Ngày 17/12, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chuyến công tác tại tỉnh Yên Bái.
Tại đây, người đứng đầu ngành Giáo dục đã có các cuộc gặp gỡ, nói chuyện thân tình, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh.
Đừng quên tiếng mẹ đẻ
Tới thăm thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm từng lớp học, khu ở nội trú, khu bếp ăn, ân cần hỏi thăm tình hình cuộc sống, học tập của các em học sinh và niềm vui của các em khi tới lớp.
Trò chuyện với các em học sinh, Bộ trưởng mong các em luôn tự tin trong học tập, mạnh dạn trong các hoạt động tập thể, đặc biệt dù học tập bằng tiếng Kinh nhưng các em đừng quên tiếng mẹ đẻ, đây sẽ là nền tảng để các em có được thành công trong tương lai.
Làm việc với đội ngũ giáo viên nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các học sinh ở các trường nội trú đến từ các dân tộc khác nhau, tiếng phổ thông chưa thạo và phải sống xa bố mẹ.
Bởi vậy, sự quan tâm của thầy cô để nâng cao sự tự tin, đảm bảo an toàn cho các cháu là điều rất quan trọng. Muốn làm được như vậy, cần trang bị kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống cho các cháu.
Bộ trưởng cũng đề nghị các giáo viên nhà trường cần tiếp cận với tiếng mẹ đẻ các em học sinh, từ đó gần gũi, hiểu các em hơn, truyền thụ kiến thức cho các em tốt hơn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sởhuyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (Ảnh: moet.gov.vn) |
Đề cập tới vụ việc đau lòng xảy ra gần đây tại một trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Phú Thọ như một bài học kinh nghiệm trong quản lý các trường nội trú, Bộ trưởng khẳng định, đó không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm.
Theo Bộ trưởng, hành vi ấy cần phải lên án và có thái độ rõ ràng, pháp luật xử lý, nhưng quan trọng hơn là phải đi từ gốc. Muốn đi từ gốc thì bản thân các cháu học sinh phải được giáo dục giới tính, phải có những kỹ năng để phòng chống xâm hại.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và sẽ tăng cường giáo dục giới tính và tâm lý lứa tuổi cho học sinh, nhất là học sinh ở trường dân tộc nội trú, hiểu biết được những kỹ năng căn bản để có thể phòng chống bị xâm hại.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần phát huy tính dân chủ trong trường học, để mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh không ngại ngần lên tiếng khi thấy những điều bất hợp lý và có dấu hiệu vi phạm quy định, vi phạm pháp luật, từ đó ngăn chặn, không để xảy ra hậu quả quá nặng nề.
Ngoài ra, các trường cũng phải tăng cường phối hợp, chia sẻ với phụ huynh học sinh để tháo gỡ những khó khăn về tâm lý lứa tuổi cho học sinh, lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp nhất.
Mong Bộ trưởng cho giảm bớt gánh nặng sổ sách
Trong chuyến công tác tại tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có nhiều cuộc trò chuyện với giáo viên, có cả những cuộc gặp gỡ bất ngờ không báo trước và chủ trì cuộc đối thoại với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh Yên Bái để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ.
Bộ trưởng khẳng định, những việc có thể hỗ trợ được trong thẩm quyền, Bộ trưởng sẽ làm ngay để giúp các thầy cô giảm áp lực, yên tâm công tác.
Chia sẻ với Bộ trưởng về gánh nặng sổ sách gây áp lực với giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên dạy tiếng Anh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Văn Yên mong muốn, Bộ trưởng “hãy có cách” để giáo viên không còn phải tốn nhiều thời gian cho sổ sách mà dành thời gian đó cho hoạt động chuyên môn.
Theo cô Nguyệt, thời gian qua, ngành Giáo dục đã có nhiều đổi mới nhằm giảm bớt áp lực cho giáo viên nhưng vẫn còn cần giảm bớt hơn nữa. Về việc đánh giá giáo viên giỏi, cô Nguyệt cho rằng, xét về mặt chuyên môn là cần thiết vì qua đó giáo viên được trau dồi, học hỏi.
Tuy nhiên, nếu được việc đánh giá nên thay đổi theo hướng đánh giá cả quá trình hoặc thay đổi để thực chất hơn, ví dụ như có thể tổ chức dự giờ bất ngờ, không báo trước.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, cắt giảm nhiều nội dung mang tính chất hành chính nhằm giảm bớt áp lực số sách, giấy tờ cho giáo viên.
Tuy nhiên, qua thực tế, vẫn còn nhiều thủ tục có thể giảm bớt được, vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và kiên quyết cắt giảm những thủ tục không cần thiết.
Bộ trưởng lắng nghe tâm tư, chia sẻ của giáo viên (Ảnh: moet.gov.vn) |
Là người có 16 năm gắn bó với nghiệp giáo viên mầm non, cô giáo Nguyễn Tuấn Anh, Giáo viên Trường Mầm non Hương Sen, Thành phố Yên Bái mang tới cuộc đối thoại với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trăn trở về sáng kiến kinh nghiệm và giờ sinh hoạt chuyên môn của giáo viên mầm non.
