Một trong những điểm khác biệt trong dự thảo chương trình môn học Ngữ văn so với chương trình hiện hành là chương trình mới chỉ quy định học bắt buộc đối với 6 tác phẩm có vị trí đặc biệt.
Sáu tác phẩm bắt buộc đó là Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.
Tất cả các văn bản còn lại, trong đó có nhiều tác phẩm trước đây từng có trong chương trình-sách giáo khoa sẽ được đưa vào phụ lục để các tác giả sách giáo khoa và giáo viên tham khảo hình dung ra về thể loại, đề tài, độ khó, sự phù hợp về tâm lý lứa tuổi…
Từ đó chủ động lựa chọn văn bản cho sách giáo khoa và việc dạy học để hình thành và phát triển cho học sinh năng lực đọc với nhiều ngữ liệu đa dạng khác nhau; từ đọc có hướng dẫn trên lớp đến đọc mở rộng và tự đọc, tự học suốt đời.
Chương trình mới của môn Ngữ văn vẫn quá tải, dễ dẫn đến tâm lý sợ học (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Tuy nhiên, theo ý kiến của các giáo viên tổ Ngữ văn khối trung học phổ thông của trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng:
Việc lựa chọn các tác phẩm bắt buộc nhưng có tới 5/6 tác phẩm là văn học trung đại, mang màu sắc chính trị, mang tính giáo điều, chính luận. Điều này có xa với thời đại của người đang học nên việc cảm nhận sẽ không được sâu sắc, tự nhiên mà dễ bị sáo rỗng, khô khan.
Đồng thời, đội ngũ giáo viên này cũng cho hay, nếu định hướng tới mục đích giáo dục lòng yêu nước và tinh thần dân tộc thì không nhất thiết phải bắt đầu từ những vấn đề “bắt buộc” đó vì phải đặt văn học vào đời sống tâm lý của giới trẻ ngày nay mới thấy là học sinh không phải dễ dàng tiếp cận và lĩnh hội những tác phẩm kiểu “hàn lâm”.
Chương trình Ngữ văn mới sẽ khó và nặng kiến thức hơn rất nhiều |
Điều này khiến học sinh dễ cảm thấy quá tải, nặng nề và mệt mỏi, lâu dẫn sẽ có tâm lý sợ học môn văn.
Góp ý cho dự thảo chương trình môn Ngữ văn, các thầy cô trong tổ bộ môn Ngữ văn cho hay, thời lượng dành cho các nội dung giáo dục từ lớp 10 đến lớp 12 là: Đọc: 60%; Viết: 30%; Nghe – Nói: 10%. Chúng ta nên tăng thời lượng cho phần Nghe – Nói, nhất là phần Nói để học sinh được thuyết trình nhiều hơn.
Ngoài ra, trong dự thảo chương trình môn Ngữ văn kết cấu chương trình văn học dân gian còn ít do đó nên bổ sung các bài ca dao yêu thương, tình nghĩa vào.
Và nên thay bài “Tấm Cám” bằng “Chử Đồng Tử” hoặc “Đi bắt Nữ thần Mặt Trời” vì hai tác phẩm này có hình tượng nghệ thuật đẹp, thăng hoa, giàu mơ mộng và đánh thức khát vọng.
Còn đối với các giai đoạn, các trào lưu, các thể loại văn học đặc trưng nên có những văn bản bắt buộc bên cạnh các văn bản tự chọn để học sinh nắm được những kiến thức nền tảng.
Riêng về phần ký và nghị luận vẫn quá nhiều gây nặng nề, khiến học sinh ít hứng thú nên cần bỏ bớt.
Dự thảo chương trình môn Ngữ văn cũng thiếu những tác phẩm đương đại hấp dẫn, tươi mới, phù hợp với tâm lý học sinh, ví như tác phẩm Harry Porter...
Về việc giảng dạy và đánh giá học sinh, tổ môn Ngữ văn cho rằng, Bộ nên có quy định rõ ràng về số văn bản tự chọn. Ví dụ chọn 5/10 văn bản truyện, 3/7 văn bản thơ... để giáo viên và học sinh dễ hình dung.
Ngoài ra, Bộ nên có bộ khung quy định về yêu cầu của việc kiểm tra, đánh giá: cuối học kỳ, cuối năm, thi trung học phổ thông... để có định hướng rõ ràng cho việc dạy và học.