Ngày hai mươi tháng mười, ngày của ai?

16/10/2018 06:54
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Ngày hai mươi tháng mười là ngày của ai? Của các cô giáo hay thầy giáo? Sao cái ngày dành cho mình mà lại vất vả thế?

LTS: Các trường học đã tổ chức rất nhiều các hoạt động kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, người vất vả bận rộn với những hoạt động này lại chính là những nữ giáo viên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy giáo Sơn Quang Huyến về chủ đề này.

Những ngày này, phần lớn các trường học trên cả nước đang âm thầm, hay rầm rộ triển khai các hoạt động kỷ niệm, chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam.

Đơn giản nhất là lẵng hoa tươi, trên bàn giáo viên trong tuần lễ kỉ niệm này; không ít trường còn tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao dành cho nữ giáo viên.

Các cô giáo, ngoài hoàn thành công việc chuyên môn của mình lại tất bật tập luyện, để thi đấu, dành thành tích cho tổ mình, trường mình, ngành mình.

Có đơn vị tổ chức thi cắm hoa, vẽ tranh dành cho các cô giáo. Một buổi đi dạy, một buổi lại tất bật tìm hiểu các chủ đề cắm hoa trên mạng, tranh thủ viết và học thuộc bài thuyết trình chủ đề; bỏ tiền mua hoa, thực hành cắm ở nhà, đảm bảo khi tham gia hội thi, cắm vừa đẹp vừa đảm bảo thời gian quy định; thuyết minh chủ đề lại phải hay nữa.

Nhiều đơn vị, trường học tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam. Ảnh minh họa: http://pgdphugiao.edu.vn
Nhiều đơn vị, trường học tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam. Ảnh minh họa: http://pgdphugiao.edu.vn

Trường có điều kiện kinh phí, phát tiền cho các nhóm nữ công, lên thực đơn, mua đồ chuẩn bị thi nấu ăn. Các món ăn, vừa là sản phẩm hội thi, vừa là món liên hoan mừng ngày Phụ nữ Việt Nam.

Cô giáo dạy xong, tất bật họp bàn chị em trong nhóm, lên thực đơn, đi chợ, chế biến sẵn, chuẩn bị bếp núc để lên trường nấu, thi. Người đạt giải thì cười ngất, kẻ không có giải thì rút kinh nghiệm để năm sau làm cho tốt hơn.  

Có trường còn tổ chức thi văn nghệ dành cho các cô giáo. Nào là tập hát, tập múa, tập kịch… thôi thì cứ nháo nhào cả lên. Vừa dạy học vừa lo chưa thuộc kịch bản, quên lời bài hát, lỗi nhịp, lỗi nhạc thì quê mà chết mất…

Cứ thế, các cô giáo mình lại tất bật chuẩn bị để chuẩn bị ngày kỷ niệm của mình.

Ngày hai mươi tháng mười, ngày của ai? ảnh 2Phụ nữ Việt Nam - những cái nhất và đầu tiên

Vậy ngày hai mươi tháng mười là ngày của ai? Của các cô giáo hay thầy giáo? Sao cái ngày dành cho mình mà lại vất vả thế?

Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như Bác Hồ từng nói.

Thế nhưng ngày kỉ niệm Phụ nữ Việt Nam, xin hãy dành cho họ thực sự là ngày của mình. Cho họ một ngày được vinh danh thực sự, cả tâm hồn và thể xác.

Đàn ông Việt Nam nói chung, thầy giáo nói riêng, phải học tập đàn ông phương tây, đi làm về, làm việc nhà, rửa chén, lau nhà, thay tã cho con, … chia sẻ tất cả công việc với vợ của mình; đến công sở xin đừng “bình đẳng quá”, ngày lễ Phụ nữ Việt Nam, hãy đừng để các cô phục vụ mình nữa.

Ngày Phụ nữ Việt Nam, xin đừng tổ chức các cuộc thi dành cho phụ nữ; nếu được, hãy tổ chức các cuộc thi giúp việc nhà dành cho các quý ông, phụ nữ được mời làm giám khảo.

Có trường đã mở cuộc thi kể chuyện giúp việc nhà cho các thầy giáo. Ngày lễ Phụ nữ Việt Nam, ngày lễ Quốc tế phụ nữ, các thầy trình bày, các cô chấm điểm, phát thưởng… bằng những tràng pháo tay vui vẻ.

Bình đẳng giới, tôn trọng phụ nữ chỉ khi và khi phụ nữ được san sẻ công việc nói chung và việc nhà nói riêng; dành cho một nửa thế giới 365 ngày lễ, chứ không phải chỉ có hai ngày (8/3; 20/10), khi đó ngày hai mươi tháng mười mới thực sự là ngày của Phụ nữ Việt Nam.

Sơn Quang Huyến