Chúng tôi hỏi Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, có bỏ được biên chế giáo viên không?

27/05/2017 04:30
Trinh Phúc (thực hiện)
(GDVN) - “Tôi cho rằng, về cơ chế tiền lương và thu nhập cần đảm bảo một nguyên tắc là tốt hơn chứ không thể làm ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên”.

Vừa qua Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo – ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, sắp tới đây sẽ chấm dứt việc biên chế đối với giáo viên để chuyển sang hợp đồng, ý kiến của ông như thế nào về việc trên?

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Trước hết phải khẳng định đây chỉ là quan điểm đang trong quá trình nghiên cứu, xem xét, việc dự kiến “sắp tới đây sẽ chấm dứt việc biên chế đối với giáo viên để chuyển sang hợp đồng ” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn hiện nay thì việc này đang được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Luật viên chức thì “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”;

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (ảnh nguồn media.quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (ảnh nguồn media.quochoi.vn).

Điều này hoàn toàn khác với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được quy định trong Bộ luật lao động, “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”.

Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập không chỉ đông đảo về số lượng, mà còn đa dạng về loại hình, lĩnh vực hoạt động.

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã chia đơn vị sự nghiệp công lập thành 4 loại:

Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên;

Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Chúng tôi hỏi Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, có bỏ được biên chế giáo viên không? ảnh 2Biên chế hay Hợp đồng thì thầy cô tốt vẫn được cả xã hội kính trọng

Do đó, cần phân biệt rõ viên chức làm việc theo hợp động làm việc và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Về căn cứ tuyển dụng: theo Luật Viên chức thì việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Còn đối với người lao động theo quy định của Bộ luật lao động thì việc tuyển dụng theo nhu cầu của người sử dụng lao động.

Về hình thức tuyển dụng: Viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ thực hiện (hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý thực hiện hoặc theo phân cấp).

Viên chức được phân theo chức danh nghề nghiệp. Chức danh nghề nghiệp thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.

Chúng tôi hỏi Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, có bỏ được biên chế giáo viên không? ảnh 3Giáo sư Trần Hồng Quân: Biên chế là cái rọ an toàn cho những người yếu kém

Ví dụ viên chức ngạch giảng viên có giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp…

Chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm cho viên chức theo các nguyên tắc: làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó, người được bổ nhiệm phải đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp.

Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện thông qua thi hoặc xét, còn Người lao động việc tuyển dụng theo nhu cầu của người sử dụng lao động.

Nơi làm việc: Viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Còn người lao động thì làm việc ở rất nhiều các cơ quan, tổ chức khác như Cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị tư nhân…

Về tiền lương: Viên chức theo chế độ hợp đồng làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp, tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao.

Còn người lao động thì hưởng lương từ quỹ lương của người sử dụng lao động theo thỏa thuận được ghi trong hợp đồng lao động.

Đảng và Nhà nước đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhất là trong thời kỳ Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với Thế giới, đặc biệt là việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Quốc gia.

Do vậy, mọi thay đổi, sắp xếp trong hệ thống giáo dục nói chung cũng như việc thay đổi cơ chế, chính sách đối với các nhà giáo nói riêng là những vấn đề hệ trọng, cần được nghiên cứu, xem xét một các thấu đáo.

Hiện Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn đang trong quá nghiên cứu, xem xét.

Vừa qua, Đoàn công tác do đồng chí Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đang làm việc với một số bộ, ngành trung ương, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đoàn công tác cũng đã nêu rõ việc xem xét xét tiếp tục hay chấm dứt biên chế đối với giáo viên vẫn đang trong quá trình xem xét, nghiên cứu và phải tiến hành một cách thận trọng, có lộ trình để không làm xáo trộn, bất ổn trong hệ thống giáo dục nhất là với giáo dục phổ thông.

Nhiều người lo lắng nếu như kiểm soát không tốt thì gây nên tình trạng bất ổn lớn trong giáo dục, quan điểm của ông như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Đúng vậy, đây là quan tâm hàng đầu khi xem xét việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập trong hệ thống giáo dục và đào tạo nói riêng.

Với mục tiêu là đổi mới cơ chế hoạt động để các đơn vị này phát huy được tốt hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho hệ thống giáo dục và đào tạo chứ không phải là việc giảm sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với hệ thống này.

Như lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nêu “Để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn.

Nếu chúng ta cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được “đột phá” cho quá trình đổi mới giáo dục”.

Chúng tôi hỏi Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, có bỏ được biên chế giáo viên không? ảnh 4Bỏ biên chế giáo viên, hợp đồng luôn với cả Hiệu trưởng

Do đó, việc đổi mới cơ chế là cần thiết, nhưng cũng sẽ được tiến hành một cách thận trọng, có lộ trình và trước mắt có thể xem xét việc tổ chức thí điểm thực hiện.

