Chúng tôi đã đi trốn ngày 20/11 như thế

19/11/2018 06:18
Đỗ Quyên
(GDVN) - Ngày 20/11, học trò thường tổ chức đi thăm thầy cô chủ nhiệm, thầy cô dạy môn chính mà đôi khi không chào hỏi hoặc chỉ gật chào thầy cô dạy môn phụ cho lấy lệ.

LTS: Qua câu chuyện kể của một người bạn đồng nghiệp, cô giáo Đỗ Quyên đã có những chia sẻ cùng độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc tặng quà thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trường tôi nằm ở miền ven biển, phần đông giáo viên của trường là người ở xa nên chúng tôi cùng ở tập trung trong một khu tập thể của trường. Tất thảy có khoảng gần 20 thầy cô giáo của cả hai cấp học (tiểu học và trung học cơ sở).

Nhiều năm liền cứ đến ngày 20/11, chúng tôi (một số giáo viên dạy các bộ môn được gọi chung bằng hai tiếng môn phụ như: Giáo dục công dân, Sử, Địa, Kĩ thuật, Thể dục, Mỹ thuật…) phải rủ nhau vào rẫy của người quen tổ chức ăn uống, vui chơi và khuya hôm đó mới về lại trường để ngày mai đi dạy. Những cuộc đi như thế, chúng tôi gọi vui là “đi trốn” ngày 20/11.

Người ngoài có thể thắc mắc vì tò mò “tại sao ngày hội của mình mà phải đi trốn?” nhưng người trong nghề sẽ hiểu ngay cái gọi là vì sao ấy.

Chúng tôi đã đi trốn ngày 20/11 như thế ảnh 1Ngày hai mươi tháng mười, ngày của ai?

Một giáo viên cho biết: “ở nhà thấy cảnh học trò nườm nượp đi thăm những thầy cô giáo khác mà mình lại chẳng có ai hoặc loe ngoe vài em nên sẽ buồn nhiều hơn.

Tốt hơn hết, mình phải tự tìm niềm vui cho riêng mình. Có cô cười chua chát “đó cũng là trốn chạy sự mặc cảm, trốn chạy nỗi buồn”.

Sẽ có người cho rằng “việc gì phải thế, việc gì lại so đo tính toán chi cho mệt?”, nhưng nếu bạn ở trong tình cảnh ấy, dù vô tư bạn cũng khó thoát ra khỏi những ý nghĩ như vậy.

Chúng tôi - những giáo viên độc thân cùng ở chung một phòng, những thầy cô giáo đã có gia đình lại ở phòng bên cạnh

Vào ngày 20/11, học trò thường tổ chức đi thăm thầy cô, thế nhưng các em chỉ thăm những thầy cô giáo chủ nhiệm, thầy cô dạy những môn (Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh) mà đôi khi không chào hỏi hoặc chỉ gật chào thầy cô dạy môn phụ cho lấy lệ.

Đành rằng nhiều thầy cô không trông mong các em phải tặng quà nhưng nhìn kiểu phân biệt đối xử ấy, cái cảm giác mặc cảm, buồn tủi cứ dâng nghẹn trong lòng.

Đó là chưa nói đến việc, một số thầy cô có gia đình, con cái nhỏ ngây thơ hỏi “sao ba (mẹ) không có ai đến thăm?

Hay lời nói so bì của những bà mẹ chồng, mẹ vợ “cũng đi dạy như người ta mà học trò tới thăm nườm nượp, còn mình chẳng có một mống nào hỏi tới”. Và sự nghi ngờ cũng được dịp bung ra “phải sống thế nào học sinh mới thế chứ?”.

(Tặng quà thầy cô nhân ngày 20/11 (Ảnh minh hoạ: baoquangnam.vn).
(Tặng quà thầy cô nhân ngày 20/11 (Ảnh minh hoạ: baoquangnam.vn).

Có cô giáo chia sẻ “mẹ chồng tớ hỏi thế, đau lòng lắm nhưng biết phải trả lời sao đây? Im lặng là cách tốt nhất”.

Thế là cứ theo thông lệ, sau khi làm lễ ở trường xong, chúng tôi (những giáo viên môn phụ cùng một số thầy cô trốn việc nhận quà) thường hẹn nhau mua đồ ăn, thức uống vào rẫy một nhà quen nào đó và tổ chức vui chơi cho chính mình đến đêm chúng tôi mới trở về. Và ngày 20/11 của chúng tôi nhiều năm đã diễn ra như thế đó.

Sau này, nhiều giáo viên chúng tôi ra ở riêng không còn ở chung một tập thể nên hàng năm, vào ngày 20/11 không còn phải chứng kiến cảnh phụ huynh và học sinh tri ân thầy cô bằng kiểu phân biệt đối xử như thế nên thấy lòng cũng nhẹ nhõm hơn nhiều.

(Ghi theo lời kể của một số thầy cô giáo đồng nghiệp).

Đỗ Quyên