Theo cô Tuấn Anh, sáng kiến kinh nghiệm là một trong những điều kiện bắt buộc để giáo viên mầm non thi giáo viên giỏi các cấp.
Tuy nhiên, thi giáo viên giỏi đối với giáo viên mầm non luôn có phần làm đồ dùng đồ chơi nên hai nội dung này đã trùng lắp nhau. Vì vậy, cô mong Bộ và các cấp có thẩm quyền điều chỉnh.
Về giờ sinh hoạt chuyên môn, cô Tuấn Anh cho biết, quy định giờ làm việc hiện nay của giáo viên mầm non là 10 buổi/tuần, do thời gian làm việc đầy đủ các buổi trong tuần nên các giờ sinh hoạt chuyên môn phải tổ chức ngoài giờ hoặc ngày nghỉ, việc này vô tình tạo thêm áp lực về thời gian cho giáo viên mầm non.
Nên bỏ các cuộc thi kiểu Giáo viên giỏi và Dự giờ theo chuyên đề |
Cô Tuấn Anh mong Bộ trưởng xem xét điều chỉnh giờ làm việc của giáo viên mầm non để giáo viên có giờ sinh hoạt chuyên môn hiệu quả hơn.
Chia sẻ với những khó khăn, áp lực của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, định mức của giáo viên mầm non hiện đang được áp dụng theo Thông tư 06, tuy nhiên, lao động của giáo viên nói chung và giáo viên mầm non trong bối cảnh đổi mới cần phải thay đổi cho phù hợp.
Như hiện nay, thời gian sinh hoạt chuyên môn và thời gian quản trẻ của giáo viên mầm non đang được tính chung, sau đây sẽ phải tính toán lại.
Sáng kiến kinh nghiệm, theo Bộ trưởng là một trong những nguyên nhân của bệnh thành tích, thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu.
Cuộc thi mà không thiết thực, "diễn là chính" sẽ rất phản cảm. Từ năm ngoái, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả
Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm tránh hụt hẫng cho giáo viên là một trong những nội dung được nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh Yên Bái đặt ra cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong cuộc đối thoại.
Về vấn đề này, người đứng đầu ngành Giáo dục cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới sẽ được ban hành, đồng thời với quá trình xây dựng chương trình, các điều kiện triển khai chương trình về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đã được ngành giáo tích cực chuẩn bị trong thời gian qua.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, các trường sư phạm đã bắt tay xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo.
Ngay sau khi có chương trình sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bắt đầu từ đội ngũ giáo viên cốt cán, sau đó làm đại trà.
Năm 2019 sẽ tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lớp 1. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng cũng sẽ đổi mới, giảm bớt bồi dưỡng theo cách truyển thồng, tăng cường đào tạo theo hình thức trực tuyến, hình thức này rất phù hợp cho giáo viên vùng miền núi như tỉnh Yên Bái.
Bộ trưởng cho hay, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lần này ngoài trang bị kiến thức sẽ đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, có như thế giáo viên mới đáp ứng được mục tiêu của đổi mới là chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học.
Chúng ta cùng thay đổi
Đó là thông điệp Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại cuộc đối thoại với giáo viên cán bộ, quản lý giáo dục tỉnh Yên Bái. Theo Bộ trưởng, đổi mới thành công hay không bắt đầu từ đội ngũ giáo viên.
Nhưng chỉ đội ngũ giáo viên bắt nhịp đổi mới thôi là chưa đủ, hiệu trưởng - những người có vai trò dẫn dắt các trường học, dẫn dắt giáo viên phải thay đổi để trở thành những nhà quản lý, quản trị trường học giỏi; cán bộ quản lý cấp phòng, cấp sở, cấp bộ phải thay đổi, kịp thời nắm bắt những vấn đề từ thực tiễn để có những chỉ đạo, điều hành sao cho phù hợp, sát với mong muốn của giáo viên, cơ sở giáo dục.
Trước tình trạng sa sút đạo đức của một số cán bộ giáo viên thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị, các thầy cô giáo quán triệt sâu sắc Nghị định 80 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.
Trên thực tế có không ít giáo viên do hoàn cảnh khác nhau dễ bị áp lực, vì vậy, mỗi nhà trường cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng của giáo viên, tháo gỡ tận gốc để tránh xảy ra những trường hợp đi ngược lại quy định.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cần quan tâm xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học nhằm triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” của Thủ tướng Chính phú. Theo Bộ trưởng, từng bậc học thực hiện tốt đề án này văn hóa ứng xử trong trường học sẽ đi vào nề nếp.
Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng trao đổi một số vấn đề mà giáo viên và các cơ sở giáo dục tỉnh Yên Bái quan tâm như những đổi mới trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019; chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cấp phòng, cấp sở; chuyển đổi trường bán trú; trường chất lượng cao; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
Bộ trưởng khẳng đinh, chuyến làm việc, khảo sát lần này tại tỉnh Yên Bái sẽ là cơ sở thực tế quan trọng giúp ngành Giáo dục có những rà soát, điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách trong thời gian tới, đặc biệt là những chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm tạo ra động lực cho đội ngũ.