Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn nhỏ, từ ngày bước chân lên thủ đô, chàng sinh viên quê Nam Định Vũ Văn Trung đã phải làm quen với cuộc sống một mình bươn chải để mưu sinh nơi đất khách.
Gặp Trung trong một ngày giữa tháng 7, cảm nhận đầu tiên của tôi về em là một chàng trai nhiệt tình và vui vẻ.
Tuy nhiên, nhìn dáng vẻ gầy gò và đôi bàn tay chai sần của chàng trai sinh năm 1995 này, tôi cũng phần nào biết được em từng phải trải qua những công việc không hề nhẹ nhàng.
Cha mẹ mất khi em còn quá nhỏ
Mẹ mất từ khi Trung lên 4 tuổi. Ngày mẹ mất, em vẫn chỉ là một đứa trẻ ngây thơ chưa biết gì. Một tấm hình lưu giữ của mẹ em cũng không thể có. Vì vậy, mọi kí ức về mẹ trong em dường như đều là con số 0 tròn trĩnh.
Bố em mất sau mẹ vài năm, khi đó em đã lớn hơn và còn di ảnh của bố nên những kí ức còn khá rõ ràng. Riêng cảm giác về mẹ, em hầu như không còn nhớ gì.
Đôi khi, thấy cảnh các bạn cũng trang lứa tuy lớn rồi mà vẫn được mẹ ôm ấp, Trung lại cố mường tượng ra khuôn mặt mẹ và cảm giác được mẹ ôm là như thế nào. Nhưng mọi sự tưởng tượng đều trở nên bất lực.
Vũ Văn Trung, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Sau ngày bố qua đời, Trung được bác gái đón về nuôi, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng bác bảo “có rau ăn rau có cháo ăn cháo”.
Bác của Trung đã nhiều tuổi lại phải nuôi sáu người con, tính cả Trung là bảy, nhà lại làm nông nghiệp nên không có nhiều điều kiện, cuộc sống thực sự vất vả.
Trung kể, từ nhỏ em đã quen với việc dậy sớm, em thường phải dậy từ 5 giờ sáng để nấu đồ ăn sáng cho cả nhà. Các công việc đồng áng cũng không còn xa lạ với em.
Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vì Trung cũng học khá tốt nên bác cũng tạo điều kiện cho đi học, nếu không có lẽ em cũng phải nghỉ học để đi làm sớm phụ giúp gia đình.
“Trong các anh em họ hàng, chỉ mình em học đại học nên bác cũng thấy mát mày mát mặt với họ hàng làng xóm”, Trung thành thực chia sẻ.
Những ngày tự lập mưu sinh
Chuyện cảm động về hai chị em hiếu học, mồ côi cha |
Kể về ngày đầu chân ướt chân ráo lên Hà Nội, chàng sinh viên có dáng vẻ gầy gò chia sẻ:
“Ngày đi thi đại học, em được bác cho 500.000 đồng rồi tự mình lên Hà Nội đi thi.
Ngày trước chọn thi vào trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng là cả một sự tính toán.
Với sức học của em, em có thể chọn thi các trường như Bách Khoa… nhưng em chọn trường này bởi trường ở khu vực ngoại thành, chi phí ăn ở sẽ rẻ hơn các trường trong nội thành”.
Dù được nhiều người khuyên học ngành Sư phạm vì sẽ không phải lo đóng học phí nhưng Trung lại e ngại ra trường không có điều kiện để xin việc.
Vì vậy, chàng trai quê Nam Định quyết định chọn ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô bởi đầu ra cũng tương đối dễ có việc làm.
Trung chân thành tâm sự: “Chắc bởi em phải tự lập, làm việc từ rất sớm nên khi chọn trường em đã phải tính trước cẩn thận rồi mới đăng ký thi đại học, chứ không thể chọn bừa được”.
Chia sẻ về kỉ niệm những ngày đầu lên Hà Nội, Trung kể: “Em nhớ mãi chuyện hồi học năm thứ nhất. Khi đó, em học ở cơ sở Hà Nam.
Rồi có một môn học em phải học tại cơ sở ở Hà Nội, hôm đó đột xuất học mà em không có đồng nào trong người, gọi điện cho bạn bè thì bọn nó đều ở quê chưa lên”.
“Hôm đó, em đành phải xin ngủ nhờ ở bãi trông xe. Bác bảo vệ cho em mượn cái võng rồi lên xe tải ngủ. Muỗi đốt sưng hết người chị ạ”, kể về kỉ niệm khó quên với một thái độ vui vẻ dường như mọi thứ với Trung đều trở nên nhẹ nhàng.
Quá trình học đại học, Trung chỉ thỉnh thoảng về xin gạo ở nhà, còn mọi sinh hoạt em đều cố gắng tự mình trang trải.
Trung tâm sự: “Hồi em mới lên Hà Nội thì hai bạn học cấp ba của em cũng đỗ cùng trường nên được hai bạn hỗ trợ ăn ở. Vì là bạn cùng quê cho nên các bạn cũng hiểu hoàn cảnh của em và sẵn sàng giúp đỡ”.
