LTS: Số báo trước, Tòa soạn đăng tải bức thư của tác giả Bùi Văn Sơn về Thông tư 30. Bài viết nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn của độc giả. Rất nhiều độc giả đã bình luận, bày tỏ ý kiến và gửi thư về Tòa soạn để trao đổi kỹ hơn.
Trong số này, một phụ huynh học sinh giới thiệu mình là Hoàng Hồng viết bức thư dài và thấu đáo với mong muốn trao đổi với tác giả Bùi Văn Sơn và các phụ huynh trên cả nước. Tôn trọng ý kiến các bên, Tòa soạn đăng tải nguyên văn bức thư này.
Tôi cũng là một phụ huynh có con đang học tiểu học. Cháu lớn của tôi năm nay học lớp 7, đã trải qua quá trình 5 năm tiểu học theo lối học truyền thống. Còn cháu thứ hai của tôi năm nay học lớp 1, đã qua một kỳ áp dụng Thông tư 30.
Đọc bài viết Thông tư 30: Tiếng kêu cứu của một phụ huynh học sinh tiểu học của anh, tôi vô cùng lưu tâm. Trong đó, vấn đề mà anh nêu cũng là vấn đề mà tôi trăn trở và nay tôi muốn cùng phân tích với anh, rất mong được trao đổi để con cái chúng ta được giáo dục tốt hơn, mai sau thành người có ích cho cộng đồng.
Đó là: “Rất có thể truyền thống hiếu học ở nước mình sẽ bị Thông tư 30 hủy diệt”. Thông tư 30 có thể hủy diệt truyền thống hiếu học ở nước mình hoặc có thể không, nhưng tôi tự hỏi: truyền thống hiếu học ở nước mình có thực sự có tác dụng hay không?
Tôi đặt giả thiết là bao năm nay truyền thống hiếu học ở nước mình phát huy được tác dụng. Vậy thì:
- Tại sao một số nơi cảnh nghèo đói vẫn còn?
- Tại sao người nông dân nước ta chiếm số đông, lại có đất đai, tư liệu sản xuất trong tay mà vẫn phải chịu khổ cực?
- Chúng ta là nước nông nghiệp, tại sao hằng ngày người thành thị vẫn phải ăn nông sản Trung Quốc?
- Tại sao đến con ốc vít ta cũng chưa sản xuất được (mơ gì đến nền công nghiệp ô tô)?
- Tại sao đại bộ phận sinh viên đại học ra trường đi làm ở các doanh nghiệp tư nhân đều phải đào tạo lại từ đầu?
- Tại sao một bộ phận công chức Việt Nam “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”?
- Tại sao tham nhũng chưa được đẩy lùi?
Và anh biết không, mới đây thôi, tôi vô tình xem chương trình Kỹ năng sống trên VTV, thấy cô MC và vị giáo sư hay tiến sĩ gì đó dạy sinh viên kỹ năng nghe giảng? Chao ôi, tại sao một đất nước có truyền thống hiếu học ngàn đời mà nay phải đi dạy cho 1 sinh viên đại học kỹ năng nghe giảng – kỹ năng tối thiểu cần có của 1 học sinh tiểu học?
8 câu hỏi tại sao của tôi trên đây không biết có phải là nỗi trăn trở của anh hay không? Và tôi lại tự hỏi, 8 câu hỏi trên là hệ quả của truyền thống hiếu học kia ư? Hay truyền thống hiếu học mà ta vẫn nhắc đến chỉ mang tính biểu tượng?
Thông tư 30: Tiếng kêu cứu của một phụ huynh học sinh tiểu học
(GDVN) - "Rất có thể truyền thống hiếu học ở nước mình sẽ bị Thông tư 30 hủy diệt. Suy nghĩ ấy không biết đúng hay sai?" - phụ huynh học sinh.
Truyền thống hiếu học ở nước mình lâu nay coi trọng sự cần cù bù thông minh, coi trọng lý thuyết hơn thực hành, coi trọng kiến thức hơn là tư duy phân tích, tổng hợp. Học sinh Việt Nam nói riêng và học sinh châu Á nói chung khi sang Mỹ học tập luôn được ca ngợi về sự chịu khó, cần cù và khả năng dung nạp kiến thức.
