Trong tháng 5/2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cho công bố danh sách Bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu (PISA), trong đó Việt Nam giành vị trí thứ 12 trong 76 nước tham gia đánh giá, vượt xa các nước có nền giáo dục được đánh giá cao như Mỹ, Thụy Điển, Úc.
Bảng xếp hạng dựa trên điểm thi môn tập đọc, môn toán và khoa học của học sinh ở lứa tuổi 15 ở 76 quốc gia, quy mô rộng hơn bài đánh giá PISA được OECD tiến hành hồi năm 2012 tại 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ảnh Wikipedia. |
Thành tích mà báo Úc cho là "tuyệt vời" và "đáng chú ý" này không chỉ khiến các chuyên gia Việt Nam bất ngờ mà nhiều chuyên gia giáo dục ở trong và ngoài khu vực cũng phải chú ý, đặc biệt khi Việt Nam lần đầu tiên tham gia chương trình này.
Thành công của Việt Nam đã trở thành chủ đề thu hút sự chú ý và thảo luận của dư luận ở Úc, quốc gia vốn được đánh giá cao về chất lượng giáo dục, nhưng lại xếp sau Việt Nam hai bậc trong bảng đánh giá mới nhất của OECD.
Điều gì giúp Việt Nam đạt được thành công trên?
Trong bài bình luận mổ xẻ lý do giúp Việt Nam đạt được thành công trên, tờ The Sydney Morning Herald dẫn lời Giám đốc OECD về giáo dục và kỹ năng Andreas Schleicher cho biết, những thành tựu của Việt Nam là kết quả của việc thực hiện cam kết tiến hành "một chương trình giảng dạy tập trung và đầu tư vào giáo viên".
Theo ông Schleicher, các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam rất quan tâm với các thách thức và ngành giáo dục nước nhà đang phải đối mặt và thể hiện rõ ràng hơn nhiều nước khác trong danh sách về việc luôn dành nhiều nỗ lực và quyết tâm cải thiện chất lượng giáo dục.
Bên cạnh kế hoạch dài hạn, chính phủ Việt Nam cũng không ngừng học hỏi từ các nước hàng đầu về giáo dục và sẵn sàng tăng đầu tư cho giáo dục để hoàn thành các mục tiêu của mình. Điển hình như trong năm 2012, chính phủ đã cam kết chi 21,4% ngân sách cho giáo dục.
Mặc dù tham gia khảo sát của OECD lần đầu tiên, nhưng các học sinh Việt Nam đã tỏ ra nổi trội hơn bạn bè đến từ nhiều quốc gia phát triển như Anh (giành vị trí 20 trong bảng xếp hạng của OECD), Đan Mạch (22), Mỹ (28), Thụy Điển (35), Đức (13), Úc (14).
Điểm đọc, toán, khoa học của các học sinh Việt Nam tham gia đánh giá đều đạt trên mức trung bình của OECD. Đáng chú ý hơn nữa là 17% học sinh tham gia đánh giá là con nhà nghèo.
Khi so sánh với các quốc gia khác, ông Schleicher cho rằng yếu tố chính giúp Việt Nam đạt được thành tích trên là nhờ chương trình giảng dạy tập trung vào phát triển kỹ năng cơ bản và có chiều sâu ở môn đọc, làm toán. Trong khi đó, các chương trình này ở nhiều nước ở Bắc Mỹ và châu Âu thường "dài vài cây số nhưng sâu chỉ vài cm".
Tờ The Sydney Morning Herald đã không khỏi lo ngại về khả năng một lần nữa Úc lại thất bại trước Việt Nam. |
Theo báo Úc, giáo dục là một công việc khó khăn, nhưng được coi trọng trong xã hội Việt Nam. Người Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, chú trọng tới cả giáo dục ở nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội.