Sau hai tháng, khi làm quen chỗ ở rồi tìm được công việc em mới bắt đầu có tiền để trang trải mọi sinh hoạt.
Khi ở chung, không có tiền cùng chia sẻ tiền phòng với bạn, em lại cố gắng chịu khó làm những công việc nhà như giặt chăn màn, dọn đồ đạc và tìm các công việc làm thêm chứ không trông chờ, ỷ lại.
Không nề hà việc gì, từ gia sư, bưng bê, chạy bàn đến chạy xe ôm, làm bảo vệ… miễn là công việc không quá mất sức là Trung đều nhận làm hết.
Mẹ lượm ve chai, con thành gương sáng |
Trung tâm sự, thời gian đầu đi làm phải đi bằng xe đạp và xe buýt nên cũng hơi vất vả.
Vì thế, Trung dành dụm tiền làm thêm, đến năm thứ hai đại học, em đã có thể mua được một chiếc xe máy cũ với giá 5 triệu đồng.
Khi có xe máy, việc di chuyển cũng đỡ vất vả hơn, Trung lại nỗ lực làm việc nhiều hơn.
Trước băn khoăn của tôi về việc đi làm thêm nhiều như vậy thì làm sao em có thể đảm bảo việc học trên lớp, Trung cho biết:
“Em thường học tranh thủ học, ví dụ khi làm bảo vệ thường có thời gian em lại tranh thủ học bài. Mà em thấy mình học cũng nhàn lắm, không phải nỗ lực cố gắng nhiều. Khi nào mệt thì em nghỉ thôi”.
Duy trì thành tích học tập tốt trên lớp, Trung cũng được nhiều bạn bè nhờ hỗ trợ làm bài giúp. Em cũng được nhiều bạn bè trong lớp yêu quý bởi tính hòa đồng, dễ gần.
Tuy nhiên, Trung cho biết hầu như cả lớp đại học đều không biết hoàn cảnh của em, chỉ có bạn lớp trưởng và ba người bạn thân trong lớp là biết chuyện. Bởi từ việc ăn mặc, sinh hoạt trong lớp em đều cố gắng hòa đồng như mọi người.
Tháng 3 năm nay, em cũng có tên trong danh sách giới thiệu tấm gương sinh viên tiêu biểu được Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội gửi lên Bộ Giáo dục Đào tạo.
Hoàng Tuấn Phát, một trong những người bạn gắn bó với Trung từ hồi cấp ba bày tỏ sự cảm phục đối với nghị lực vươn lên của Trung:
“Em học cùng Trung từ lớp 10 lên đại học, em thấy cảm phục nghị lực của Trung. Trung là một người tiếp thu nhanh, giao tiếp tốt và rất trung thực. Bọn em ở chung, có để tiền nong thế nào cũng hoàn toàn tin tưởng”.
Nhớ lại những kỉ niệm về bạn cùng phòng, Phát kể: “Có lần Trung đạp xem từ Hà Nam lên Hà Nội chỉ để gặp người bạn gái thân từ hồi lớp 12, chỉ một buổi chiều rồi tối lại đạp xe về. Nó có thể đạp xe cả một quãng đường xa như vậy khiến bọn em cảm thấy rất nể phục”.
Nụ cười lạc quan vượt lên hoàn cảnh
Nữ sinh viên nghèo khuyết tật giàu nghị lực sống |
Luôn đạt thành tích khá trong lớp, Trung xin bảo vệ đồ án sớm để có thể xin việc đi làm luôn.
Háo hức với dự định làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên, Trung đã phải tạm gác dự định đó vì lý do sức khỏe.
Tham gia kì tuyển dụng của một doanh nghiệp nước ngoài, em đã đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn nhưng lại không thể qua vòng khám sức khỏe.
Chán nản một thời gian vì mọi dự định của em buộc phải thay đổi hoàn toàn, Trung cố gắng lấy lại tinh thần và ứng tuyển vào một doanh nghiệp của Việt Nam. Và may mắn đã mỉm cười với em.
Vui mừng chia sẻ về việc đã làm việc tại doanh nghiệp này được 2 tháng dù chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học, Trung cho biết vì mới bắt đầu công việc nên em cũng phải cố gắng rất nhiều để thể hiện năng lực.
Khi được hỏi về chuyện tình cảm riêng tư, Trung cười buồn: “Em cũng hay trò chuyện với một người bạn nữ cùng quê. Tuy nhiên vì cuộc sống của mình đã vất vả rồi nên em cũng không muốn người khác cũng khổ vì mình. Vì vậy, trước mắt em phải tập trung cho công việc để có kinh tế thật tốt trước đã”.
Với sự lạc quan vốn có và nụ cười rạng rỡ trên môi của Trung, tôi tin rằng những ngày tươi sáng đang chờ em phía trước. Mong rằng những nỗ lực không ngừng của em sẽ được ghi nhận và đền đáp xứng đáng.