Nhưng khi động chạm đến một vấn đề mới mẻ thì chúng ta luôn ở thế bị động. Bởi một điều đơn giản, truyền thống hiếu học của ta không dạy cho ta kỹ năng nghiên cứu và tư duy tự do.
Anh có nhớ ngày xưa học Truyện Kiều, chúng ta được dạy (và mặc nhiên chúng ta coi là đúng), rằng Kiều là người phụ nữ đáng thương, có sắc có tài nhưng bị xã hội phong kiến thối nát vùi dập xuống tận bùn đen. Còn Thúy Vân thì được hưởng cuộc sống an nhàn, hạnh phúc. Đại loại vậy.
Không một ai được phép phân tích rằng: Thúy Kiều thực ra không phải người “thông minh vốn sẵn tính trời”, nên mới bị hết người này đến người kia lừa; Thúy Kiều vì tham lam ái tình mà vướng nạn Hoạn Thư, vì tham lam danh vọng mà làm liên lụy đến Từ Hải, cuối cùng lại vì tham lam những dục vọng trần thế mà trở về đoàn tụ với Kim Trọng sau 15 năm lưu lạc, mặc dù cô lẽ ra đã có thể dứt bỏ duyên trần.
Đó là chuyện ngày xưa. Còn ngày nay, sau hơn 20 năm, đến lượt con tôi học, vẫn y như vậy. Con tôi làm văn tả mẹ thì mẹ đẹp như tiên, làm văn tả em bé thì em bé xinh như thiên thần, làm văn kể lại ngày đầu tiên vào lớp 1 thì cô giáo nào cũng nồng hậu dắt tay em vào lớp. Chao ôi, tôi sợ sự “vẫn y nguyên” sau hơn 2 thập kỷ này.
Nhưng có 1 sự “không y nguyên” mà tôi còn sợ hơn. Ngày xưa chúng ta học 1 buổi/ngày, buổi còn lại thì chơi, hay làm việc nhà, làm việc đồng áng, tối thì học bài. Nhà có điều kiện hơn thì đó là những buổi chiều thả diều bắt bóng, chạy nhảy khắp xóm làng, bơi lội trên sông, hái hoa bắt bướm.
Ngày nay, con chúng ta học 2 buổi /ngày, nhưng tối vẫn phải học bài. Mà học đến vài tiếng mới hết bài vở trên lớp thì con chúng ta khổ quá anh ạ.
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet) |
Chúng không có được cái hạnh phúc của chúng ta ngày xưa. Hạnh phúc được hít thở khí trời, được rong ruổi tự do không phải nghĩ gì đến bài tập và sách vở, được nhìn con chuồn chuồn mà biết trời sắp mưa, nhìn hoa may lụi mà biết gió bấc về, và đêm đêm nhìn sao trên trời, biết đâu là Thanh Long đâu là Bạch Hổ, biết cái lưng của ông Thần Nông đang gù xuống là mùa cấy đến gần, hay chỉ đơn giản là ngắm cầu vồng lên sau mỗi cơn mưa.
Muốn hết dạy thêm, học thêm: "Đánh" thẳng vào phụ huynh là thắng
(GDVN) - Không giao bài tập về nhà, không tổ chức thi học sinh giỏi, là những quy định đúng đắn, góp phần giảm dần cách dạy học tùy tiện và tiêu cực ở bậc tiểu học.
Anh có nhớ tuổi thơ của chúng ta. Không có thể thao, không có tennis, không có aerobic, cũng chẳng có bể bơi, nhưng đứa nào cũng khỏe mạnh. Thanh niên 18 tuổi là vạm vỡ, con gái 17 tuổi là “bẻ gãy sừng trâu”. Còn hôm nay, con chúng ta chưa vào lớp 1 đã cận thị, trái gió trở trời là viêm phế quản, viêm họng, viêm tai giữa; sinh viên đại học suốt ngày báo ốm xin nghỉ.