Đặc điểm này cũng đã được phản ánh trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, nơi giáo viên có tính độc lập cao và chuyên nghiệp hơn so với các đồng nghiệp ở những nước khác. Các chuyên gia của OECD cũng đánh giá cao tính chuyên nghiệp, tinh thần tự ý thức nâng cao nghiệp vụ, tính kỷ luật của giới sư phạm Việt Nam. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng đề cao việc các phụ huynh Việt Nam tích cực đóng một vai trò quan trọng trong giáo dục gia đình.
Úc giành vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng của OECD, sau Việt Nam hai bậc. Điều này thật sự là một cú sốc đối với nền giáo dục của Úc bởi trong cuộc khảo sát tương tự tiến hành vào năm 2000, quốc gia này đã giành được vị trí đầu bảng trên mọi tiêu chí khảo sát.
Mặc dù một số chuyên gia Úc trấn an rằng, sự sụt giảm này là không đáng lo ngại do danh sách khảo sát đã mở rộng, điều kiện khảo sát chỉ là tương đối và nền giáo dục Úc vẫn đang phát triển rất tốt, nhưng một số khác vẫn bày tỏ lo ngại về sự ngày càng tăng số lượng các học sinh chất lượng thấp, sự sụt giảm mạnh số học sinh chất lượng cao ở môn toán và đọc.
Một số chuyên gia cho rằng sự sụt giảm xếp hạng của Úc là do thiếu quan tâm tới đời sống của giáo viên, kỳ vọng quá cao vào học sinh và chương trình khuyến khích tập trung mạnh mẽ vào giáo dục tại nhà. Họ cũng kêu gọi chính phủ tăng đầu tư cho giáo dục sau khi so sánh mức đầu tư cho giáo dục với Việt Nam. Ngân sách cho giáo dục năm 2012 của Úc là 13,2%, trong khi của Việt Nam là 21,4%.
Hơn nữa, trước những dự đoán cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục giành được vị trí cao trong bảng đánh giá PISA dự kiến sẽ được công bố vào tháng 11 năm nay, tờ The Sydney Morning Herald đã không khỏi lo ngại về khả năng một lần nữa Úc lại thất bại trước Việt Nam.
Không tự mãn sau thành công
Các chương trình giáo dục của Việt Nam còn nặng nề về lý thuyết, nghiêng về "học vẹt" làm hạn chế tư duy sáng tạo của người học. Ảnh SMH |
Bên cạnh việc ca ngợi thành tích của giáo dục Việt Nam là đáng chú ý, trong bối cảnh đất nước vẫn còn nghèo và phải đối mặt với nhiều thách thức do hậu quả chiến tranh, nhiều chuyên gia quốc tế cũng lưu ý nghiêm khắc tới một số vấn đề còn tồn tại như việc giảng dạy dàn trải thay vì tập trung vào một số vấn đề đặc biệt.
Mặc dù đã đạt được thành tích đáng nể trên bảng xếp hạng quốc tế, nhưng hệ thống giáo dục của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề đáng phải mổ xẻ và xem xét. Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển, khẳng định rằng điểm PISA không đánh giá khả năng tổng thể của học sinh, và rằng năng lực của học sinh Việt Nam "vẫn còn nghèo".
Các chương trình giáo dục của Việt Nam còn nặng nề về lý thuyết, nghiêng về "học thuộc lòng, học vẹt" làm hạn chế tư duy sáng tạo của người học. Một số nhà phê bình còn cho rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng vì thiếu sự sáng tạo, kỹ năng làm việc theo nhóm và kỹ năng giao tiếp.
Một thách thức nữa đối với hệ thống giáo dục của Việt Nam là tỷ lệ học sinh theo học tại các trường phổ thông còn thấp hơn nhiều so với các đối tác khác, chỉ đạt 65%, trong khi ở Hàn Quốc là 95%.
Nhiều người đồng ý rằng PISA không phải là một "chỉ số hoàn hảo" và các nước vẫn cần phải liên tục cố gắng cải thiện chất lượng giáo dục của mình. Do đó, ngành giáo dục Việt Nam không nên tự mãn với thành tích này. Trong tình hình hiện nay, tiếp tục cải cách vẫn rất cần thiết.