Theo tôi, đối với hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp thì có thể thực hiện thí điểm trước và từng bước chuyển dần sang cơ chế hợp đồng đối với các giảng viên, giáo viên.

Còn đối với hệ thống giáo dục phổ thông thì cần phải xem xét kỹ càng hơn.

Giáo dục mầm non là giáo dục đầu đời của tuổi thơ mở đầu cho quá trình phát triển của mỗi con người với nhiệm vụ chủ yếu mang tính dẫn dắt giúp trẻ có được những kiến thức ban đầu để có thể làm quen, thích nghi dần với cuộc sống và phát triển tiếp theo, gắn chặt với phát triển thể chất và hình thành nhân cách.

Giáo dục phổ thông giành cho lứa tuổi từ 6 đến 18 tuổi, cấp học này cung cấp những kiến thức phổ thông, cơ bản ban đầu giúp tuổi trẻ có thể tiếp tục học nghề hoặc học lên các cấp học cao hơn và cũng có thể đi vào cuộc sống tự nuôi sống mình và cống hiến cho xã hội.

Theo ông, đâu là điểm đáng lo ngại nhất nếu như triển khai áp dụng hình thức hợp đồng đối với giáo viên, nhưng vấn đề phát sinh phức tạp nào nếu không được chuẩn bị và tính toán kỹ?

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Vấn đề cần quan tâm nếu như triển khai áp dụng hình thức hợp đồng với giáo viên đó là:

Xác định rõ về chủ thể có quyền ký hợp đồng với các giáo viên là ai, cơ quan, tổ chức nào? Quy trình thực hiện và cơ chế kiểm soát ra sao?

Về cơ chế tiền lương và thu nhập: Cần tính toán rõ thực hiện theo hướng nào? Nhưng cần đảm bảo một nguyên tắc là chỉ có thể tốt hơn chứ không thể làm ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên.

Ngoài ra, cần xác định rõ nguyên tắc và căn cứ tính lương là dựa vào đâu? vẫn dựa theo mức lương cơ sở hay theo mức lương tối thiểu vùng?...

Cần đảm bảo có sự đồng bộ với các đơn vị sự nghiệp công lập của các ngành, lĩnh vực khác chứ không chỉ áp dụng riêng với ngành giáo dục.

Điều quan trọng nhất là chính sách phải nhất quán, bình đẳng và tổ chức đồng bộ chung chứ không thể riêng lẻ áp dụng riêng cho hệ thống giáo dục và đào tạo. Tránh sự chênh lệch trong các đơn vị sự nghiệp công lập giữa các ngành, lĩnh vực với nhau.

Xung quanh vấn đề này, ông còn có ý kiến nào nữa hay không?

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được pháp luật trao rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng, quyết định về tài chính, nhân sự, điều hành hoạt động thường xuyên của đơn vị.

Hiện nay, thực hiện chủ trương đẩy mạnh tự chủ trong tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu càng giữ vai trò chi phối hoạt động của đơn vị.

Chúng tôi hỏi Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, có bỏ được biên chế giáo viên không? ảnh 5Sắp tới thầy cô chỉ có hợp đồng, không còn công chức, viên chức

Do vậy, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền bổ nhiệm người đứng đầu được quy định rất chặt chẽ.

Theo pháp luật cán bộ, công chức, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức, việc bổ nhiệm thực hiện theo trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức.

Theo Điều 34 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ bổ nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Theo  Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm công chức, viên chức theo thẩm quyền.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong một số lĩnh vực, việc bổ nhiệm người đứng đầu các đơn vị này thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.

Vậy nếu thực hiện chuyển chế độ viên chức theo hợp đồng làm việc sang chế độ hợp đồng thì cơ chế bổ nhiệm người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp trong hệ thống giáo dục thì sao?

Do đó, song hành với quá trình tổ chức thí điểm chuyển từ chế độ viên chức sang hợp đồng đối với giáo viên thì cũng cần phải xem xét, nghiên cứu hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Viên chức cho phù hợp.

Xin nhắc lại lời của Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khi bàn chuyện cải cách Doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam cho rằng “phản đối các cải cách là bình thường, với những cải cách không có phản đối, thì cần xem lại”.

Do đây là vấn đề có thể tác động đến hàng triệu thầy cô giáo, do đó, Bộ Giáo duc và Đào tạo cần phải phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu kỹ, trước mắt từng bước xin chủ trương thí điểm để có lộ trình phù hợp, tổng kết thực tiễn đề xuất sửa đổi Luật viên chức một cách căn cơ.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện báo cáo đề án đổi mới về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành giáo dục và đào tạo để báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để hoàn thiện Đề án tổng thể trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định vào tháng 10/2017.

Trên cơ sở ý kiến của Ban chấp hành Trung ương sẽ có giải pháp tổng thể về cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo nói riêng.

Trinh Phúc (thực hiện)