Tôi không thích giữ con trong nhà. Tôi luôn đuổi chúng ra đường. Tôi cảm thấy dễ chịu khi chúng ra ngoài đường chạy nhảy. Thằng lớn đá bóng, thằng bé thì đi hái hoa dại với các em gái bé hơn, lớn chút nữa thì đạp xe, đá bóng theo anh. Tôi sợ con tôi bị cận thị. Nhưng tôi sợ hơn là con tôi không biết chiếc lá khi rụng có màu gì, cây bàng có hoa hay không có hoa, và mỗi khi giận dữ thì không biết cách nhìn mưa nhìn trời để hết cơn giận, cứ phải lôi 1 bạn nào đó ra giữa lớp đánh hội đồng.
Một tâm hồn không có sự giao hòa với thiên nhiên thì mềm mại sao nổi, nhân văn sao nổi. Một tâm hồn không có sự giao hòa với thiên nhiên thì sau này dù nó có trở thành TS, GS thì tôi cũng không tin nó sẽ giúp ích được gì cho xã hội.
Tôi nói dài dòng quá. Nhưng tựu lại thì thế này, với cá nhân tôi, tôi không quá quan trọng việc điểm số của con ở lớp là bao nhiêu. Tôi kiểm tra kiến thức trên lớp và thấy con nắm bắt đủ kiến thức nền tảng là được. Tôi thích con tôi có nhiều thời gian, không phải làm bài tập về nhà. Thời gian rảnh rỗi đó, tôi muốn con tôi ra ngoài đường chơi, ngắm cây ngắm cỏ, ngắm trời ngắm đất, để rồi chúng về và hỏi tôi “tại sao bầu trời lại vàng khè thế kia hả mẹ?”, hay “sao mùa đông không có sâu mà mùa hè thì cây bàng lại nhiều sâu?”.
Lúc đó, tôi sẽ đưa cho chúng những cuốn sách mà tôi từng say mê, và sẽ đặt hàng chúng 1 bài nghiên cứu về các loại sâu mà chúng từng gặp. Ví dụ thế. Rảnh hơn nữa, tôi muốn đưa con đến các bảo tàng, các triển lãm, thuê thuyết minh viên kể cho chúng những câu chuyện thú vị, rồi về tôi lại đặt hàng chúng 1 bài gì đó, ví như “vì sao tượng nhà mồ Tây Nguyên ở Bảo tàng dân học học lại toàn khoe chim?”.
Tiến sĩ Ngô Gia Võ: "Lớp 5 ơi! Tôi lo sợ"
(GDVN) - Học sinh lớp 5 đã học theo kiểu cũ 4 năm rồi, độp một cái không chấm điểm, không giao bài tập về nhà,... liệu các em có đạt chuẩn bước vào lớp 6 không?
Khi chúng biết cách tự mày mò để tìm ra những kiến thức thay vì học thuộc theo bài mà thầy cô đánh số sẵn, tôi tin chúng sẽ phát triển tốt hơn.
Thông tư 30 chắc chắn có nhiều bất cập, như rất nhiều các chương trình cải tổ giáo dục đã diễn ra trước đây. Không cho điểm học sinh đồng nghĩa với việc dập tắt sự hiếu thắng và tính cạnh tranh của chúng, yếu tố quan trọng để chúng phát triển.
Nhưng thay vì thay đổi một Thông tư (1 việc khó như lên giời), tại sao chúng ta không thay đổi ngay cách dạy con trong gia đình? 1 ngày con chỉ ở lớp 7 tiếng, 17 tiếng còn lại con ở với ta. Anh đừng lo cô giáo và nhà trường sẽ làm thay đổi con anh. Chỉ có chúng ta mới thay đổi được con chúng ta, thông qua từng hành vi, cử chỉ, lời nói, hành động, sinh hoạt, làm việc và tư tưởng mà chúng ta truyền đạt tới chúng.
Anh có đồng ý với tôi, khi con đi học là bố mẹ chúng ta cũng phải đi học từ đầu? Chúng ta phải học cách làm người tử tế để con mình nương theo đó mà tử tế.
Kính chúc anh và gia đình mạnh khỏe! Chúc cháu học giỏi, khát khao hiểu biết, mai này là người có ích cho cộng đồng, cho đất nước và cho cả thế giới!