Vượt lên nỗi đau dam cam
Trang sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Từ nhỏ, cơ thể em đã phát triển không bình thường với đôi chân cong veo hình chữ O và chiều cao cứ “treo” ở mức dưới 1 mét.
Kiểu Trang chỉ cao hơn 1 mét và bị khuyết tật ở chân nhưng vẫn luôn cháy bỏng khát vọng được học tập, sống cống hiến. (trong ảnh: Hai mẹ con Kiều Trang trong ngày làm thủ tục xét tuyển). Ảnh: Ngọc Bảo |
Nhìn đứa con gái bé bỏng yếu đuối, thường xuyên đau ốm, chị Phạm Thị Văn (mẹ Kiều Trang) đã lặn lội khắp các bệnh viện để chạy chữa.
Nhưng chất độc da cam di truyền từ người cha, vốn là bộ đội một thời đánh Mỹ giữa Trường Sơn đã khiến hai anh em Trang mang nỗi tật nguyền suốt đời.
Cha mẹ mất sớm, nam sinh tự lập mưu sinh hoàn thành giấc mơ giảng đường |
Người anh trai cũng như Trang bị dị tật chân và cao chỉ 1 mét nhưng cũng cố gắng học nghề sửa máy tính, tivi gần nhà để tự nuôi sống bản thân.
Cha em sau ngày giải ngũ cũng thường xuyên bệnh tật, phải nhập viện thường xuyên nên mọi ghánh nặng gia đình đều đặt lên đôi vai gầy của người mẹ.
Khi kể về đứa con gái Kiều Trang, từng giọt nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt đầy vết chân chim của người mẹ một đời tần tảo.
Cuộc sống của gia đình chị đã bị chất độc da cam (đioxin) cướp đi tất cả, để lại đàng sau bao nỗi khó khăn, nhọc nhằn.
“Dù cơ thể không được trọn vẹn như các bạn nhưng từ nhỏ, Trang đã rất đam mê học hành. Những hôm trái gió trở trời, cơ thể đau yếu, gia đình muốn cháu thôi học ở nhà nghỉ ngơi nhưng Trang vẫn kiên quyết đến lớp” chị Văn chia sẻ.
"Có bán nhà cũng cho con đi học"
Vượt lên trên số phận và những cơn đau giằng xé, Trang dồn hết quyết tâm, nghị lực vào việc học.
Chuyện cảm động về hai chị em hiếu học, mồ côi cha |
Ngay từ nhỏ, em đã tự rèn cho mình tính cẩn thận, kiên nhẫn giải quyết từng bài tập khó. Không chỉ học ở sách vở, thầy cô, bạn bè mà Trang có sở thích lên mạng internet tìm tòi để tự bổ sung kiến thức cho bản thân.
“Nhiều đêm thấy cháu thức trắng để ôn bài, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Trước hôm thi, Trang còn nói với tôi sẽ phải gắng đậu vào đại học để ba mẹ vui và sau này con cũng có cái nghề để tự nuôi sống bản thân” mẹ Kiều Trang tâm sự.
Đợt thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua, Kiều Trang đã đạt 17,5/30 điểm. “Là con gái những em rất thích máy tính, thích lập trình nên muốn thi vào ngành Công nghệ thông tin”, Trang nói.
Với số điểm đó, “cô gái da cam” đã gần như sẽ có suất lọt vào ngành Công nghệ phần mềm của Đại học Duy Tân.
Thông tin con gái sắp bước chân lên giảng đường đại học khiến gia đình nhỏ của Trang vui hẳn lên, rộn rã tiếng cười nói hơn thường ngày.
Cha Kiều Trang chia sẻ rằng, hai vợ chồng ông dù có bán nhà cũng quyết cho con đi học đại học.
Giấu niềm vui sau những giọt nước mắt, chị Văn vẫn không nguôi nỗi lo về những tháng ngày sắp tới.
“Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn lắm, mỗi năm chỉ làm vài sào ruộng mà đến mùa thì thu nhập 1 tháng của cả nhà mới có 3 - 4 triệu.
Còn lại những ngày thường thì không có thu nhập, ai thuê thì đi làm thôi. Cũng chưa biết sẽ lấy tiền đâu cho cháu đi học”, chị Văn lo lắng.
Trước những khó khăn của "cô bé da cam" hiếu học, đại diện trường đại học Duy Tân cho biết, sau khi Kiều Trang đăng ký xét tuyển vào học ngành Công nghệ phần mềm của trường Đại Duy Tân,
nhà trường đã trao học bổng toàn phần trong năm thứ nhất (năm học 2017 – 2018) vì những cố gắng bền bỉ, không biết mệt mỏi của em.
“Trường sẽ tiếp tục trao học bổng toàn phần toàn khóa học nếu Kiều Trang đạt kết quả học tập khá trở lên trong những năm học sau.
Chúng tôi muốn dành phần thưởng bất ngờ đó để khích lệ, hỗ trợ cho em trong giấc mơ hoàn thành chương trình đại học” đại diện nhà trường cho hay.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, Trang chỉ cười hiền: “Em mong muốn sau khi ra trường sẽ có thể thiết kế thật nhiều phần mềm, tạo ra nhiều trang web chất lượng phục vụ cuộc sống.
Trong đó, sẽ tạo một diễn đàn kết nối những người có cùng sở thích, những người chịu thiệt thòi trong cuộc sống để chia sẻ kinh nghiệm học tập, khích lệ lẫn nhau sống có ích và hy vọng nhiều hơn vào tương lai”.