi không nghĩ như vậy.

Còn việc sinh viên Việt Nam ra trường không làm được việc thì chúng ta lại phải nhìn lại quá trình đào tạo của giáo dục đại học. Chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam lại là một câu chuyện khác. 

Chỉ số PISA và câu chuyện của nền giáo dục Việt Nam ảnh 2

Việt Nam được coi là ngoại lệ lớn nhất của giáo dục thế giới

(GDVN) - Dựa trên khảo sát của các nhà nghiên cứu, tờ Business Insider có bài viết lý giải nguyên nhân học sinh Việt Nam đạt kết quả cao tại các kỳ thi quốc tế.

Tôi không nghĩ sinh viên Việt Nam đi du học gặp khó khăn không phải là không đáp ứng được đòi hỏi của nền giáo dục tiên tiến mà khó khăn nhiều nhất vẫn là ngôn ngữ và sự khác biệt văn hóa nếu có. 

Điều này được chỉ ra trong nhiều nghiên cứu về kinh nghiệm học tập của sinh viên du học. Rất nhiều giáo sư nước ngoài khen sinh viên Việt Nam chăm chỉ, thông minh và làm được việc. 

Chính vì thế khi ra trường nhiều sinh viên ở lại nước ngoài làm việc. Nhưng nếu có việc sinh viên Việt Nam ở nước ngoài không đáp ứng được đòi hỏi của giáo dục tiên tiến thì tôi cần có những nghiên cứu chứng minh điều này. 

"Cách hiểu của quốc tế" theo tôi nghĩ cũng cần xem đó là cách tiếp cận như thế nào. Nếu nhìn vào thành tích học tập của học sinh Việt Nam thì nhiều nước phát triển cũng phải ngưỡng mộ. 

Tuy nhiên, lý do vì sao dù thành tích học tập tốt như vậy nhưng vẫn có những vấn đề như bạn chỉ ra thì thực sự quốc tế họ rất muốn biết và nghiên cứu hiện tượng này.

Theo tôi tại sao lại có sự trái ngược đó thì cần phải xét đến nhiều yếu tố ảnh hưởng, trong đó có những yếu tố xuất phát từ người học, gia đình, nhà trường và Nhà nước. 

Nhiều ý kiến cho rằng việc đánh giá ba môn Toán, Khoa học và Đọc hiểu, rõ ràng PISA không đánh giá hết năng lực của học sinh. Bà có nhận xét gì về ý kiến này?

TS. Tăng Thị Thùy: Khó có cuộc thi nào đánh giá được toàn diện các năng lực của người học. Năng lực thì có rất nhiều. PISA khảo sát trên 3 môn căn bản toán học, khoa học và đọc hiểu là những kiến thức rất phổ thông mà học sinh có thể ứng dụng vào cuộc sống. 

Ngoài ra, PISA có khảo sát kiến thức về giải quyết vấn đề và hiểu biết tài chính. Nhưng Việt Nam không khảo sát hai lĩnh vực này. 

Chỉ số PISA và câu chuyện của nền giáo dục Việt Nam ảnh 3

Báo Úc: Tại sao giáo dục Việt Nam lại được OECD đánh giá cao?

(GDVN) -Tờ The Sydney Morning Herald đã không khỏi lo ngại về khả năng một lần nữa Úc lại thất bại trước Việt Nam trong danh sách tới.

Như kỳ PISA 2012, khi có kết quả, Việt Nam xếp hạng khá tốt về cả 3 lĩnh vực, trong nhóm trên trung bình của OECD, có hai luồng ý kiến trái chiều: có người cho rằng kết quả chứng tỏ giáo dục Việt Nam, có người lại tỏ ra hoài nghi kết quả này. 

Tôi muốn khẳng định lại PISA không phải là bảng xếp hạng giáo dục các quốc gia trên thế giới mà cuộc khảo sát này chỉ ra các hệ thống giáo dục (ở đây là giáo dục phổ thông) trang bị kiến thức và kỹ năng cho học sinh ở độ tuổi 15 hiệu quả ở mức nào để học sinh ra trường có thể đi làm hoặc học tiếp lên. 

Dựa vào kết quả bài test và phân tích dữ liệu từ phiếu khảo sát học sinh, nhà trường, mỗi quốc gia sẽ phát hiện ra những vấn đề  và sẽ đưa ra những chính sách phù hợp.

Rõ ràng, việc đánh giá chỉ nhắm vào học sinh 15 tuổi cũng là một hạn chế của PISA. Nếu kỳ thi tương tự PISA nhưng đánh giá ở lứa tuổi trung bình cao hơn như lứa tuổi 20 hoặc sinh viên các trường đại học hoặc nhóm tuổi 30 thì bà dự báo kết quả sẽ ra sao?

TS. Tăng Thị Thùy: Khảo sát học sinh ở độ tuổi 15 là phục vụ mục đích của PISA. 15 tuổi thông thường theo hệ thống giáo dục ở đa số các quốc gia là tốt nghiệp cấp 2, có khả năng hiểu và áp dụng những kiến thức đã học vào đời sống thực tiễn. Tùy vào mục đích của mỗi chương trình đánh giá mà người ta lựa chọn lứa tuổi nào phù hợp. 

Tất nhiên, có thể khảo sát ở mỗi lứa tuổi sẽ có kết quả khác nhau. Với cấp đại học thì khó có thể có cuộc khảo sát như PISA được vì mỗi đại học là đa ngành và mỗi ngành lại có đặc thù riêng. Vì thế quan trọng là chuẩn đầu ra của mỗi chương trình. 

Theo báo cáo của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) năm 2012, năng suất lao động của người Việt Nam thấp hơn Mỹ khoảng 20 lần. Có điều gì bất hợp lý ở đây khi học sinh ta học giỏi hơn họ mà năng suất làm việc lại kém họ đến 20 lần? 

TS. Tăng Thị Thùy: Chúng ta cần hiểu rõ rằng, giỏi là giỏi về cái gì? Năng suất lao động không chỉ phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải hoàn toàn giỏi thì mới có năng suất lao động cao. Điều kiện và hoàn cảnh của Mỹ khác với Việt Nam rất nhiều. 

Các kỳ thi từ PISA đến các kỳ thi quốc tế, Việt Nam luôn xếp thứ hạng cao. Vậy với quan điểm cá nhân, theo bà lý do gì mà dư luận vẫn mất niềm tin với ngành giáo dục? 

TS. Tăng Thị Thùy
: Tôi chưa muốn nói đến việc dư luận mất niềm tin vào ngành giáo dục ở đây. Tôi xin chỉ ra một ví dụ nho nhỏ  để thấy rằng vì sao lại như vậy. 

Chẳng hạn, kết quả PISA được công bố ra rất nhiều người nghi ngờ kết quả này. Người thì cho rằng kết quả cao như vậy là do "luyện thi gà nòi", do chọn mẫu các "trường điểm", chọn học sinh giỏi làm bài test. 

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm tốt trong việc truyền thông để mọi người thấy rõ mục đích của việc tham gia PISA, quy trình thực hiện khảo sát, kết quả sau khảo sát...và có những vấn đề gì cần phải thay đổi dựa trên dữ liệu kết quả đó. Nếu tất cả được công khai thì sẽ không còn những nghi ngờ như hiện nay. 

Theo tôi, sau kết quả này Bộ nên có một báo cáo chi tiết cho những thống kê khoa học từ dữ liệu khảo sát. Công bố kết quả này thì đây thực sự mới là kết quả của PISA Việt Nam. 

Xin trân trọng cảm ơn bà. 

Thùy Linh